Mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê: Triển khai quá chậm

Thứ năm, ngày 10/06/2010 08:10 AM (GMT+7)
(NTNN) - Kế hoạch mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê được đưa ra từ 15-4, song đến nay số lượng thu mua cà phê thực tế rất ít, nhiều khả năng không đạt 200.000 tấn như chủ trương Chính phủ đề ra.
Bình luận 0
img
Nếu mua tạm trữ sớm và tích cực, người trồng cà phê sẽ giảm bớt phần thiệt hại.

Dân không được hưởng lợi

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ NN&PTNT, tính đến thời điểm này, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp mới thu mua được khoảng 15.000 tấn cà phê theo chủ trương tạm trữ.

Ông Đoàn Xuân Hoà- Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Đây mới là con số sơ bộ chúng tôi nắm được, nhìn chung tốc độ thu mua vẫn chưa ăn thua gì. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục có cuộc khảo sát đầy đủ về sản lượng, cũng như tình hình tiêu thụ cà phê trên thực tế để có sự đánh giá chuẩn xác hơn”.

Ngày 13-4, Thủ tướng ký quyết định hỗ trợ mua tạm trữ cà phê niên vụ 2009 với khối lượng 200.000 tấn trong thời gian 3 tháng, từ ngày 15-4 tới 15-7-2010. Các doanh nghiệp thu mua cà phê tạm trữ nhận được hỗ trợ lãi suất 6%/năm với thời gian kéo dài 6 tháng. Có 8 công ty được Vicofa phân công thu mua tạm trữ.

Trong niên vụ vừa qua, sản lượng cà phê cả nước ước đạt 900.000 tấn, giảm 70.000 tấn so với niên vụ trước. Việc chỉ thu mua được 15.000 tấn được cho là dấu hiệu không bình thường. Ông Phan Huy Thông- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Có 2 nguyên nhân dẫn đến việc thu mua cà phê không đạt yêu cầu do nguồn vốn khó khăn, nên các doanh nghiệp không có đủ tiền để mua và một phần do người dân không còn cà phê để bán hoặc còn nhưng không muốn bán, để đợi giá lên cao hơn nữa”.

Trước thời điểm tạm trữ có hiệu lực, hầu hết người dân đã bán cà phê đi để lấy tiền trang trải các khoản cần chi tiêu, nên thực tế người dân không được hưởng lợi nhiều từ chủ trương này.

Ông Phạm Văn Án- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng: "Sản lượng cà phê ở Lâm Đồng, trung bình mỗi năm đạt khoảng 300.000 tấn, khi vào vụ người dân thường thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó, nên gặp rất nhiều thiệt thòi, khi giá xuống vẫn phải bán, còn giá lên lại không còn cà phê. Chủ trương thu mua tạm trữ khoảng 200.000 tấn là rất phù hợp để giải quyết vấn đề, quan trọng là điều tiết mức giá phù hợp.

Nên mua tạm trữ từ đầu vụ

img Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại này do chúng ta triển khai quá chậm. Việc nguồn vốn hỗ trợ chỉ tập trung vào một ngân hàng cũng rất nguy hiểm, mà nói thẳng ra là ngân hàng không nhiệt tình với chủ trương mua tạm trữ... img

Ông Đỗ Hà Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa)

Mặc dù số lượng thu mua tạm trữ cà phê mới dừng lại ở số lượng quá thấp, nhưng một phần nhờ động thái này, giá cà phê ở Tây Nguyên trong thời gian gần đây đã được kéo lên và duy trì ổn định ở mức từ 25.000-25.500 đồng/kg.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh, do nguồn vốn hỗ trợ lãi suất mà Chính phủ quy định chỉ tập trung vào một ngân hàng, nên tốc độ giải ngân quá chậm. Hầu hết các doanh nghiệp phải đợi đến giữa tháng 5, thậm chí đầu tháng 6 mới vay được vốn, trong khi thời gian triển khai chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc.

Ông Đỗ Hà Nam- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại này do chúng ta triển khai quá chậm. Việc nguồn vốn hỗ trợ chỉ tập trung vào một ngân hàng cũng rất nguy hiểm, nói thẳng ra là ngân hàng không nhiệt tình với chủ trương mua tạm trữ. Vì vậy, chúng ta cần rút kinh nghiệm sâu sắc vấn đề này”.

Trong khi đó, ông Phan Huy Thông cũng cho rằng: “Vicofa đã đề xuất mua tạm trữ từ tháng 12-2009, nhưng đến tận tháng 4 vừa rồi mới có quyết định. Nhưng chúng ta cũng không nên đánh giá tiêu cực quá, bởi dù sao kể từ khi có quyết định này, giá cà phê cũng được kéo lên đáng kể. Song theo tôi, nên triển khai mua tạm trữ ngay từ đầu vụ, để có cơ chế tạm trữ chủ động hơn”.

Đồng ý với quan điểm này, ông Đỗ Hà Nam cho rằng: “Những năm tới, không nên đặt vấn đề mua tạm trữ, mà duy trì bằng chính sách bình ổn giá một cách thường xuyên, nếu giá xuống thì mua vào, giá lên thì bán ra để có lợi nhất cho dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem