Đào móng công trình bất ngờ đụng tượng cổ, la liệt hiện vật cổ ở Vĩnh Long, sau là Bảo vật quốc gia
Năm 2002, đang đào móng công trình bất ngờ đụng tượng cổ ở Vĩnh Long, sau là Bảo vật quốc gia
Lê Ngọc Anh (Cổng TTĐT Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long)
Thứ tư, ngày 08/05/2024 09:42 AM (GMT+7)
Tượng thần Vishnu Vũng Liêm được ông Lê Hùng Tiến, Chủ doanh nghiệp tư nhân Lê Hoàng, tại địa chỉ số 127A, khóm 3, phường 9, thị xã Vĩnh Long (nay là thành phố Vĩnh Long), tỉnh Vĩnh Long phát hiện khi đào đất với độ sâu 1,2m – thi công phần móng của cụm hoạt động văn hóa xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long...
Tượng thần Vishnu Vũng Liêm được ông Lê Hùng Tiến – Chủ doanh nghiệp tư nhân Lê Hoàng, tại địa chỉ số: 127A, khóm 3, phường 9, thị xã Vĩnh Long (nay là thành phố Vĩnh Long), tỉnh Vĩnh Long phát hiện khi đào đất với độ sâu 1,2m – thi công phần móng của cụm hoạt động văn hóa xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vào ngày 12/7/2002.
Tượng cổ phát lộ trong tư thế đứng cùng với nhiều hiện vật bằng đồng (đã bị đập vỡ). Ngày 18/7/2002, ông Lê Hùng Tiến trao tặng tượng thần Vishnu cho Bảo tàng Vĩnh Long.
Tượng thần Vishnu Vũng Liêm phát lộ khi đơn vị thi công đào móng cụm hoạt động văn hóa xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vào ngày 12/7/2002. Tượng cổ khi phát lộ ở tư thế đứng.
Di tích khảo cổ học Thành Mới trải rộng trên địa bàn ấp Ruột Ngựa, ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp và ấp Bình Thành, xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm.
Thành Mới là một khu vực có những công trình kiến trúc cổ và tượng cổ thuộc văn hóa Óc Eo. Theo báo cáo của L. Malleret, di chỉ đã được ông phát hiện vào khoảng năm 1936.
Ông cho biết tại ấp Bình Phong (nay là ấp Bình Phụng), xã Trung Hiệp, ấp Bình Thành xã Trung Hiếu, tổng Bình Trung tỉnh Vĩnh Long có ít nhất 3 ngôi đền xây bằng gạch trên các đỉnh gò nhấp nhô mà dấu vết đào bới đã để lộ ra những vỉa gạch cao khoảng 1,5m.
Ông còn cho biết thêm, cách Thành Mới 1 km, đã phát hiện tượng Phật, tượng Vishnu, hai pho tượng này đang được trưng bày và bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh. Trong báo cáo ông cũng nhắc đến một thềm đất.
Ông cho biết, bậc thềm này do lúc đầu là lũy do Nguyễn Ánh đắp để chống quân Tây Sơn, sau đó được đắp thêm làm lũy bảo vệ phía bờ sông. Theo ông, những lũy đất này là nguồn gốc tên gọi Thành Mới.
Mặt sau của tượng thần Vishnu Vũng Liêm, tượng phát lộ khi đào móng thi công một công trình công cộng tại xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vào ngày 12/7/2002.
Sau hơn năm mươi năm phát hiện của L.Malleret, năm 1987 các nhà khảo cổ học mới tìm đến Thành Mới.
Theo báo cáo của những người điều tra “đã xác định được 2 gò cao nằm trên địa bàn của hai xã Trung Hiệp và Trung Hiếu…
Dưới chân gò thuộc xã Trung Hiệp còn dấu vết một bờ tường bằng gạch cỡ lớn”.
Dựa vào kết quả điều tra, các tác giả báo cáo kết luận “Kết quả đợt khảo sát đưa đến nhận định di tích có quy mô khá lớn, thuộc phàm trù văn hóa Óc Eo”.
Năm 1995, trong khuôn khổ của chương trình nghiên cứu Khảo cổ học đồng bằng Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Khảo cổ học, một đoàn cán bộ của Viện, do giáo sư Lương Ninh - Chủ nhiệm đề tài dẫn đầu đã đến Thành Mới.
Cuộc điều tra ngắn ngủi của đoàn đã thu được kết quả bất ngờ - đã phát hiện tầng văn hóa của khu di chỉ cư trú trên khu vực cánh đồng của ấp Bình Phụng được phủ lên một lớp chạt cứng và hy vọng: Thành Mới là địa điểm đặc biệt có thể giúp chúng ta mở một lối đi khác vào văn hóa Óc Eo.
Năm 1998, theo yêu cầu của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát và tiến hành đào thám sát nhiều nơi trong khu di chỉ.
Việc tìm thấy tượng thần Vishnu Vũng Liêm, trên địa bàn xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm - lân cận xã Trung Hiệp, có thể nhận định rằng việc xuất hiện của tượng không phải một điều ngẫu nhiên mà cho thấy phạm vi của di tích không chỉ nằm trên địa phận của các xã Trung Hiệp và Trung Hiếu mà có thể rộng hơn.
Niên đại của khu di tích Thành Mới từ thế kỷ IV đến thế kỷ XII (Đăng Văn Thắng (chủ biên) 2017: 314).
Tượng thần Vishnu Vũng Liêm được chế tác trên sa thạch, tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn, hình chữ nhật (dài 34cm, rộng 17cm, dầy 4cm).
Tượng cao 102cm, nặng 41kg; có niên đại khoảng thế kỷ VI - VII. Đầu đội mũ hình trụ tròn, thuôn dần lên đỉnh, chóp mũ chạm nổi hoa hai tầng, gồm 12 cánh lớn nhỏ xen kẻ nhau.
Khuôn mặt đầy đặn – cân đối, nét mặt tươi vui, dái tai dài, mũi cao thanh, cánh mũi nở rộng, mắt hình hạnh nhân nhỏ dài, đôi chân mày mảnh cong nối nhau ở đỉnh mũi, đôi môi dày, miệng hơi mỉm cười.
Thân trên để trần, biểu lộ cơ thể cường tráng, vai rộng, ngực nở, eo thon, bụng ưỡn, chân tay to chắc.
Thân dưới quấn “dohti” trơn, từ dưới mép rốn xuống tận gót chân, nếp cuốn của “dohti” bố trí giữa hai chân và kéo dài xuống nối với bệ tượng, được tạo hình sinh động với các nếp gợn, nhún của vải.
Tượng có bốn tay, hai tay giơ lên ngang đầu nhưng bị gãy mất, hai tay dưới, mỗi tay cầm một vật tượng trưng. Tay phải nắm gậy quyền (còn gọi cây chùy) có tiết diện tròn, to dần xuống bệ, tay phải cầm một quả cầu tròn có cây chống đỡ, tiết diện hình vuông.
Tượng cổ bằng sa thạch-Tượng thần Vishnu Vũng Liêm, là Bảo vật quốc gia đến từ tỉnh Vĩnh Long.
Căn cứ vào đặc điểm nhận biết về tiếu tượng học khi thể hiện nhân vật Thần Vishnu, hai tay trên của tượng mặc dù đã gãy mất, nhưng vẫn có thể nhận ra: cánh tay trên phía trái cầm vật biểu tượng hình con ốc và cánh tay trên phía phải cầm một vật hình đĩa biểu trưng cho bánh xe.
Ý nghĩa của các vật trượng trưng như sau: Tay cầm vỏ ốc tù và Sankha (Panchajanya) tượng trưng cho các động lực bí ẩn, thúc đẩy sự chuyển động sinh sôi nẩy nở của cuộc sống muôn loài. Có sức mạnh làm kinh sợ và xua đuổi quỷ dữ.
Tay cầm bánh xe Charka tượng trưng con đường xác định chân lý vĩnh cửu, thể hiện quyền năng bảo vệ vũ trụ của vị thần này.
Tay cầm gậy tượng trưng cho sức mạnh của sự hiểu biết nguyên sơ, nguyên tánh, có quyền năng dẹp sạch những kiến giải phàm phu vụn vặt và đánh vỡ những bến bờ mộng mị mọc lên giữa hai dòng hư vô. Tay cầm quả cầu tượng trưng cho quyền lực khởi đầu của vũ trụ, cho nguồn sáng vi diệu của trí tuệ.
Vì là người bảo vệ cuộc sống, Vishnu là một trong ba vị thượng đẳng thần trong tam vị thần của Ấn Độ giáo (Shiva – Vishnu – Brahma).
Phần đế của pho tượng cổ-Tượng thần Vishnu Vũng Liêm.
Khác với Brahma và Shiva, Vishnu không cần khẳng định tính siêu việt của mình. Thật ra tính cách dịu dàng ôn hòa của thần cộng với sức mạnh, đủ chứng tỏ rằng Vishnu là vị thần cao cả nhất.
Với tư cách là vị thần bảo tồn, Vishnu là đối tượng của sự ái mộ hơn là sợ hãi và tình cảm này cũng được lan tỏa ra cả đối với vợ của thần là Laksmi, vị nữ thần của cải và may mắn.
Trong tín ngưỡng của Hindu giáo, thần Vishnu là vị thần bảo tồn, che chở và cứu giúp con người. Ngài hiện ra để phụng hiến cho hạnh phúc của con người với hàng chục hóa thân. '
Khi cần đến, Vishnu sẽ giáng trần để trực tiếp ra tay cứu độ. Với bản tính tốt lành và sứ mạng cao cả ấy, Vishnu được cư dân cổ tôn thờ với tất cả tấm lòng yêu mến.
Nhận xét:
Tượng thần Vishnu Vũng Liêm với nguồn gốc rõ ràng từ một di tích khảo cổ văn hóa Óc Eo ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, còn tương đối nguyên vẹn, hoàn hảo, tượng thần Vishnu Vũng Liêm bằng đá có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, mà còn là một sản phẩm văn hóa vật chất quan trọng, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử phát triển rực rỡ của vùng đất Nam bộ, góp phần khẳng định giá trị đặc sắc của nền văn hóa Óc Eo tại tỉnh Vĩnh Long.
- Giá trị lịch sử:
Tượng thần Vishnu ở Vũng Liêm là một tư liệu lịch sử đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước, góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử vùng đất Nam bộ cũng như lịch sử Việt Nam; Hiện vật đã phản ánh được sự hội tụ, kết tinh trong lịch sử ngoại giao giữa Việt Nam, Ấn Độ và Đông Nam Á; Hiện vật cũng góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử du nhập của văn hóa, tôn giáo Ấn Độ vào Việt Nam.
- Giá trị văn hóa:
Tượng thần Vishnu ở Vũng Liêm là một kiệt tác văn hóa thể hiện ở chất liệu đá và kiểu dáng theo phong cách của tượng Vishnu ở Óc Eo; là một tác phẩm nghệ thuật và là một hiện vật nổi bật thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa việt Nam và Ấn Độ; trở thành một nét đặc trưng nổi bật của văn hóa Óc Eo.
- Giá trị khoa học:
Tượng thần Vishnu ở Vũng Liêm là một tư liệu khoa học mà nhiều ngành khoa học khác nhau có thể tiếp cận nghiên cứu như: lịch sử, khảo cổ học, văn hóa học, tôn giáo học, mỹ thuật, thủ công mỹ nghệ…
Tượng thần Vishnu Vũng Liêm được Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 24/12/2018 và hiện nay đang được lưu giữ, bảo quản và trưng bày phục vụ khách tham quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.