Người ta chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là mua được cái đồng hồ xài pin bán xô ngoài đường, giá chỉ bằng một chầu ăn sáng. Nhưng ở quê tôi xưa, đồng hồ, nhất là đồng hồ quả lắc là tài sản quý giá, chỉ có mấy nhà khá giả mới sắm nổi.
Ngày nay, đồng hồ quả lắc mất dần theo thời gian. (Ảnh: T.L)
Thuở xưa quê nghèo, nhà tôi không sắm nổi cái đồng hồ. Má tôi thường canh tiếng gà gáy để biết giờ thức dậy nấu cơm khuya đi ruộng. Anh em tôi thì nhờ bóng nắng mái hiên nhà rọi xuống hàng ba trước cửa để đoán giờ đi học. Trong nhiều ước mơ con trẻ chúng tôi thời đó, có cái đồng hồ quả lắc tích tắc sướng tai.
Ký ức tuổi thơ tôi còn nhớ cái đồng hồ treo tường to đùng của cô Bảy Bông có con lắc đung đưa, thỉnh thoảng lại điểm giờ “kinh kong, kinh kong” ngân dài đầu xóm. Lúc nhỏ tôi ao ước, phải chi nhà mình được gần nhà cô Bảy để được nghe tiếng chuông ngân vang của nó, hay để biết giờ thức dậy học bài mỗi sáng.
Đồng hồ quả lắc là loại đồng hồ có con lắc và quả nặng chuyển động qua lại, làm xoay bánh răng, quay kim đồng hồ. Nghe nói được nhà thiên văn người Hà Lan tên Christiaan Hygens phát minh vào thế kỷ XVII. Trong “Sài Gòn tả pín lù” của cố nhà văn nổi tiếng Vương Hồng Sển có nhắc đến mấy món đồ thời Tây nhập cảng vào Sài Gòn như máy hát đĩa, xe hơi, trong đó có cái đồng hồ quả lắc.
Tôi đọc ở đâu đó câu triết lý mà ngẫm sự đời có lý. Có tiền, người ta mua được nhiều thứ, nhưng không mua được sức khỏe. Trong nhiều thứ con người làm mất đi, có thể tìm lại được, kể cả niềm tin; nhưng thời gian mất đi là mãi mãi. Đo được thời gian là cái đồng hồ. Người chơi đồ cổ có thể sưu tầm nhiều cổ vật quý giá, mua được nhiều chiếc đồng hồ cổ đắt tiền, hiếm có, nhưng không thể mua được kỷ niệm đẹp tuổi ấu thơ đã qua một thời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.