Dinh Long Hồ ở đất Vĩnh Long với hành trình lịch sử hơn 290 năm nơi vùng văn hóa Óc Eo
Dinh Long Hồ ở đất Vĩnh Long với hành trình lịch sử hơn 290 năm nơi vùng văn hóa Óc Eo
Thứ ba, ngày 16/07/2024 05:49 AM (GMT+7)
Vĩnh Long đầy tự hào khi đã được lịch sử lựa chọn, trao truyền sứ mệnh thiêng liêng trải qua hành trình 290 kỳ vĩ góp vào lịch sử ngàn năm của dân tộc. Nếu tính từ năm 1732 khi Long Hồ dinh chính thức thành lập cho đến năm 1832- năm Minh Mạng thứ 13, là tròn 100 năm các bậc tiền nhân hoàn thành công cuộc khẳng định.
Nếu tính từ năm 1732 khi Long Hồ dinh chính thức thành lập cho đến năm 1832- năm Minh Mạng thứ 13, là tròn 100 năm các bậc tiền nhân đã hoàn thành công cuộc đánh dấu chủ quyền trên vùng đất hoang vu, nê địa, rừng thiêng nước độc và kết tinh, hội tụ nên cả một vùng văn hóa rộng lớn với những chủ nhân mới cộng cư đa dạng. Phân chia xong 6 tỉnh Nam Kỳ.
Vĩnh Long đầy tự hào khi đã được lịch sử lựa chọn, trao truyền sứ mệnh thiêng liêng trải qua hành trình 290 kỳ vĩ góp vào lịch sử ngàn năm của dân tộc.
Trên vùng đất rộng lớn bao la có sự “đứt gãy” lịch sử- văn hóa kéo dài sau sự suy tàn, sụp đổ của vương quốc Phù Nam hùng mạnh phát triển rực rỡ từ hơn 2000 năm trước.
Nhưng thời gian và những biến động của tự nhiên và xã hội, đã làm mờ đi những thành quả lịch sử, để lại một vùng nê địa, hoang vu, hỗn loạn gần như vô chủ. Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ XII là giai đoạn quan trọng trong tiến trình lịch sử vùng đất Nam Bộ.
Sự sụp đổ từ nguyên nhân nội tại suy yếu đã bị Chân Lạp tấn công. Ngoài ra, còn có nguyên nhân của “đợt biển tiến quy mô cục bộ gọi là biển tiến Holocene IV khoảng từ thế kỷ VI đến thế kỷ XII mà đỉnh cao là vào khoảng nửa đầu thế kỷ VII, mực nước dâng ở cùng Đồng bằng Nam Bộ có thể lên đến khoảng 1m so với mực nước biển. Đây là một nhân tố thiên tai góp phần làm sụp đổ vương quốc Phù Nam” (Nguyễn Quang Ngọc- Vùng đất Nam Bộ).
Từ thế kỷ XII- XVI, vùng đất Nam Bộ dần tàn lụi. Chân Lạp không đủ sức khai phá vì ở đó chỉ còn những nhóm người biệt lập.
Đầu thế kỷ XVIII, Chân Lạp rơi vào hỗn loạn vì tranh giành quyền lực nội bộ. Trong khoảng 3 thập kỷ sau đó, quan hệ giữa Chân Lạp và các chúa Nguyễn diễn ra hòa mục; Chân Lạp được các chúa Nguyễn bảo vệ, che chở khỏi sự xâm lấn của quân Xiêm và chịu làm phiên thần cống nộp hàng năm. Năm 1732, chúa Nguyễn lập châu Định Viễn dựng Long Hồ dinh.
Di tích Cây da Cửa Hữu thành Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: NGỌC TRẢNG
Sách Gia Định thành thông chí viết: “Vào buổi đầu lập châu Định Viễn và dựng dinh Long Hồ đóng tại xứ Cái Bè, về sau dời qua ấp Long An ở thôn Long Hồ.
Đây là vùng có dãy sông lớn ôm quanh, giữ thế quan yếu, đúng là phên giậu vững vàng của thành Gia Định, khống chế Cao Miên, hai con sông lớn chẹn chỗ hiểm yếu, giao thông đường thủy hết sức thuận lợi, ruộng vườn cũng rất tốt tươi”.
Như vậy, có thể thấy sự kiện chúa Nguyễn cho lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ năm 1732 cách đây tròn 290 năm là sự kiện quan trọng trong quá trình mở cõi phương Nam, xác lập vùng đất Nam Bộ.
Cũng từ Long Hồ dinh, một diện mạo xã hội, một dấu ấn về văn hóa, con người, phong tục, tập quán… chính là những tiền đề cho việc xác lập chủ quyền quốc gia dân tộc.
Sự xuất hiện của Long Hồ dinh không chỉ là dấu ấn địa lý, địa danh lịch sử của một vùng đất để xác lập chủ quyền quốc gia dân tộc. Thành lũy này còn là sự kết tinh, hội tụ cả một vùng văn hóa rộng lớn với những chủ nhân mới rất đa dạng.
Đó là một cộng đồng văn hóa mới, có sự khác biệt: “Kẻ sĩ siêng học, dân thích buôn bán, làm ruộng, đánh cá, đều nhằm vào mối lợi thiên nhiên mà làm ăn, dùng sức ít mà được lợi nhiều.
Đất đai rộng, thức ăn nhiều, không biết chứa cất. Người giỏi bơi lội, lại giỏi bắt cọp, giỏi câu cá sấu. Về kỹ nghệ thì còn vụng về, quân tử trọng trung nghĩa, danh tiết, tiểu nhân thì chơi bời xa hoa, không biết kiêng sợ” (Quán sử quan triều Nguyễn- Đại Nam).
Những con người mới hội tụ trên vùng đất mới, có những thuận lợi mưu sinh, nhưng buổi đầu đối phó với nhiều hiểm nguy, gian khổ họ đã bước qua sự khác biệt, dị biệt để chung lưng đấu cật, hình thành nên bản chất đoàn kết, cố kết cộng đồng.
Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng tập trung vào việc mưu sinh, không đố kỵ, bon chen công việc của người khác, nhưng khi cần thì hỗ trợ, tương thân, tương ái.
Hình thành lối sống cởi mở, phóng khoáng, hào hiệp với con người, môi trường. Dấu ấn văn hóa, tính cách con người Long Hồ dinh buổi đầu, cũng là cái nền của bản chất chung con người vùng sông nước Nam Bộ sau này.
Dòng sông chở những mùa vàng. Ảnh: DƯƠNG THU.
Miền đất hoang vu, lầy trũng được khai phá, mở rộng thành vùng đất trù phú chỉ từ khi có người Việt đặt chân tới, sống xen cài, cùng chung lưng đấu cật với người Khmer, người Hoa, người Chăm.
Rồi sau đó, có cả những dòng người Nhật, Mã Lai, Ấn Độ, phương Tây, tạo nên bức tranh dân tộc, chủng tộc đa dạng, phong phú trên vùng đất Nam Bộ.
Trong hoàn cảnh của những di dân tìm vùng quê mới, người Việt đã nhanh chóng thích ứng, hòa nhập với các cộng đồng rồi trở thành lực lượng nòng cốt tập hợp các cộng đồng. Sự thành lập Long Hồ dinh cho thấy sự ảnh hưởng to lớn của cộng đồng người Việt, văn hóa người Việt trên vùng đất mới ở phương Nam.
Để có được thành quả phát huy tối đa vai trò của Long Hồ dinh, trước tiên cần ghi nhận dấu mốc đặc biệt vào tháng 9/1757, sau 25 năm đặt lỵ sở châu Định Viễn- dinh Long Hồ ở xứ Cái Bè, Nguyễn Cư Trinh với tầm nhìn quân sự, tầm nhìn mở mang bờ cõi đã dâng sớ xin chúa Nguyễn Phúc Khoát cho dời lỵ sở từ Cái Bè về xứ Tầm Bào ở ấp Long An, thôn Long Hồ (Phường 1, TP Vĩnh Long ngày nay).
Từ thế thụ động ở bờ Bắc sông Tiền chỉ là phên giậu bảo vệ Gia Định, thì về phía Nam sông Tiền, Long Hồ dinh kiểm soát đường thủy và chủ động quán xuyến toàn bộ khu vực phía Nam rộng lớn, kết nối về các hướng Trà Vinh- Ba Thắt (Sóc Trăng)- Hà Tiên- An Giang.
Đến năm 1832, đúng 100 năm từ lúc lập Long Hồ dinh, diện mạo Nam Kỳ lục tỉnh đã được các danh tướng nhà Nguyễn tiếp nối nhau hoàn thành một cách trọn vẹn. Cũng là mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời của tỉnh Vĩnh Long ngày nay.
290 năm nếu biểu thị bằng đoạn thẳng, thì chỉ là một phần nhỏ trong cả chiều dài mấy ngàn năm lịch sử dân tộc, nhưng đó là một hành trình kỳ vĩ của các bậc tiền nhân, lớp lớp cha ông ta dày công khai mở vùng đất phương Nam.
Ghi dấu Long Hồ dinh đã định hình diện mạo Nam Bộ với gia tài di sản văn hóa đồ sộ vật thể, phi vật thể đa dạng, phong phú ngày nay. Mãi mãi nối tiếp lớp cháu con vùng đất Vĩnh Long, vùng đất Nam Bộ cần phải hiểu rõ và thuộc lòng, trân trọng những trang sử vàng để mà biết ngưỡng vọng, tri ân, nuôi dưỡng lòng tự hào nguồn cội và trách nhiệm với hiện tại, tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.