Là một trong các phong trào lớn của các cấp Hội Nông dân, chính vì vậy phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi huyện Chi Lăng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, sự chỉ đạo sát sao của các cấp Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể. Trong đó nổi bật là sự quan tâm của Hội Nông dân huyện Chi Lăng trong tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nâng cao kiến thức, tay nghề.. cho người nông dân.
Nhờ đó ngày càng xuất hiện nhiều những mô hình SXKD hiệu quả. Chi Lăng nổi tiếng là vùng trồng na nên nhiều nông dân nhờ cây na đã có cuộc sống khấm khá và ổn định. Để có được những thành công và hiệu quả như hôm nay phải kể đến phong trào thi đua SXKD giỏi, đồng thời được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp.
Anh Nguyễn Văn Thật, thôn Than Muội, xã Quang Lang trồng na dưới chân núi Cai Kinh có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ngay từ đầu năm 2018, các cấp Hội ND huyện Chi Lăng đã tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tập huấn cho cán bộ hội, hội viên, nông dân xã, thị trấn tham gia về bồi dưỡng kiến thức trong chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng và chăm sóc na và cây có múi; phổ biến tuyên truyền kiến thức về bảo vệ môi trường; kiến thức, văn bản pháp luật về thương mại nông thôn.
Hội đã phối hợp với các nganh liên quan tổ chức lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao KHKT về trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi, cách sử dụng các loại phân bón, cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại cây trồng; cung ứng phân bón chậm trả năm 2018 cho hội viên, nông dân các xã, thị trấn số lượng 590 tấn phân bón các loại tương ứng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Để động viên, khuyến khích, hỗ trợ nông dân SXKD giỏi,Hội ND huyện đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền trong việc tổ chức bình xét, khen thưởng, biểu dương, tôn vinh những gương nông dân điển hình SXKD giỏi, qua đó nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả góp phần thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong nông dân.
.
Chi Lăng nổi tiếng là vùng trồng na đặc sản của xứ Lạng, người dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định từ những vạt na trên dãy Cai Kinh. Những vạt na xan mướt đã đem lại cho người dân huyện miền biên ải này 680 tỷ đồng năm 2018.
Bà Hà Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chi Lăng cho biết: Hội Nông dân huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền đến cán bộ, hội viên nông dân chủ động sản xuất nông nghiệp, kết quả hội viên, nông dân đã chủ động gieo trồng cây lương thực được: 11.026 ha, sản lượng lương thực có hạt ước đạt 34.211,55 tấn, trồng cây lâm nghiệp và bảo vệ rừng được hội viên, nông dân triển khai trồng mới được trên 100.1,5 ha. Nông dân có “sống khỏe” thì Hội cũng mới ngày càng được củng cố và phát triển, vai trò của Hội Nông dân được nâng lên, thu hút thêm nhiều nông dân tham gia vào tổ chức Hội.
Nông dân không chỉ được tham gia gia tập huấn nâng cao kiến thức, tay nghề mà còn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện “gỡ khó” về vốn cho các hộ nông dân. Trong đó có Quỹ Hỗ trợ nông dân do huyện vận động đến nay được 2.603 triệu đồng. Qua sử dụng nguồn vốn quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình nông dân.
Từ việc cho vay vốn, công tác xây dựng phát triển tổ chức Hội được tăng cường. Hội viên, nông dân được tiếp cận nguồn vốn vay có hỗ trợ đã sử dụng đúng mục đích, nhiều dự án mang lại giá trị kinh tế đã giúp cho hội viên, nông dân có thu nhập nâng cao đời sống; đồng thời một số dự án sử dụng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân hiện nay đang thực hiện chu kỳ vay vốn lần 2, 3..
Mô hình nuôi và chăm sóc gà tại xã Vạn Linh cũng đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Bên cạnh vốn Hội là Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội ND huyện Chi Lăng còn phối hợp với Ngân hàng CSXH để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách. Nguồn tín chấp cho vay chính sách tín dụng của Ngân hàng CSXH ủy thác qua Hội ND với 1.922 hộ vay, tổng dư nợ là 73.795 triệu đồng. Về cơ bản, vốn tín dụng chính sách ủy thác qua Hội ND đều được các hộ vay sử dụng đúng mục đích có hiệu quả kinh tế, đời sống nông dân được cải thiện, góp phần giảm nghèo và đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chi Lăng.
Kết quả từ đầu năm 2018 các cấp Hội ND huyện Chi Lăng đã đăng ký và triển khai thực hiện 25 mô hình phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, các mô hình được áp dụng khoa học kỹ thuật, cho năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao, như các mô hình: trồng và chăm sóc cây quýt tại xã Y Tịch; cây na tại xã Quang Lang; bưởi Diễn tại xã Chi Lăng; mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản tại xã Hữu Kiên; chăn nuôi lợn nái sinh sản tại thị trấn Chi Lăng; chăn nuôi vịt cỏ tại xã Bằng Mạc; nuôi gà xã Vạn Linh… Ngoài ra Hội Nông dân cơ sở phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện các mô hình phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới các mô hình: tưới nhỏ giọt trên cây có múi; hỗ trợ phân bón cho na VietGAP và hỗ trợ sản xuất rau an toàn; mô hình áp dụng KHKT chăm sóc cây hồi; hỗ trợ hệ thống sân phơi, bao bì sản phẩm cao khô và hỗ trợ Tổ hợp tác chăn nuôi gà tại xã Vạn Linh….
Ngoài na, Chi Lăng còn nổi tiếng bởi nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nhưng củ dong riềng...
Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở miền biên Ải Chi Lăng đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân trên địa bàn huyện. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa, tạo động lực cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.