Dân vùng biển có thể có nhiều bí quyết muối sứa riêng. Nhưng theo kinh nghiệm của một ngư dân gốc Phú Yên, sứa sau khi lưới lên, cạo rửa sạch nhớt, xắt miếng, chủ yếu lấy chân và mép thân sứa.
Sau đó cho vào nước nấu lá sung (hoặc lá đinh lăng hay vỏ vẹt băm nhỏ) đun sôi để nguội với muối ngâm trong khoảng 4 – 5 ngày. Xong vớt ra để ráo rồi bỏ vô túi nilông đóng gói, giữ trong tủ lạnh.
Ăn sứa hơi lạ miệng và có phần khó ăn cho những người mới thưởng thức lần đầu, nhưng khi đã ăn quen thì khó mà quên được cái vị chát và tiếng nhai giòn sựt của nó. Sứa muối có thể chế biến nhiều món ăn dân dã và dễ ghiền như vậy, điều cần nhớ là phải rửa nước ấm nhiều lần để bớt độ mặn. Dưa chuột bỏ ruột, xắt nhuyễn. Càrốt, đu đủ nạo nhỏ.
Tất cả bóp muối, rửa sạch, vắt ráo, trộn với ít đường. Đậu rang chín vàng, giã giập. Trứng tráng mỏng cũng xắt chỉ. Thịt ba rọi, tôm, trứng trộn với sứa cùng các loại rau củ trên, nước mắm ngon, chanh, ớt và tỏi cùng rau thơm là có món gỏi sứa khỏi chê. Cũng có người dùng dái mít, trái vả và húng cây để trộn gỏi sứa cho một cung bậc khác.
Nếu có cá ngon như cá bò hoặc cá ngừ để làm món bún sứa thì tuyệt. Cá tươi ướp hành, ớt, nước mắm cho thật thấm, hấp chín. Nồi nước lèo phải nấu bằng xương và đầu cá để ngọt nước. Sau đó, sắp bún và thịt cá vô tô, bỏ một nhúm sứa lên trên, chan nước lèo. Bún sứa mà không có chén mắm tỏi ớt, chanh và dĩa ghém thì rất… vô duyên.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.