Miền Tây Nam bộ có nhiều kênh rạch, ao đìa là môi trường thuận lợi cho loài ốc sinh sôi. Hằng năm, hễ những cơn mưa đầu mùa trút xuống, những cánh đồng mênh mông sau bao ngày nắng hạn giờ đây nước bắt đầu ngập xâm xấp gốc rạ. Điều kiện tự nhiên ấy thuận lợi để những con ốc lát, ốc đắng xuất hiện đẻ trứng, duy trì nòi giống. Ốc lát màu đen con cỡ ngón chân cái, ốc đắng nhỏ hơn, đít quắn hơn, thịt lại có vị nhẫn đắng, … Đây là hai loại thường được người dân miền Tây lượm về ăn nhiều nhất.
Ở miền quê, người ta thường dùng gạo nấu rượu. Rượu đó được gọi là rượu đế. Thứ nước cay là bạn đồng hành của bợm nhậu. Thứ bã rượu dân gian gọi là hèm. Cái và nước hèm có vị chua bởi gạo đã được lên men trước khi cho vào nồi nấu làm rượu. Hèm là chất liệu phổ biến để nuôi heo. Nhưng không dừng lại ở đó, người miền quê còn có sáng tạo dùng nước hèm để chế biến thức ăn. Hèm dùng để luộc cá, luộc rau muống, đặc biệt là luộc ốc.
Ốc luộc hèm.
Cách chế biến món ăn này cũng đơn giản. Người ta chỉ cần rửa lại ốc cho sạch sau khi đã rọng hết rong rêu, để ra rổ cho ráo nước. Dùng vải mùng gạn hèm, lấy nước trong màu trắng đục, bã cơm rượu còn sót lại bỏ đi. Bắc nồi nước hèm lên bếp, chờ nước sôi trút ốc vào luộc. Nước sôi lại mấy bận, ốc bung mài là được. Đổ ốc ra rổ tre, xốc mạnh cho mài ốc và nước còn đọng trong mình ốc chảy hết ra. Dọn ốc ra tô, bên cạnh là chén muối ớt hoặc chén cơm mẻ trộn với sả, ớt để chấm. Khi ăn, người ta bẻ gai chanh, gai bưởi hoặc dùng vật nhọn để lể.
Ốc luộc hèm có sự kết hợp giữa vị ngọt từ thịt những con ốc mập tròn, với vị chua độc đáo của thứ hèm khi gạo đã lên men, hòa cùng vị mặn và cay của nước chấm làm cho miếng ăn thêm đậm đà không thể lẫn lộn. Nhà quê, thường ăn ốc với cơm nóng. Nhưng món ốc luộc hèm thường được quý ông rất ưa thích làm mồi nhậu. Năm ba anh em, gặp nhau với tô ốc luộc hèm và xị rượu đế là cuộc vui có thể kéo dài từ chiều đến tận khuya mới tàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.