Mùa nước nổi An Giang, dân đi câu một con động vật đặc sản, có con to bự chảng, lớn bằng bàn tay

Chủ nhật, ngày 20/10/2024 05:20 AM (GMT+7)
Hàng năm, vào mùa nước nổi, khi mực nước trên những con sông dâng cao, ngoài đồng nước mấp mé tràn bờ cũng là lúc người dân nhiều nơi ở An Giang tất bật chuẩn bị ngư cụ, phục vụ mùa đánh bắt thủy sản, trong đó có mang cần câu đi câu ếch đồng.
Bình luận 0

Công việc mưu sinh mùa nước nổi tuy vất vả, nhưng giúp những hộ dân có được nguồn thu nhập ổn định khá trong lúc nông nhàn.

Những ngày này, anh Phạm Văn Trí (huyện Châu Phú) lại tất bật chuẩn bị ngư cụ để đi “đánh bắt đồng xa”. Mỗi ngày, khoảng 3 giờ sáng, vợ chồng anh Trí chạy vỏ lãi đến những khu vực nước ngập để đặt dớn rồi đem cá ra chợ bán cho các tiểu thương. 

Đến khi trời hừng sáng thì về nhà nghỉ ngơi, chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau. 

Anh Trí cho biết, mỗi ngày, gia đình anh thu hoạch vài chục ký cá, chủ yếu các loại cá linh, cá he, cá sặc, cá rô..., nhưng nhiều nhất vẫn là cá linh. Thu nhập mỗi ngày từ 200.000 - 400.000 đồng.

Tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang không khí mưu sinh mùa này khá nhộn nhịp. Từ khi con nước chuyển màu “đỏ ngầu”, ông Trần Văn Thuận dậy từ sáng sớm để đặt trúm lươn. 

Công việc đổ trúm của ông kết thúc khoảng 6 giờ sáng, kịp lúc bạn hàng thu mua đem giao cho các vựa cá đồng.

Theo ông Thuận, muốn bắt được nhiều lươn bằng trúm thì phải tìm hiểu trước khu vực thả trúm. Những nơi lươn hay làm hang trú ngụ là lớp bùn đất mềm sát bờ cỏ ngập nước hoặc bụi cây mấp mé ao, đìa. 

Mồi ngon dụ lươn vào trúm phải là ốc, cua đồng giã nhuyễn hong chút nắng, sau đó trộn với dầu chuối. Với 50 cái trúm, mỗi ngày, ông Thuận thu về vài ký lươn, đem ra chợ bán cũng được từ 300.000 - 400.000 đồng.

img

Mùa nước nổi, nhiều người dân ở các địa phương của tỉnh An Giang có thêm thu nhập từ việc đánh bắt thủy sản, trúm lươn, câu ếch đồng.


Cũng đánh bắt thủy sản, anh Lê Văn Tèo (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) lựa chọn cắm câu ếch đồng để có thêm thu nhập cho gia đình. 

Anh Tèo cho biết, trước đó khoảng 1 tháng đã chuẩn bị tre làm cần câu. Những thanh tre có chiều dài 30 - 40cm được vót tròn, dây câu buộc vào cần cách 1 đoạn chừng 10cm. 

Mồi câu ếch đồng thường là cá, ốc bươu vàng cắt nhỏ, trộn thêm một ít dầu chuối, xác mắm hay ủ cá cho lên mùi. Khi đã xác định được vị trí, cần câu được cắm chặt xuống đất, đặt mồi câu lên trên. Đêm xuống, ếch nghe mùi mồi hấp dẫn là nhảy đến đớp ngay.

Nhiều năm trong việc cắm câu ếch đồng, anh Tèo cho biết, những vùng nông thôn, từ sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu đến hết mùa nước nổi là thời điểm ếch đồng vào mùa sinh sản, sinh trưởng và phát triển. Lúc này, lúa đã làm xong, đồng bỏ không để chờ sản xuất vụ kế tiếp. 

Đây cũng là lúc mưa nhiều, nguồn thức ăn dồi dào nên con ếch đồng nào cũng “bự chảng”, có con lớn bằng bàn tay. 

“Cần câu thường được cắm vào đêm, đến sáng thì gỡ và phải đem ra chợ ngay nếu không con ếch đồng sẽ bị chết, rất khó bán. Từ việc cắm câu ếch, mỗi ngày, có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nhờ vậy, có thêm thu nhập phụ giúp gia đình” - anh Tèo chia sẻ thêm.

Cùng với những cách bắt thủy sản truyền thống, như: Đặt lọp, giăng lưới, giăng câu, đặt dớn… nhiều người còn sáng tạo ra phương pháp đánh bắt thủy sản mới bằng chai nhựa khá độc đáo. 

Như anh Lê Văn Tuấn (huyện Chợ Mới), cứ vào dịp mùa nước nổi, anh lại chuẩn bị khoảng 10 chai nhựa để làm dụng cụ đánh bắt cá linh. 

Cách làm khá đơn giản, anh chọn những chai nhựa, thường là chai nước suối, dầu ăn, dung tích từ 2 lít trở lên. Các chai nước được khoét nhiều lỗ nhỏ bằng những cây sắt nung nóng. Mục đích của việc này để nước chảy vào, chai sẽ nhanh chóng chìm xuống nước và không bị trôi đi. 

Thân chai được cắt một đường dọc theo hình chữ “I”, sau đó cắt hình răng cưa để tạo thành hom lọp. Mỗi chiếc bình có thể làm từ 1 - 2 chiếc hom tùy theo thể tích của bình và ý muốn của người làm bẫy. Ngoài ra, còn có phương pháp khác là khoét lỗ tròn trên thân. Sau đó, dùng phần trên của chai nước suối (loại nhỏ) úp ngược vào trong để làm miệng hom.

“Chỉ với các bước đơn giản là có thể tạo ra chiếc lọp bằng chai nhựa mà không tốn nhiều chi phí. Nếu như các loại lọp trên thị trường có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/cái, nhưng chỉ sử dụng 1 năm rồi bỏ đi. Trong khi đó, những chiếc lọp làm bằng chai nhựa không tốn chi phí, có thể sử dụng nhiều năm.

Đặc biệt, sau khi sử dụng lại có thể bán ve chai, có thêm tiền quà vặt cho mấy đứa nhỏ” - anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn cho biết thêm, những ngày gần đây, trừ các ngày rằm và ngày cuối tháng, hầu như ngày nào anh cũng đặt lọp để kiếm ít “cá mắm” cho bữa ăn hàng ngày. 

Lượng cá bắt được cũng tùy, có hôm chỉ đủ ăn trong ngày, có hôm phải đem đi bán cho bà con trong xóm. Mỗi chiếc lọp khi “chạy” cá có thể thu được khoảng 100 - 200gr cá. Cá vô lọp có nhiều loại, như: Cá sặc, cá rô..., nhưng nhiều nhất vẫn là cá linh.

Không chỉ giăng câu, thả lưới bắt cá, tôm, ốc…, nhiều hộ còn ra đồng hái bông súng, bông điên điển, rau nhút, hẹ nước để tăng thêm thu nhập. 

Tuy nhiên, theo những người dân làm công việc này cho biết, đây là công việc thời vụ khi mùa nước nổi về. Những năm nước lũ thấp, “cá mắm” ít, người dân lựa chọn công việc khác để mưu sinh.

Minh Đức (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem