Mua lan về chơi ai ngờ trúng lớn, vợ chồng trẻ Thái Nguyên bỏ nghề xây dựng về trồng lan
Mua hoa lan về chơi ai ngờ trúng mánh, vợ chồng ở Thái Nguyên bỏ nghề xây dựng về làm lớn
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ bảy, ngày 09/12/2023 13:56 PM (GMT+7)
Sau nhiều năm làm nghề xây dựng, do đam mê với cây lan, vợ chồng chị Hoàng Thị Tiền (TP.Sông Công , tỉnh Thái Nguyên) đã quyết định bỏ về trồng hoa lan, không ngờ lại thắng lớn.
Những ngày đầu tháng 12/2023, theo chân cán bộ Phòng Kinh tế TP.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, PV Dân Việt có dịp ghé thăm vườn lan hồ điệp được trồng theo quy trình công nghệ cao với hàng nghìn giò lan đang chuẩn bị đến kỳ ra hoa của gia đình chị Hoàng Thị Tiền (Tổ dân phố Phú Thái, phường Lương Sơn).
CLIP: Mô hình lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao của gia đình chị Hoàng Thị Tiền, Tổ dân phố Phú Thái, phường Lương Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Clip: Hà Thanh
Chia sẻ với chúng tôi, chị Tiền cho biết, trước đây, hai vợ chồng chị làm nghề xây dựng, trong quá trình đó do đam mê yêu thích hoa lan nên năm 2016 anh chị đã mua ít giò lan về để chơi.
Qua nhiều người bạn cùng chơi lan, thấy hiệu quả kinh tế cao từ hoa lan mang lại, năm 2017, vợ chồng chị quyết định đầu tư mô hình trồng lan và chính thức phát triển mạnh từ năm 2019.
Ban đầu, gia đình chị Tiền đầu tư diện tích hơn 100m2 để làm giàn trồng lan nhưng chủ yếu là lan thân thòng. Khi cơn sốt lan lên đến đỉnh điểm là vào thời điểm năm 2019 và 2020 lúc này vợ chồng chị đã mạnh dạn đầu tư, qua nhiều lần mua đi bán lại có được một khoản tiền kha khá.
"Thời điểm đó, mỗi ngày vợ chồng tôi kiếm vài chục đến vài ba trăm triệu đồng từ lan là chuyện hết sức bình thường", chị Tiền chia sẻ.
Nhờ nguồn thu nhập đó, gia đình chị đã đầu tư xây dựng cơ ngơi khang trang. Đến năm 2022, gia đình chị phát triển thêm diện tích trồng hoa cúc với quy mô tương đối lớn thu về khoảng hơn 100 triệu đồng.
Bước sang tháng 9/2023, được sự hỗ trợ nguồn vốn 200 triệu đồng từ UBND TP.Sông Công, vợ chồng chị Tiền tiếp tục đầu tư xây dựng mô hình trồng lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 1.000m2 với chi phí đầu tư gần 3 tỷ đồng.
Với việc đầu tư trồng lan ứng dụng mô hình công nghệ cao sẽ giúp cho việc chăm sóc dễ dàng hơn rất nhiều nhờ sử dụng hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Do đó, người trồng có thể thuận tiện theo dõi và điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm cho phù hợp với sự phát triển của cây.
Lan Hồ Điệp được vợ chồng chị Tiền lấy giống từ Viện giống cây trồng Trung ương. Theo chị Tiền, lan hồ điệp là loại lan được nhiều khách hàng ưa chuộng, giá cả không quá cao, chủ yếu được bán vào dịp Tết Nguyên đán.
Để chọn được giống lan chất lượng, đạt tiêu chuẩn cần lựa chọn những cây thân khoẻ, đều nhau, không quá bé thì việc chăm sóc sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.
Đối với lan hồ điệp có 2 loại là dáng thấp và dáng cao, trong đó loại dáng thấp có giá khoảng 80.000 – 100.000đ/cành và loại dáng cao có giá khoảng 120.000đ/cành.
Về cơ bản việc chăm sóc lan không quá khó và không tốn quá nhiều công chăm sóc, chỉ cần chú ý đảm bảo điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ phù hợp trong quá trình chăm sóc là được.
Nếu độ ẩm quá cao, lan sẽ rất dễ bị nấm mốc và sâu bệnh, vì thế tuỳ thuộc vào điều kiện thời tiết và khí hậu mới tưới nước cho lan. Ngoài ra, lượng phân bón cho lan cũng cần chú ý bón đầy đủ, đúng cách tránh để đọng quá nhiều trên lá và bầu sẽ khiến lan bị nấm và sâu bệnh.
Hiện tại, trong vườn nhà chị Tiền có tất cả 1.200 giò lan hồ điệp các loại với 8 màu khác nhau. Để chăm sóc vườn lan này, nhân công chính là hai vợ chồng chị Tiền thay nhau chăm sóc. Dự tính sang năm 2024, vợ chồng anh chị sẽ phát triển thêm diện tích trồng lan với quy mô lớn hơn.
Bà Nghiêm Thị Bình – Phó phòng Kinh tế TP.Sông Công đánh giá: Đối với mô hình lan trên địa bàn phường Lương Sơn, chúng tôi xác định đây là mô hình trọng điểm của Thành phố, vì đây là mô hình lần đầu tiên được trồng và chăm sóc trên địa bàn phường với quy mô lớn.
Do đó, để định hướng và nhân rộng được mô hình lan trên địa bàn được địa phương xác định là hướng đi quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp trên địa bàn.
Theo bà Bình, ngay từ đầu năm, phòng Kinh tế đã tham mưu cho UBND TP.Sông Công ban hành cơ chế hỗ trợ cho những mô hình ứng dụng công nghệ cao nhà màng, nhà lưới trong trồng hoa và trồng rau. Hiện nay, trên địa bàn TP.Sông Công, phòng Kinh tế đã hỗ trợ cho một số mô hình đang đem lại thành công, trong đó có mô hình trồng lan này.
"Đối với những mô hình ứng dụng công nghệ cao, chúng tôi đã xác định ngay từ đầu đây là những mô hình quan trọng đem lại hiệu quả cao trong phát triển nông nghiệp do đó, chúng tôi đã có định hướng kỹ thuật cũng như có cơ chế chính sách, ngoài hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, chúng tôi còn hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cho những mô hình này, từ đó dần xây dựng những cơ chế hỗ trợ như giống, phân bón và khoa học kỹ thuật.
Với chủ trương mở rộng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngay từ đầu năm 2023 cũng như trong năm 2024 và những năm tiếp theo chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ chủ lực cho những mô hình này để từ đó nhân rộng các mô hình với diện tích lớn trên địa bàn thành phố và những vùng lân cận", bà Bình cho biết thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.