Nhớ ngày còn ở quê, mỗi khi việc đồng áng rảnh rỗi, má tranh thủ rủ chị em tôi đi mò cua bắt ốc, nhưng "chiến lợi phẩm" nhiều nhất vẫn là loại ốc đá. Hồi đó, mới học cấp một (nay là bậc tiểu học), tôi đã biết mang rổ đi dọc dòng suối gỡ từng con ốc bám vào vách đá. Thích nhất ngày đầu hạ, khi vừa xuất hiện những cơn mưa dông cũng là thời điểm ốc đá bắt đầu nhiều. Trưa nắng chang chang, chỉ cần hơn tiếng đồng hồ là đã có một giỏ ốc đầy.
Quê tôi xứ vườn đồi, sống chủ yếu bằng nghề nông. Bên cạnh nuôi heo, nuôi gà... má tôi trồng đủ các loại: Rau muống, dền, mồng tơi, tía tô... Cả tuần má mới đi chợ một lần để mua ít mắm, ít muối và vài con cá biển. Thế nên, những con tôm, giỏ ốc mà chị em tôi chịu khó đi bắt lập tức được má chế biến thành nhiều món đặc sản, góp phần cải thiện cho bữa cơm gia đình. Mà kể cũng lạ thật, món ốc quen thế sao vẫn cứ ngon hoài, luôn lạ và mới hoài với chúng tôi.
Ốc đá mới bắt về, phải cho vào thau, ngâm vài tiếng đồng hồ cùng với nước vo gạo để ốc nhả hết chất bẩn, chất nhờn. Sau đó, bỏ ốc vào rổ thưa, chà rửa thật sạch. Các món ốc tuy chế biến không khó nhưng đòi hỏi một chút tỉ mỉ và hơi mất thời gian. Dù chế biến theo cách nào thì những món ăn từ ốc cũng không thể thiếu vị sả. Hương sả nồng nồng, cay cay, vừa làm tăng sự hấp dẫn cho món ăn, lại vừa có tác dụng khử mùi tanh của ốc rất hiệu quả.
Má tôi thường hay nấu nhất là món canh ốc, bởi ít tốn kém cả tiền bạc lẫn thời gian, lại ngon, bổ dưỡng và có chút nước dễ đưa cơm trong ngày nóng. Canh nấu với ốc đá thường là mít non, đu đủ xanh. Cũng như “duyên nợ” lá lốt thịt bò, khổ qua độn thịt heo nạc, ốc đá nấu với mít non hay đu đủ xanh thêm ít rau thơm sẽ có mùi vị chát ngọt rất hấp dẫn.Thỉnh thoảng má lại đãi cả nhà món cháo ốc. Nếu không phải là dân ruộng đồng nghe nói ốc đem nấu cháo có lẽ rất ngạc nhiên nhưng đã ăn qua một vài lần, cam đoan là sẽ nhớ rất lâu. Rất giản đơn, ốc đá sau khi ướp gia vị, gồm: bột ngọt, tiêu bột, nước mắm đem xào với dầu phụng nóng. Cháo nấu chín thật nhuyễn, bỏ ốc vào nồi cháo và dùng đũa trộn đều. Như vậy, là ta đã có được một nồi cháo ốc đá ăn ngon miệng, no bụng.
Tuy những món như trên đều rất ngon, nhưng với người dân quê tôi khoái khẩu nhất vẫn là món ốc đá xào lá tía tô. Có thể do vùng đất đồi quê tôi xưa, bên cạnh củ sả, củ gừng, cây tía tô cũng rất sẵn, tự mọc khắp bờ suối, vườn nhà, nên tía tô xào ốc đã trở thành món ăn quen thuộc trong bữa cơm gia đình.
Để có một nồi ốc đá xào tía tô ngon như ý, má phải tỉ mỉ chọn những lá tía tô non tơ ở gần đầu đọt. Ốc đá phải được bắt ở đoạn sông, con suối có nguồn nước thật trong. Ốc bắt về, sau khi làm sạch thêm chén nước mắm, sả, ớt tươi xắt nhỏ cùng với nhiều gia vị khác trộn đều, ướp chừng mươi lăm phút. Tiếp tục đun nóng dầu, phi tỏi thơm, cho ốc vào thêm một ít ớt bột vào xào, dùng đũa đảo mạnh tay và đun lửa lớn. Nhớ đừng quên đổ thêm một ít nước, để thấm vào ruột ốc. Có như thế, khi ăn con ốc, ta mới cảm nhận được tất cả những đậm đà thú vị. Ốc chín, nêm nếm lại gia vị rồi thêm lá tía tô vào trước khi nhắc xuống. Ốc đá xào với lá tía tô sẽ có mùi thơm, vị ngọt rất hấp dẫn. Cái ngọt ở đây không phải là ngọt của gia vị mà ngọt từ thịt ốc đá, từ lá tía tô.
Ốc đá, với những món thơm ngon dân dã - giờ đã là món quà vặt khoái khẩu của nhiều người. Thỉnh thoảng, nơi góc phố tôi lại bắt gặp các chị với nồi ốc đá còn nóng hổi, vậy là có thể dễ dàng mua được vài lon ốc để thưởng thức. Nhưng với tôi ốc đá tuyệt nhất vẫn là ốc nơi bờ sông, bờ suối quê mình, tự tay mình bắt về và được má chế biến mới thật hấp dẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.