Món cá linh kho mía của má

Bài, ảnh: Ba Cần Thơ Thứ bảy, ngày 17/10/2015 09:11 AM (GMT+7)
Ngày cuối tuần giữa tháng Mười này, tôi mới có dịp thăm thú vùng ngoại ô. Chạy xe trên đoạn đường từ Cần Thơ - Long Xuyên, thấy nước lũ ngập trắng cánh đồng khiến tôi chợt buồn và nhớ về mùa cá linh của nhiều năm về trước. Hồi đó, mùa này cá linh nhiều lắm và tôi thường được ăn món cá linh kho mía của má.
Bình luận 0

Tôi nhớ như in, trước khi lũ về khoảng một tháng là ba tôi đã chuẩn bị vá chài, trét xuồng đón một mùa “lũ đẹp”. Và đều đặn mỗi sáng, khi nhành cây ngọn cỏ còn đẫm ướt những giọt sương mai, ba đã dậy, rồi trên vai phải vác chài, tay trái xách thùng để chèo xuồng dọc mé sông đánh bắt cá linh. Chỉ khoảng vài giờ sau, ba đã quay về cùng với khoảng nửa thùng cá linh. Má tôi cho cá vào rổ, lựa những con cá nhỏ để ăn, còn những con cá lớn mang ra chợ bán. Nhìn những con cá linh bụ bẫm, vảy ánh lên màu trắng bạc lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời, trông thật vui mắt. Và, trưa hôm đó, thế nào cả nhà cũng được thưởng thức món cá linh kho mía do má chế biến.             

Thường thì hôm nào đi chợ “đắt hàng”, má sẽ bớt lại một vài con cá linh cỡ lớn. Về nhà má liền sai tôi ra trước sân chặt một cây mía tây vàng óng đem vào, dùng dao bén cắt 2 lóng róc vỏ, rửa sạch, chẻ thành từng miếng mỏng (cỡ 4 m/m) để sẵn ra rổ. Còn anh tôi ra sau vườn hái vài trái dừa xiêm, chặt lấy nước đổ ra thau. Riêng những con cá linh cỡ lớn (khoảng 800 gram), má dùng dao bén làm sạch để ráo. Ngạc nhiên khi thấy má không đánh vảy, bỏ đầu. Như hiểu được ý tôi, má giải thích vì vảy và đầu cá linh là phần đặc sắc (nếu có trứng càng tuyệt) sẽ làm “thăng hoa” cho món ăn này.

img

Cá linh, nguồn lợi chính của ngư dân miền Tây trong mùa lũ. (Ảnh: BCT)

img

Cá linh kho mía - món đặc sản của đồng bằng được Tổ chức kỷ lục Việt Nam (VietNam – Vietking) vinh danh là một trong 50 món ăn nổi tiếng Việt Nam. (Ảnh: BCT)

Mọi thứ nguyên liệu đã chuẩn bị xong. Trước hết, má ướp gia vị vào cá cho vừa khẩu vị và chờ khoảng 15 phút cho ngấm. Kế đến má xếp mía (đã chẻ) thành một lớp lót dưới đáy nồi, đổ cá lên và cho nước dừa xiêm vào ngập xâm xấp cá, dùng vỉ tre chèn trên mặt để cho cá ngập đều. Má đậy nắp vung lại, đặt nồi lên bếp với ngọn lửa riu riu cho đến khi nước dừa rút cạn, cá chín, xương mềm rục là nhắc xuống (khoảng 5 tiếng). Tôi thắc mắc hỏi má tại sao không lót dưới đáy nồi bằng những thứ khác mà lại là mía?. Má vò đầu tôi nói: “Chính mía, và nước dừa xiêm là thứ gia vị tuyệt vời  làm “thăng hoa” hương vị của món cá linh kho mía này đó con!”…

Thật hạnh phúc và đầm ấm biết bao khi chiều đến, cả nhà ai cũng mừng vui quây quần bên mâm cơm đạm bạc, có đĩa cá linh kho và tô canh chua cá linh bông điên điển. Và, má ngồi nơi góc hiên nhà nhoẻn nụ cười mãn nguyện khi thấy cảnh đàn con đang ăn một cách say sưa.

Mùa lũ năm nay về chậm và mực nước thấp nên nguồn lợi từ cá linh không được dồi dào. Con cá linh bé nhỏ cũng trở nên hiếm dần so với nhiều năm về trước. Ở Thành phố, cá linh luôn đắt hàng vì là thứ cá “đặc sản”. Mỗi khi đi chợ bắt gặp người bán cá linh, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ về những ngày này năm xưa ở nơi quê nhà và nhớ nhất món cá linh đạm bạc, ấm tình – món cá linh kho mía của má!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem