Mệt mỏi xăng dầu

Quảng Hà Thứ sáu, ngày 11/03/2022 11:33 AM (GMT+7)
Bộ Tài chính vừa đưa ra phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng ở mức 2.000 đồng/lít, với các loại dầu ở mức 1.000 đồng/lít. Dự án Nghị quyết này đã được hoàn thành, với đề nghị thực thi từ 1/4 đến hết 31/12 năm nay.
Bình luận 0

Bộ Tài chính nhận định, với việc giảm thuế này, ngân sách năm nay sẽ giảm thu hơn 31,9 nghìn tỷ đồng (gồm cả giảm trực tiếp từ thuế bảo vệ môi trường và giảm từ thuế giá trị gia tăng). Khoản giảm này không nhỏ, tương đương với thu ngân sách cả năm của một tỉnh xếp hạng 10-11 cả nước.

Phải nói vài ngày trở lại đây, thuế bảo vệ môi trường (gọi tắt là thuế môi trường) đánh trên xăng dầu là đề tài nóng số một số hai trên các diễn đàn. Phần lớn người dân đều cho rằng mức thuế môi trường 4.000 đồng/lít xăng là cao, là yếu tố góp phần đẩy giá xăng lên cao. 

Có những người còn tính toán: Cộng 4.000 đồng thuế môi trường vào giá bán, mỗi lít xăng sẽ còn phải gánh tiếp 400 đồng thuế giá trị gia tăng, do thuế này tính trên giá bán đã bao gồm thuế môi trường, nói cách khác là "thuế chồng thuế". 

Khoan hãy nói đến con tính đúng sai, mà các nhà quản lý cần nhận thấy một điều: Thuế môi trường với xăng tăng từ mức 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít từ năm 2019, lúc đó cũng từng có ý kiến tranh luận, nhưng vì sao đến tận bây giờ người dân mới phản ứng mạnh như thế?

Không ít người "soi": Thuế môi trường thu nhiều như vậy, nhưng chi cho môi trường bao nhiêu, có chi hết không, nếu không hết thì dùng vào việc gì, vì sao thu thuế môi trường lại dùng việc khác? Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách thì thuế môi trường không có nghĩa chỉ dùng vào việc bảo vệ môi trường, cũng như ngân sách chi cho bảo vệ môi trường không nhất thiết phải lấy từ nguồn thuế môi trường. Vì thế sẽ không có câu trả lời cho những câu hỏi trên. Nhưng các nhà quản lý, hãy tự hỏi: Vì sao người dân lại soi như thế, vào lúc này?

Mệt mỏi xăng dầu - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng đông nghịt sáng 11/3 tại một cây xăng ở quận Đống Đa lo mua xăng do có thông tin tăng giá chiều cùng ngày. Ảnh: Phạm Hưng.

Bên cạnh thuế môi trường, không ít người trong đó có cả các chuyên gia kinh tế lão làng, đặt câu hỏi về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng. Theo họ, xăng đâu phải mặt hàng gì xa xỉ, mà là một mặt hàng thiết yếu, quan trọng sống còn, là máu của nền kinh tế. Sử dụng xăng dầu là nhu cầu tối cần thiết, đâu thể đánh đồng vào diện "tiêu thụ đặc biệt" như rượu bia hay dịch vụ massage. 

Câu chuyện quan điểm có thể còn phải bàn bạc nhiều, nhưng những người làm chính sách thuế có lẽ cũng nên tự hỏi: Vì sao vấn đề thuế lại được nhắc đến nhiều như thế vào những ngày này? 

Những câu hỏi đó không khó trả lời, nếu nhìn vào dòng người tối 10/3 xếp hàng tranh thủ đổ xăng ở khắp nơi: Hà Nội, Nghệ An, TPHCM, và nhiều nơi khác. Người ta đổ đầy bình xe máy, ô tô, mang cả can đi đổ cho nhiều. Chờ đợi, chen chúc cũng được, miễn là đổ được xăng trước ngày 11/3 - hạn điều chỉnh giá xăng dầu. Đổ xăng, dù Bộ Tài chính đã chịu giảm thuế môi trường 2.000 đồng mỗi lít xăng. Đổ xăng, dù rằng lượng xăng đó chỉ giúp chiếc xe của họ chạy giỏi lắm 5-7 ngày, tiết kiệm đôi chục ngàn đồng với một chủ xe máy. 

Vài chục ngàn cũng quý. Người dân ai nấy đều quá hiểu, sau giá xăng sẽ là trăm thứ giá cùng lên: con cá mớ rau, tấm áo manh quần, điện, nước, tiền thuê nhà, cho tới con cái học hành, thậm chí cả dịch vụ làm đẹp cho chị em, tấm vé xem phim ngày cuối tuần, ly cà phê buổi sáng… rồi sẽ âm thầm lên cả. Chỉ có đồng lương là chậm chân. Bởi thế, đã sẵn mỏi mệt sau đại dịch dài đằng đẵng, cố vớt vát được đồng nào hay đồng ấy.

Người dân đã mỏi. Bộ Tài chính chắc cũng hiểu, nên mới có câu chuyện giảm thuế 2.000 đồng. Có điều, đây là lúc phải khoan thư sức dân, liệu 2.000 đồng đã đủ "khoan thư" chưa? 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem