Một đời vợ chồng... ba lần cưới

Thứ ba, ngày 08/02/2011 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là phong tục của tổ tiên mà người Khùa không thể bỏ được, thế nên có nhiều cặp vợ chồng vì lý do này khác mà sống với nhau trọn đời, thậm chí đã chết vẫn chưa cưới xong.
Bình luận 0

Những trường hợp này con cái buộc phải tổ chức cưới cho họ…

Chết rồi vẫn phải cưới!

Đứng trên đường 12A nhìn xuống, thượng nguồn sông Gianh như một con rắn trườn mình hun hút dưới khe sâu. Dọc theo dòng sông là những bản làng, với những mái nhà sàn lúp xúp tựa lưng vào núi, quay mặt ra sông. Đó là hai xã Dân Hoá và Trọng Hoá (huyện Minh Hoá, Quảng Bình), quê hương của người Khùa - một trong những tộc người ít nhất Việt Nam.

img
Ông Hồ Linh – “cuốn sách sống” của người Khùa kể chuyện cưới xin của người Khùa với phóng viên.

Chúng tôi đến bản La Trọng (xã Trọng Hoá) - một bản của người Khùa vào một ngày đầu xuân. Ông Hồ Linh - nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Trọng Hoá về hưu, người được coi là một “bộ sách sống” của người Khùa, lục đục rang cốm, nướng sắn và cột rượu cần đãi khách. Nhiều người trong bản xúm lại bên bếp lửa, uống rượu nói chuyện râm ran.

Câu chuyện đang hào hứng, tôi hỏi ông Linh về phong tục cưới xin của người Khùa. Hồ Linh cười tít mắt: “Nhà báo hỏi chuyện cưới xin của người Khùa làm gì, lôi thôi lắm. Tao năm nay 75 tuổi rồi, nhưng mới cưới xong năm ngoái đó thôi”. Tôi trố mắt. Ông Linh lại bảo: “Đó là phong tục của người Khùa thôi, từ bao đời nay vẫn vậy mà”.

Nói rồi, ông Linh kể: Trong cuộc đời của mỗi cặp vợ chồng người Khùa, nhất thiết phải tổ chức cưới 3 lần thì mới được coi là thành vợ, thành chồng. Con trai, con gái người Khùa lớn lên, tìm hiểu nhau, ưng cái bụng của nhau rồi thì người con trai chủ động đi đến nhà con gái để “cướp vợ”, vào lúc 3–4 giờ sáng.

Cướp được vợ rồi, ngày hôm sau người con trai làm một cái lễ gồm 4 con gà, một mâm cơm, một hũ rượu cần tới nhà bố mẹ vợ “tạ tội”, coi như lễ cưới đầu. Về ở với nhau rồi, khi nào có điều kiện thì tổ chức lễ cưới thứ hai.

Lễ cưới lần thứ hai, lễ vật nhất thiết phải có một con heo, một con bò để mổ thịt mời cả bản cùng chung vui. Và lễ cưới thứ ba mới là lễ cưới quan trọng nhất trong đời. Lễ vật lúc đó phải gấp đôi lễ vật của lễ cưới lần hai, tức là phải hai con heo, hai con bò, hàng chục hũ rượu cần. Người Khùa mới chính thức thành vợ, thành chồng sau lễ cưới này, khi cả làng đã được ăn thịt heo, thịt bò và uống rượu cần thoả thích.

Vì điều kiện kinh tế nên người Khùa tổ chức được đám cưới lần ba cũng là lúc chú rể và cô dâu đã có 8, 9 mặt con, chân bước không còn vững nữa. Thậm chí nhiều người tới khi chết vẫn chưa tổ chức được lễ cưới chính thức. Trách nhiệm cưới cho bố mẹ lúc này thuộc về con cháu họ.

Đánh ghen theo cách của… người Khùa

img Năm ngoái thằng Hồ Thon ở bản Hà Vi mới tổ chức cưới cho bố hắn là ông Hồ Khun đã chết cách đây 3 năm. Ông Hồ Khun khổ cả đời không cưới được vợ nhưng anh em thằng Hồ Thon làm ăn được nên hắn tổ chức cưới cho bố mẹ to lắm... img

Ông Hồ Linh (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hoá)

Không biết có phải vì phải cưới nhau cực khổ như vậy nên người Khùa không bao giờ tính đến chuyện bỏ nhau (ly dị), dù có nhiều lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Theo ông Hồ Linh, người Khùa là một tộc người thông minh, thơ mộng, hồn nhiên và hiếu khách. Đàn ông người Khùa giỏi làm rẫy, đan lát, đàn bà thì giỏi câu cá, trỉa ngô…

Cuộc sống hàng ngày, người Khùa thường gặp gỡ nhau ở trên rẫy, dưới suối nên nhiều khi cũng có một số người đàn ông, đàn bà người Khùa cảm tình nhau mà có quan hệ ngoài chồng, ngoài vợ.

Thấy vợ mình thời gian gần đây có những thay đổi bất thường, Hồ T (ở bản La Trọng) đã theo dõi và biết được vợ mình có quan hệ tình cảm với Hồ Kh (ở bản Hà Vi). Biết chính xác cái nơi Hồ Kh và vợ mình thường xuyên hẹn hò, nhưng Hồ T không đến “bắt tại trận” như người Kinh thường làm.

Hồ T lặng lẽ trở về nhà, mua một con gà luộc sẵn và một chai rượu, sau đó mời Hồ Kh đến nhà chơi, uống rượu. Hồ Kh đến, sau một tuần rượu, Hồ T mới bắt đầu nói: “Tao biết chuyện của mày với vợ tao rồi. Từ nay, mày đừng làm rứa nữa mà tao buồn cái bụng…”. Ba mặt một lời, Hồ Kh không chối cãi mà xin lỗi Hồ T và hứa sẽ không làm việc đó nữa.

Người Khùa đã hứa là làm và từ đó Hồ Kh sẽ không bao giờ “léng phéng” với vợ Hồ T nữa. Cuộc sống của vợ chồng Hồ T thì vẫn trở lại yên ấm bình thường. Còn Hồ T và Hồ Kh qua một thời gian đã hiểu nhau hơn và làm lễ buộc chỉ cổ tay cho nhau. Mà người Khùa đã buộc chỉ cổ tay với nhau thì đã xem nhau như anh em.

Tôi đem câu chuyện “đánh ghen” của Hồ T hỏi ông Hồ Tuân - Chủ tịch UBND xã Dân Hoá. “Đó là cách giải quyết của người Khùa. Tao làm Chủ tịch xã hai nhiệm kỳ rồi, chuyện như vậy tao đã gặp nhưng chưa bao giờ phải giải quyết ly hôn cho cặp vợ chồng nào cả” - Hồ Tuân xác nhận như vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem