Miền núi phía Bắc: Tỷ lệ phát triển hạ tầng thấp nhất cả nước

Thứ hai, ngày 13/01/2014 10:43 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT cho biết, sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía Bắc đã có bước phát triển vượt bậc, nhất là về giao thông, điện, xóa nhà tạm...
Bình luận 0
Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, dân cư phân tán nên tỷ lệ phát triển hạ tầng của khu vực vẫn thấp nhất cả nước. Theo ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh văn phòng điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, đầu tư xây dựng hạ tầng đều được các tỉnh trong khu vực quan tâm chỉ đạo, coi là khâu đột phá trong xây dựng NTM.

Giao thông ở nhiều xã khu vực MNPB vẫn rất thiếu thốn.
Giao thông ở nhiều xã khu vực MNPB vẫn rất thiếu thốn.

Điển hình như tỉnh Quảng Ninh đã dành hàng nghìn tỷ đồng hỗ trợ phát triển giao thông nông thôn; một số tỉnh còn nhiều khó khăn như Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ… cũng có chính sách sáng tạo như hỗ trợ mua xi măng làm đường giao thông nông thôn và công trình thủy lợi;...

Dù có nhiều nỗ lực, song hạ tầng của khu vực vẫn rất khó khăn và đang là “điểm nghẽn” chính làm cản trở sự phát triển chung của khu vực. Trong đó, về giao thông, hiện cả nước có 149 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm thì miền núi phía Bắc chiếm 80% số xã; tỷ lệ xã đạt tiêu chí về giao thông, điện, nước sạch, cơ sở vật chất văn hóa đều chỉ bằng 20 – 30% so với cả nước.

Đặc biệt, thiếu và yếu nhất vẫn là các tỉnh vùng Tây Bắc. Ngoài ra, đến nay mới có 30% số xã có quy hoạch sản xuất nông nghiệp; 40% xã có quy hoạch chi tiết hạ tầng và 30% xã có công bố quy hoạch. Nhiều huyện cũng chưa có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 – 2020 nên thiếu căn cứ cho các xã quy hoạch sản xuất, quy hoạch hạ tầng có kết nối vùng.

Theo ông Lam, nguyên nhân của tình hình trên là do các xã miền núi thường có diện tích lớn gấp nhiều lần các xã đồng bằng, tài liệu đo đạc khảo sát gốc phần lớn là thiếu. Để có căn cứ quy hoạch thì rất cần phải khảo sát, đo đạc, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 150 triệu đồng/xã, đủ cho quy hoạch chung chứ không có kinh phí thực hiện các quy hoạch chi tiết, cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng sau quy hoạch… Ngoài ra, cũng do thiếu đơn vị tư vấn chuyên nghiệp nên các xã đều lúng túng trong công tác này.
Nguyễn Minh (Nguyễn Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem