Chị H.H (Cần Thơ) cho biết đã mất hơn 200 triệu đồng sau khi tin lời một người quen qua ứng dụng hẹn hò. Không riêng chị H., hiện đã có hàng chục nạn nhân mất từ vài chục triệu đến hơn 3 tỷ đồng vì chiêu trò lừa đảo tương tự đang tập hợp nhau lại trên hội nhóm MXH để tìm biện pháp xử lý thiệt hại, truy tìm người lừa đảo.
"Tụi nó lừa thật quá, mình còn không biết là đang bị lừa luôn", chị H. ngậm ngùi kể lại.
Nhiều nạn nhân sập bẫy
Hình thức lừa đảo được chị H. thuật lại cụ thể cho Tri thức Trực tuyến. Theo đó, người lừa đảo sẽ nhắn tin làm quen, tán tỉnh và thậm chí là mua quà, đồ ăn cho các nạn nhân trong khoảng một thời gian dao động trong một tuần đến 3 tháng.
Khi đã lấy được lòng tin của nạn nhân, người này sẽ giới thiệu rằng bản thân đang làm nhân viên công nghệ thông tin (IT) cho một sàn giao dịch với hình thức tương tự các sàn giao dịch ngoại hối (forex) và đã phát hiện ra lỗ hổng có thể kiếm lời trên sàn này.
Tiếp đó, người này sẽ gửi đường dẫn tới sàn giao dịch này và nhờ nạn nhân đặt lệnh mua bán trên chính tài khoản của họ. Những lệnh mua bán theo hướng dẫn của người lừa đảo để thu về lợi nhuận giao động 20-30% mỗi giao dịch.
"Bạn đó bảo với mình rằng đang ở công ty nên không thể truy cập vào sàn bằng mạng nội bộ, nhờ mình thao tác hộ các giao dịch và sẽ chia 5% lợi nhuận. Khi đăng nhập tài khoản mình thấy có hơn 50 triệu đồng dưới dạng tiền mã hóa, sau vài giao dịch số tiền sinh lời và đã lên tới gấp đôi, người này còn chụp màn hình rút tiền về tài khoản khiến mình thêm tin tưởng", chị H. chia sẻ.
Sau nhiều giao dịch sinh lời, người này sẽ khuyên nạn nhân tạo một tài khoản để có thể kiếm tiền dựa trên lỗi của sàn. Nếu nạn nhân nhẹ dạ cả tin, tạo tài khoản là đã bước đầu sập bẫy của họ.
Tiếp đến, những người như chị H, được hướng dẫn tiếp tục giao dịch các lệnh mua bán theo lời của "người quen" nhưng trên chính tài khoản mới tạo. Trong lần giao dịch đầu tiên số tiền nạn nhân nộp vào và lợi nhuận hứa hẹn thường không quá cao để tạo lòng tin. Kẻ lừa đảo cũng cho phép nạn nhân nhập các lệnh rút tiền về tài khoản ngân hàng thực.
"Lúc đầu mình nạp vào 100 USD, sau giao dịch đầu tiên mình đã thử rút về 10 USD và thấy tiền thật sự được rút về tài khoản ngân hàng", chị H. cho biết.
Khi đã có được sự tin tưởng, những kẻ lừa đảo sẽ "nạp" vào tài khoản của họ số tiền lớn lên tới hàng trăm triệu đồng cũng như khuyến khích nạn nhân tự nạp thêm lượng lớn tiền để có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên số dư tăng thêm là ảo, có thể dễ dàng thay đổi, thực chất chúng không hề thực hiện nạp tiền thật cho nạn nhân.
Sau vài giao dịch, thường là tới giao dịch thứ 3, họ sẽ khuyên nạn nhân "gửi lãi qua đêm" để sinh lời thay vì rút tiền về tài khoản ngân hàng.
Tới đây nếu nạn nhân để tiền trong tài khoản và tiếp tục giao dịch sẽ bị người này hối thúc nạp nhiều tiền hơn. Còn nếu nạn nhân muốn rút tiền về sẽ phải cọc thêm 50-100% số tiền có sẵn trong tài khoản và 22% "tiền thuế".
"Ví dụ mình muốn rút 62 triệu đồng từ 'tài khoản giao dịch' về ngân hàng, mình phải chuyển khoản đúng 62 triệu đồng sang và được hứa hẹn sau quá trình xác thực sẽ nhận về đầy đủ 124 triệu đồng, chưa kể tiền thuế", chị H. kể lại.
Để gia tăng sức ép với nạn nhân, những người này sẽ cảnh báo về việc nếu không tiếp tục cọc tiền xác minh và đóng thuế, tài khoản sẽ bị khóa và mất toàn bộ tiền đã nạp. Lúc này, dù nạn nhân đóng đủ số tiền xác minh cũng sẽ mất tiền mà không đóng cũng sẽ mất tiền.
"Khi thấy thao tác quá phức tạp và số tiền đã vượt mức mình có thể xoay được cũng chính là lúc mình nhận ra rằng bản thân đã bị lừa. Mình đành để mất hết số tiền dành dụm vì càng cố lấy lại số tiền đã nạp vào mình sẽ càng mất nhiều hơn", chị H. chia sẻ.
Tương tự, chị T. (Hà Nội) cũng là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này với số tiền bị mất lên tới hơn 22.000 USD. Người lừa đảo đã lợi dụng lòng tin sau một khoảng thời gian trò chuyện với nạn nhân và rủ nạn nhân đầu tư chung vào lỗ hổng để kiếm lời.
Sau lời dụ "để lãi qua đêm", chị T. cũng rơi vào cảnh không thể rút tiền về và liên tục bị yêu cầu nộp "phí bảo hiểm tài khoản".
Bình mới rượu cũ
"Đây là loại hình lừa đảo cũ, đa phần những nạn nhân dính vào loại này thường bị lừa số tiền rất lớn. Một số trường hợp mình biết, nạn nhân đã bị lừa mất hơn 10 tỷ đồng. Gần đây là một trường hợp cũng bị lừa lên đến hơn 3 tỷ đồng", ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), người sáng lập dự án Chống lừa đảo, tiết lộ.
Ông Hiếu cho biết hình thức lừa đảo này khá dễ nhận biết. Đầu tiên, các đối tượng sẽ tiếp cận nạn nhân qua các ứng dụng hẹn hò hay mạng xã hội như Facebook, WhatsApp hay Tinder. Tiếp đó, họ đánh vào tình cảm, lòng tin và câu nhử một thời gian để tạo sự tin tưởng, gây dựng mối quan hệ với nạn nhân.
Khi lòng tin đã đủ độ "chín" và cũng hiểu rõ về tài chính, cuộc sống của nạn nhân thì tuỳ thuộc vào tính cách của nạn nhân, những người này sẽ có những kịch bản khác nhau.
Kịch bản thường là các đối tượng sẽ hướng dẫn "con mồi" đầu tư tài chính forex hoặc các sàn tiền ảo. Những người này sẽ đóng vai là người cùng với nạn nhân là người đầu tư, nhưng thật ra họ còn đóng một hoặc nhiều vai khác nữa song song là nhân viên quản lý hoặc "thầy chỉ dạy đánh lệnh".
Theo ông Hiếu, đa phần các nạn nhân sập bẫy vì thấy tiền kiếm quá dễ. Sau một vài lần thắng và rút được tiền về tài khoản ngân hàng, nạn nhân dễ thuận theo kẻ lừa đảo, nạp thêm tiền để kiếm được lợi nhuận nhiều hơn.
"Lúc này nạn nhân và kẻ lừa đảo thường sẽ thân thiết hơn bao giờ hết. Nhiều người đã nói chuyện hàng đêm với kẻ lừa đảo, một số trường hợp còn gửi hình ảnh, quay video nhạy cảm hoặc gọi điện cho nhau. Tất nhiên, những kẻ đều sử dụng hình ảnh và thông tin giả mạo để dấu đi danh tính thật", ông Hiếu chia sẻ thêm.
Chuyên gia này cho hay khi số tiền chiếm đoạt được đã lớn, những người lừa đảo sẽ cho nạn nhân "cháy" tài khoản, khóa tài khoản hoặc thông báo phải đóng thuế, phí để có thể rút tiền và xác thực tài khoản.
Chúng sẽ bịa ra rất nhiều lý do để khiến nạn nhân phải nạp tiền vào hòng lấy lại số tiền đang bị giữ trong tài khoản đầu tư ảo. Thậm chí, có nhiều nạn nhân vẫn tin tưởng và đôi khi còn cảm thấy đồng cảm với kẻ lừa đảo vì nghĩ cả hai đều đang tham gia chung vào một tài khoản.
Một số kẻ lừa đảo còn tinh vi và đánh trúng đòn tâm lý bằng cách là tự nguyện góp 50% khoản tiền đóng vào tài khoản đầu tư để giúp nạn nhân giải quyết các vấn đề và có thể thể rút tiền ra.
Số tiền trong tài khoản đầu tư là tiền ảo nhưng nhiều nạn nhân không nhận ra và nghĩ số dư hiển thị trong tài khoản là "tiền thật" vì nếu họ nạp rút tiền vào số dư sẽ có biến động. Thực chất, tất cả các con số và sàn đầu tư đều được thao túng bởi kẻ lừa đảo.
Về cách thức, những vụ lừa đảo qua ứng dụng hẹn hò xuất hiện trong thời gian gần đây tương tự lừa đảo cộng tác viên làm việc qua mạng từng nở rộ trước đó. Vẫn là những sàn giao dịch, sàn TMĐT giả mạo được lập ra để dẫn dụ người dùng cùng số dư ảo có thể dễ dàng chỉnh sửa, chỉ khác ở cách tiếp cận.
Thay vì làm nhiệm vụ kiếm tiền đơn giản, các đối tượng dàn cảnh cho nạn nhân cảm giác trở thành nhà đầu tư nắm được lỗ hổng của sàn giao dịch, cho rằng dễ dàng giàu nhanh.
Hiện Ngân hàng nhà nước Việt Nam chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối (forex) và mọi hình thức tổ chức kinh doanh, giao dịch sàn forex sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.