Mặt nạ gỗ qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân ở Kon Tum
A Yưk - một trong những nghệ nhân đẽo mặt nạ cuối cùng ở Kon Tum
Hoàng Lộc
Thứ ba, ngày 20/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
Mặt nạ là một vật dụng không thể thiếu trong các lễ hội của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Tại tỉnh Kon Tum, có một nghệ nhân vẫn ngày ngày đục đẽo để tạo ra những chiếc mặt nạ gỗ nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa của khu vực.
CLIP: Nghệ nhân A Yưk chia sẻ về công việc chế tác mặt nạ gỗ. Thực hiện: Hoàng Lộc
Đến làng Klâu Ngo Zố (xã Ia Chim, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) hỏi nhà của nghệ nhân A Yưk (57 tuổi) không ai không biết bởi sự tài hoa của ông trong việc chế tác ra các tượng nhà mồ, mặt nạ gỗ.
Trong căn nhà cấp 4 đã cũ kĩ, ông A Yưk đang say sưa đục, đẽo những chiếc mặt nạ. Thấy khách đến nhà, ông vội dừng công việc này lại và tiếp chuyện.
Rót nước trà mời chúng tôi, ông kể, cách đây hơn 30 năm, bản thân đã được người cha dẫn đi các lễ hội văn hóa ở trong làng. Trong một lần tham gia lễ hội Pơ Thi (lễ bỏ mả của người Jrai) tại huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), ông thật sự bị lôi cuốn bởi những bức tượng nhà mồ với nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau và những chiếc mặt nạ được các nghệ nhân đeo lên.
Từ đó, người đàn ông này nghĩ ngay đến việc làm tượng nhà mồ để thỏa niềm đam mê của mình. Nói là làm, ông liền chặt gốc cây mít trước nhà để đục, đẽo tượng.
"Trước khi đẽo tượng nhà mồ, tôi mường tượng hình ảnh muốn đục ở trong đầu và phác họa lên khúc gỗ. Khi bắt đầu làm, chân tôi giữ khúc gỗ còn tay thì cầm rìu, rựa đục và rựa đẽo theo hình đã vẽ. Sau vài ngày đục đẽo với những vết phồng rộp ở tay, tôi đã tạo ra được những bức tượng nhà mồ có hồn, chân thực, bình dị với đời sống của người bản địa", ông Yưk chia sẻ.
Độc đáo trong từng chiếc mặt nạ gỗ
Khi đã thành thạo trong đục đẽo tượng nhà mồ, ông Yưk nghĩ ngay đến việc làm mặt nạ gỗ. Để có nguyên liệu, ông phải lên rừng để tìm cây hoa sữa – một loại cây có gỗ nhẹ, bền và ít bị nứt khi làm mặt nạ.
Trong lúc chế tác mặt nạ, ông không sử dụng máy móc mà chỉ dùng rìu, đục, rựa vào dao để làm. Theo ông, công việc này đòi hỏi người thực hiện phải có sự khéo léo, tỉ mỉ.
"Trước khi làm, tôi phải lên ý tưởng trong đầu sẽ là mặt nạ như thế nào rồi mới đục đẽo. Khi đục đẽo thì phải thật nhẹ nhàng nếu không sẽ làm mặt nạ bị nứt, bị hư. Đặc biệt, những bộ phận chính trên mặt nạ là mắt, mũi, miệng, và cả những chi tiết khác như trán, má, cằm... phải đục đẽo thật tinh tế, tỉ mỉ.
Đối với phần mắt của người già khác với mắt của trẻ con và cằm của phụ nữ khác với cằm của đàn ông. Tôi phải làm thật kỹ để khi nhìn vào, người khác có thể phân biệt được", ông A Yưk chia sẻ.
Nói đến đây, ông Yưk vội lấy những chiếc mặt nạ ra rồi bày giữa nhà cho chúng tôi xem. Theo quan sát, mặt nạ của ông các đầy đủ kiểu như cười, buồn, khổ đau, già, trẻ, gái, trai… Đối với mặt nạ phụ nữ thì ông đính thêm lớp vải phía sau giống như bộ tóc dài.
Cầm trên tay từng chiếc mặt nạ, ông nói: "Mặt nạ dành cho nữ thường thon gọn với mái tóc dài. Mặt nạ cho nam có khuôn hình vuông rộng. Còn mặt nạ cho người già thì trán hơi nhăn, bộ răng rụng được tô thêm chút vôi trắng và mặt nạ trẻ con thì tô thêm chấm hồng ở má để bộc lộ rõ sự vui tươi".
Theo quan niệm của người Jrai, mặt nạ được xem là một bộ phận quan trọng các lễ hội. Bên cạnh bộ trang phục truyền thống, thì người bản địa đeo mặt nạ, mặc áo lá chuối khô trong lễ hội và hòa lẫn trong nhóm biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa rối, múa trống, múa chiêng càng làm cho không khí thêm náo nhiệt.
Trung bình mỗi ngày, ông Yưk chỉ làm được 3 chiếc mặt nạ, mỗi chiếc có giá khoảng 90.000 đồng nhưng chỉ khi nào có người đặt mua thì ông mới làm.
"Tôi không đặt nặng nhiều về kinh tế mà chỉ muốn lưu giữ bản sắc văn hóa cho con cháu đời sau biết và kế thừa, phát huy", ông Yưk bộc bạch.
Ông Yưk còn khoe với chúng tôi rằng, thỉnh thoảng ông được các tỉnh thành như Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng hay xa hơn là Hà Nội mời đi tạc tượng nhà mồ, đẽo mặt nạ, làm con rối và từ đây ông cũng có nguồn thu nhập ổn định.
Bà Uông Thị Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Chim (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cho hay: "Ông A Yưk rất nổi tiếng trong việc chế tác nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là nghệ nhân. Các dịp lễ hội tại địa phương hầu hết đều nhờ có ông A Yưk mà đậm màu sắc văn hóa địa phương. Địa phương lo sợ nếp văn hóa này dần mai một nên đã có đề xuất Phòng Văn hóa – Thông tin TP. Kon Tum mở các lớp học để truyền nghề này cho lớp trẻ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.