Cá linh đầu mùa con thường chỉ bằng đầu đũa, người dân vùng lũ lụt gọi là “cá linh non”. Cá linh non mềm mại và thịt rất ngon, ai ai cũng ưa thích, coi đó là đặc sản của mùa nước nổi.
Trước đây, cá linh nhiều vô số kể, nhưng giờ đây đã giảm nhiều khiến cho bà con ngư dân tỏ ra tiếc nuối. Cá linh bây giờ mỗi năm mỗi giảm, không bằng 1/10 những năm 90. Do lượng đánh bắt không nhiều nên giá cá cũng vì thế mỗi năm một tăng. Cách nay 10 năm, 1 ký thịt heo đổi lấy 10 ký cá linh, còn bây giờ thì giá cả ngang nhau. Có người ghiền cá linh nhưng ra chợ mỏi mắt tìm hoài không thấy, thậm chí có người mua nhầm cá linh giả ăn vào cảm thấy nhạt nhẽo vô duyên.
Đặc điểm của cá linh là vừa lên khỏi mặt nước cá đã chết. Để có được những con cá tươi ngon, nhiều thương lái đã có sáng kiến cho cá vào can nhựa rồi bơm oxy trước khi vận chuyển đường xa.
Từ xa xưa, bà con ở vùng nước nổi gọi cá linh là thứ của cải trời cho. Cá linh từ thượng nguồn đổ về, mưa xuống mát mình, cá con lần theo các sông, rạch tràn vào các biển lúa mênh mông để tiến hành một cuộc phiêu lưu vạn dặm. “Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ”, thức ăn đầy đủ, cá lớn nhanh như thổi, người bơi xuồng đụng phải luồng, xem cá nhảy lao xao mà đoán biết năm đó cá linh nhiều hay ít.
Nhà văn Nguyễn Hiến Lê có đoạn viết: “Tháng Mười là mùa cá linh, nó theo nước trên Cao Miên xuống, nhiều vô số kể. Tại phía trong miền Hồng Ngự nó lội đầy rạch, chỉ việc lấy thùng thiếc mà xúc…”
Anh Huỳnh Thành Cường, một tay chuyên đánh bắt cá linh ở xã Vĩnh Trường, huyện An Phú cho biết, năm nào lũ về sớm, về nhanh năm đó bà con sẽ trúng mùa cá linh.
Bao đời nay con cá linh đã trở thành món ăn phổ biến của cư dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đặc biệt cá linh non là một loại cá thơm ngon và béo ngọt tuyệt vời. Loài cá bé nhỏ này làm món gì cũng hấp dẫn. Từ món chiên giòn, kho mẳn, kho mía, kho mắm, nhúng giấm cho tới nấu canh chua. Chế biến các món ăn, cá linh còn được dùng nấu nước mắm và làm mắm được coi như đặc sản nổi tiếng của quê nhà.
Chưa có nơi nào mà trữ lượng cá linh nhiều như ĐBSCL và cũng chưa có loại cá nào giữ một vai trò quan trọng trong đời sống của bà con nghèo như cá linh. Thế nhưng, kể từ thập niên cuối của thế kỷ XX cho đến nay, do biến đổi khí hậu và do việc các nước bạn khai thác quá mức các nguồn nước ở thượng nguồn và các phụ lưu trên dòng Mê Kông đã làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên. Thật đáng tiếc!
Ghe xuồng đánh bắt cá linh.
Cá linh non đầu mùa thường có giá đắt như tôm tươi.
Cá linh non đầu mùa vừa mới kéo lên.
Ngư dân ở các huyện đầu nguồn ĐBSCL khai thác cá linh.
Cá linh và bông điên điển là “cặp bài trùng” trong mùa nước nổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.