Một xã của Hải Dương đang dẫn đầu toàn tỉnh vì có 7 sản phẩm được gắn "sao"

Thứ ba, ngày 04/04/2023 19:26 PM (GMT+7)
Xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) hiện là xã có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Hải Dương. Đây là nền tảng vững chắc để địa phương quyết tâm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Bình luận 0

Vải sớm Vĩnh Hòa (Ninh Giang, Hải Dương) đã được biết đến từ lâu với quả to, vỏ đỏ mọng nước. Toàn xã hiện có 55 ha vải sớm, trong đó có 10 ha của 25 hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Từ năm 2005, anh Nguyễn Thế Thắm ở thôn Ngọc Hòa đã chuyển đổi từ trồng vải thiều sang trồng vải sớm có giá trị kinh tế cao. Vụ vải sớm nào, anh Thắm cũng bán được vải với giá khá cao, bình quân thu lãi hơn 200 triệu đồng. Năm nay, anh Thắm phấn khởi vì 120 cây vải sớm trong vườn đang trong giai đoạn ra quả non, quả sai, đều.

“Vải sớm có giá cao, khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng chăm sóc không dễ. Để năm nào cây cũng cho quả đều, tôi thường xuyên phải trau dồi kinh nghiệm, khắc phục những hiện tượng bất thường của thời tiết. Năm nay, làm chuẩn theo OCOP lại càng khắt khe hơn. Tôi thường xuyên trao đổi với HTX để áp dụng quy trình chăm sóc vải đúng kỹ thuật, bảo đảm chất lượng”, anh Thắm cho biết.

Một xã của Hải Dương đang dẫn đầu toàn tỉnh vì có 7 sản phẩm được gắn "sao" - Ảnh 1.

Vải sớm Vĩnh Hòa (Ninh Giang, Hải Dương) đang trong giai đoạn ra quả, hứa hẹn cho sản lượng cao.

Tháng 12/2022, sản phẩm vải sớm Vĩnh Hòa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hòa đã được chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Với quyết tâm đưa sản phẩm vải sớm Vĩnh Hòa lên một tầm cao mới, xã Vĩnh Hòa tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người trồng vải áp dụng theo quy trình sản xuất VietGAP, đăng ký sản phẩm OCOP nên chất lượng vải sớm ngày càng được nâng lên. 

Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn ở xã Vĩnh Hòa hiện có 6/7 sản phẩm OCOP của xã gồm: dưa chuột dầm dấm, cà chua dầm dấm, vải thiều ngâm đường, ớt muối, dưa chuột muối, dưa chuột bao tử muối. Sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều nơi ở trong và ngoài nước… Năm 2022, xí nghiệp đã xuất khẩu 3.000 – 4.000 tấn nông sản, thu lãi hàng chục tỷ đồng.

Một xã của Hải Dương đang dẫn đầu toàn tỉnh vì có 7 sản phẩm được gắn "sao" - Ảnh 2.

Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn hiện có 6 sản phẩm OCOP.

Anh Chu Văn Sơn, Giám đốc Xí nghiệp Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hùng Sơn cho biết: “Với mong muốn tạo ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng làm tăng giá trị nông sản, chúng tôi đã không ngừng đổi mới dây chuyền sản xuất, phương thức kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với nông sản tại địa phương, chúng tôi ưu tiên liên hệ thu mua của hộ dân trong xã, huyện, sau đó nhập số lượng tại các tỉnh, thành phố lân cận mới đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất”.

Là xã có 7 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nhiều nhất tỉnh và huyện Ninh Giang, ông Hà Văn Kết, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa cho biết đây là động lực giúp các chủ thể phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động địa phương, tạo sự lan tỏa để chương trình được triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

“Để chủ động cho vụ vải sớm năm nay, chúng tôi đã phối hợp tập huấn, tuyên truyền về sản phẩm OCOP, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, cải tiến nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm… cho nông dân. Phát triển OCOP là định hướng quan trọng của địa phương nhằm phát triển kinh tế nông thôn, góp phần đưa Vĩnh Hòa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023”, ông Kết chia sẻ.

Thành Đạt (Báo Hải Dương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem