Mùa đặt dớn mé sông quê

Hoàng Lê Thứ ba, ngày 07/07/2015 08:53 AM (GMT+7)
Tầm tháng Sáu, nước trong veo và thường cạn vào lúc hừng đông, đó là lúc mà cá tép từ trong ao hồ lội ra sông để kiếm ăn. Dân quê tôi gọi thời điểm này là mùa đặt dớn.
Bình luận 0

Nhớ con nước cạn lúc hừng đông, anh em tôi mang rổ bì bõm lội cặp mé sông quê để đổ dớn (dụng cụ bắt cá đơn giản của người dân). Cá bắt được từ dớn thường là: bống dừa, bống trứng, lòng tong… Thi thoảng, dính được cá lớn, anh em tôi mừng lắm vì có thể mang cá ra chợ để bán lấy tiền mà đắp đổi qua ngày.

Người dân quê tôi vùng sông nước Cửu Long chủ yếu sống bằng nghề nông, quanh năm tảo tần bên mảnh vườn, miếng ruộng. Do ở xa chợ, nên người dân lâu lâu mới lên chợ huyện một lần sau những ngày mùa. Thức ăn chủ yếu hằng ngày chỉ là con cá, con tép bắt được từ con nước sông quê. Cũng bởi vậy mà ở quê tôi gần như nhà nào cũng có một cái dớn được đặt ở mé sông trước cửa nhà hoặc ở con rạch nhỏ phía sau để bắt cá phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày.

img
Cái dớn gắn bó thân thiết với người dân miệt sông nước quê tôi (ảnh: Hoàng Lê)
Dớn là một dụng bắt cá đơn giản, chỉ cần dùng vài chục mét lưới, bỏ công ra may ít giờ đồng hồ là đã cho ra được một dụng cụ bắt cá hữu dụng. Bộ phận quan trọng của dớn là cái đú nối dài tầm vài mét, là nơi để cá tép chui vào. Dớn “nhạy” hay không còn tuỳ thuộc vào khâu xây rọ, cần phải xây thẳng, tròn đều thì cá mới chui vào trong đú khi nước cạn.

Tầm tháng Sáu, khi nước trong veo và thường cạn vào lúc hừng đông, đó là mùa đặt dớn. Những ngày này, dạo quanh các kênh rạch miền Tây sẽ nhìn thấy những chiếc dớn nối tiếp nhau nằm sát mé sông. Sáng sớm, nước sắc hừng dân quê lội xuống mé sông để đổ đú, tiếng cười nói xôn xao nhộn nhịp cả mé sông quê tạo nên một nét sinh hoạt đặc trưng của vùng sông nước đã có tự bao đời.

Dân quê chỉ dùng dớn bắt cá để ăn chứ không dùng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Mỗi buổi sáng xuống sông đổ dớn bắt được mớ cá là có thể kho khô quẹt ăn cả ngày. Cá đổ dớn chủ yếu là dạng cá nhỏ nhưng thịt ngọt lành mang nặng mùi sông nước miền Tây, dùng với cơm trắng là ngon hết ý. Cái dớn trở thành một dụng cụ gắn bó thân thiết với người dân quê, cùng dân làng trải qua bao truân chuyên, vất vả trong cuộc sống.

Trải qua bao nhiêu năm với biết bao sự thăng trầm, thay đổi, cái dớn quê tôi vẫn còn đó, góp phần cải thiện cuộc sống vốn dĩ cơ hàn, nghèo khó của người dân.

Rồi năm rồi tháng cứ trôi, chúng tôi đã xa quê mưu sinh nơi chốn thị thành với bao lo toan, bộn bề mà ít có dịp quay lại chốn quê xưa. Trở lại quê nhà trong những ngày tháng Sáu, dòng sông phẳng lặng như ôm ấp từng cái dớn sát mé sông quê. Bất chợt tôi lại nhớ về buổi sáng hừng đông khi anh em tôi cùng nhau lội sông đổ dớn. Nhớ lắm đôi tay chai sần của má, nụ cười hiền dịu cùng chúng tôi ăn bữa cơm nghèo với cá bống dừa đổ dớn năm xưa.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem