Mùa bắt cua đồng, con động vật lắm chân, dùng gót chân đạp phía sau hang là nó tự động bò ra
Mùa bắt con đặc sản 2 càng, chỉ dùng gót chân đạp phía sau hang là nó tự động bò ra
Chủ nhật, ngày 18/08/2024 05:54 AM (GMT+7)
Gần 30 năm trôi qua, tuổi thơ chúng tôi có rất nhiều ký ức đẹp về một vùng quê nghèo khó, quanh năm gắn liền với miếng vườn, thửa ruộng, con cua, con cá. Ngày đó, nghỉ hè, khi lúa Hè Thu vào mùa thu hoạch là bọn trẻ chúng tôi kéo nhau ra đồng bắt cua đồng.
Một thời chân đất đã gắn liền với tuổi thơ khó phai trong miền nhớ.
Ký ức tuổi thơ
Thời của chúng tôi, nghỉ hè được vui chơi suốt 3 tháng, không có chuyện học thêm như bây giờ, một phần vì ở quê cuộc sống khó khăn cha mẹ không có khả năng cho con mình đi học thêm, một phần vì thời đó phong trào học thêm không rầm rộ như bây giờ.
Chúng tôi thỏa thích vui chơi suốt kỳ nghỉ dài ấy. Thích nhất là được đi bắt cua khi vào mùa. Đó là độ tháng 6 âm lịch khi bắt đầu thu hoạch vụ lúa Hè Thu.
Lúc ấy, bọn trẻ chúng tôi ra đồng bắt cua đem về nấu những món ngon và đem bán. Những đồng tiền ít ỏi ấy, nhưng làm chúng tôi vui mừng xiết bao vì mình đã tự kiếm được tiền.
Bỏ qua những ngày ngủ nướng, chúng tôi tranh thủ dậy rất sớm để ra đồng bắt cua. Khoảng 5 giờ là chúng tôi thức dậy, nồi cơm nguội mẹ đã hấp sẵn, mỗi đứa ăn một chén lót dạ vì có khi ham bắt tới trưa chúng tôi mới về đến nhà. Đặc điểm của cua là, trời mát chúng bò ra khỏi hang nên tranh thủ lúc hừng đông đi bắt là thích hợp nhất.
Chỉ cần dùng gót chân đạp phía sau hang là cua tự động bò ra. Khi ánh nắng rọi xuống ruộng, cua bắt đầu bò vô hang, lúc này bọn trẻ chúng tôi phải dùng cù nghéo hoặc thọc tay vào hang mới bắt được.
Bắt cua cách này rất khó, có khi bị cua kẹp đến chảy máu tay. Có khi thọc nhằm hang cá trê nó đâm cho sưng tay, có khi gặp cả rắn, nghĩ lại mà ớn cả người.
Vị ngọt ngon của món canh cua đồng...
...và món thịt cua đồng chiên trứng vịt.
Ngày trước cua đồng nhiều vô số kể, mỗi ngày bắt ít nhất cũng được cả chục ký, vui lắm! Khi cua đem về đến nhà, để cua dưới bến đón người mua, mấy đứa tụi tôi nhảy xuống tắm sông, đùa giỡn đợi xuồng cua đến cân.
Giá cua đồng lúc đó rất rẻ, chừng sáu bảy trăm đồng một ký, có khi chỉ còn bốn năm trăm. Không bán sao được vì chỉ có một người mua nếu để qua đêm cua sẽ chết. Sau khi bán cua xong mỗi đứa được bốn năm ngàn đồng. Bấy nhiêu đó là chúng tôi mừng vui lắm rồi.
Riêng tôi mỗi khi bán được cua tôi gửi mẹ cất dùm để mai mốt đi học chỉ xin năm trăm đồng mua bánh, năm trăm đồng ngày đó là có thể mua được chiếc bánh dừa, một cây cà rem, hai cái bánh quai chèo hoặc vài viên kẹo dẻo đậu phộng...
Thời đó thu hoạch lúa chủ yếu bằng thủ công nên thời gian thu hoạch lúa kéo dài vì thế thời gian chúng tôi đi bắt cua cũng được dài theo. Sau mỗi mùa bắt cua, tiền tôi gửi mẹ có khi được cả trăm ngàn. Gần tới tựu trường mẹ dẫn tôi đi chợ mua sắm nào là quần áo mới, tập sách, ấy vậy chứ cũng đỡ lắm, mẹ chỉ bù thêm một ít.
Nhớ món canh cua mẹ nấu
Những con cua chúng tôi bắt được, đem bán nhưng không quên chừa một phần đem về để mẹ nấu những món ngon.
Cua đồng mẹ chế biến nhiều món ăn rất ngon nhưng món mà chúng tôi thích nhất là món canh cua nấu với rau bồ ngót, mướp hoặc rau mồng tơi và được ăn cùng với thịt cua chiên trứng vịt. Trứng vịt trong nhà lúc nào cũng có sẵn.
Cha tôi nuôi mấy con vịt đẻ trứng, để khi cực ăn mẹ lấy trứng vịt ra chế biến thành những món ngon “0 đồng” cho cả nhà.
Cua đồng-con đặc sản làm nhiều món ngon nơi làng quê.
Cách chế biến món canh cua của mẹ đơn giản nhưng ăn rất tốn cơm. Cua đồng đem về được mẹ rửa sạch, bóc tách mai cua rồi khều lấy gạch cho vào chén để riêng. Thịt cua cho vào cối giã, lọc lấy nước. Mẹ đem nước cua nấu sôi nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Khi nồi canh cua sôi, thịt cua kết thành tảng nổi lên mặt nước. Mẹ vớt một ít thịt cua để chiên với trứng. Mẹ cho rau ngót, mướp và bỏ thêm ít tiêu, hành lá vào nước cua là đã có món canh cua ngọt lành. Ăn canh cua phải ăn nóng mới cảm nhận hết được hương vị thơm ngon của cua.
Thấm thoát thời gian sao trôi qua nhanh quá, mới đây mà đã hơn hai thập kỷ rồi, cái thời kéo nhau ra đồng bắt cua mỗi mùa lúa chín giờ chỉ còn trong ký ức.
Bọn trẻ con bây giờ cũng chẳng được tận hưởng cái cảm giác “ra đồng bắt cua” như chúng tôi ngày trước. Ngẫm lại mới thấy cái thú vị khi đi bắt cua thời đó giúp bọn trẻ nông thôn chúng tôi thêm nhiều kỹ năng sống sau này. Ôi thật tuyệt mùa bắt cua đồng!
Hôm nay, dưới cơn mưa hè rỉ rả, chúng tôi với những mái tóc bay màu theo thời gian được ngồi bên mẹ, được chính bàn tay nhăn nhúm của mẹ nấu món canh cua đồng. Ôi, húp chén canh cua đồng mẹ nấu sao mà ngon, mà ngọt làm tôi nhớ một tuổi thơ ngọt ngào đã đi qua trên cánh đồng tuổi thơ đầy lưu luyến…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.