Muốn sửa những cái nhìn thiên kiến

Thứ sáu, ngày 25/10/2013 07:02 AM (GMT+7)
Ngày 25.10, cuộc tọa đàm về 3 tập sách đầu tiên trong serie 14 tập về học giả Nguyễn Văn Vĩnh sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Phóng viên NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Lân Bình - cháu nội học giả và là chủ biên bộ sách này.
Bình luận 0
Thưa ông, gần 80 năm sau khi học giả Nguyễn Văn Vĩnh qua đời, trong lịch sử vẫn có những cái nhìn mâu thuẫn về vai trò của cụ, thậm chí có những cái nhìn cực đoan coi cụ chỉ là “bồi bút” của thực dân Pháp. Đó có phải là lý do khiến ông quyết định thực hiện bộ sách đầu tiên về ông nội mình để minh oan cho cụ?

- Sau khi Nguyễn Văn Vĩnh từ trần, lịch sử đã để lại nhiều nhận thức mâu thuẫn về cụ. Một mặt, các ghi chép trong quá khứ, các ý kiến của những nhà nghiên cứu đã xác nhận vai trò quan trọng đặc biệt của Nguyễn Văn Vĩnh trong lịch sử hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ, cũng như nền văn học chữ Quốc ngữ ở nửa đầu thế kỷ XX.

Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa có tính tư tưởng, làm cơ sở cho tinh thần độc lập về văn hóa của người dân Việt Nam được thể hiện rất cụ thể qua những di cảo do cụ để lại trong suốt 30 năm lao động, dâng hiến là thực sự hiện hữu.

Những tập đầu tiên trong bộ sách  về học giả Nguyễn Văn Vĩnh.
Những tập đầu tiên trong bộ sách về học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Mặt khác, trong từng giai đoạn của lịch sử đã tồn tại một cách nhận thức, rằng Nguyễn Văn Vĩnh, không hơn, không kém, chỉ là “bồi bút” của chế độ thực dân trong giai đoạn Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ. Mâu thuẫn nêu trên đã gây tổn hại cho vai trò cá nhân của Nguyễn Văn Vĩnh, mặc dù theo tôi, nhìn ở bản chất con người Nguyễn Văn Vĩnh, cụ không hề bận lòng. Nhưng tác hại lớn hơn, đó là việc hậu thế đã nhận thức đứt quãng về quá trình phát triển nền văn hóa và văn học chữ Quốc ngữ ở Việt Nam và sinh ngờ vực...

Nhận thức được những bất hợp lý và thiếu căn cứ của quá khứ đối với Nguyễn Văn Vĩnh, chứng kiến những tư liệu cụ thể về Nguyễn Văn Vĩnh và của Nguyễn Văn Vĩnh, tôi thấy cần làm rõ vai trò thực của cụ trong lịch sử. Một trong những hành động đó chính là việc ra đời của 3 tập đầu bộ sách này vào giữa tháng 9 vừa qua.

Những đóng góp to lớn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội chứng minh và thừa nhận, nhưng về phía gia đình, có bao giờ ông tự hỏi vì sao lịch sử lại có “án oan” về cụ như vậy?


- Việc có những nhận thức chưa đúng về Nguyễn Văn Vĩnh, lỗi không phải của một vài người nào đó... Theo tôi, vì bối cảnh xã hội, vì vận mệnh và nền chính trị của Việt Nam đã trải qua khá dài trong những cuộc chiến tranh khốc liệt, mà sự ưu tiên trong những bối cảnh đó là việc tập trung cao độ nguồn lực của xã hội vào việc kết thúc các cuộc giao tranh.

Suốt một giai đoạn dài, không phải chỉ có trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh trong lịch sử bị nhìn méo mó, mà còn rất nhiều những gương mặt cùng thời cũng bị cách phán xét có tính thiên kiến của những nhóm người khác nhau, đứng ở những góc độ khác nhau.

Nếu không có chứng cứ lịch sử được thể hiện qua các văn bản của quá khứ, thì việc hiểu đúng về tư tưởng và bản chất của một con người sẽ là không thể, vì vậy việc minh chứng bằng sách vở luôn là điều cần thiết cho hậu thế.

Cho đến hôm nay, ông ghi nhận thế nào về những phản ứng của dư luận xã hội về bộ sách này?


- Cho đến hôm nay, theo thống kê của tôi đã có đến 16 cơ quan thông tấn và báo chí đưa tin về sự xuất hiện của bộ sách. Tôi cảm kích và biết ơn sự lưu tâm của các cơ quan truyền thông, các trang mạng ở cả trong và ngoài nước đã đưa tin và bình luận về sự kiện phát hành sách của Nguyễn Văn Vĩnh.

"Cụ đích thực là người nhà quê, đã có thời gian dài làm chánh hương hội của một ngôi làng, và đã tường tận đời sống, thiết chế, bản chất, tức là những gì làm nên một ngôi làng Việt”.
Ông Nguyễn Lân Bình

Cũng cần phải nhắc lại những lời bình đặc sắc mang tính lịch sử với ý thức đánh thức dư luận, như trong bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Cũng có thể coi Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà xã hội học tiên phong”. Hoặc để nói về tính đại chúng trong tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh, ông Trần Hữu Dũng- một giáo sư đại học ở Mỹ đã khẳng định sau khi được đọc các cuốn sách này rằng: “... những cuốn sách mà gia đình nào cũng nên có!”. Đó là những điều khiến tôi cảm thấy rất ấm lòng.

Vào đầu thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những nhà trí thức nghiên cứu rất sâu, rất kỹ và công phu về nông thôn VN mà đến nay những nhận định, đánh giá của ông vẫn còn nguyên giá trị. Ông có thể nói kỹ hơn về điều này?

- Trong bộ sách này có một cuốn riêng tập hợp các bài viết của cụ trong cuốn “Lời người man di hiện đại - Phong tục và thiết chế của người An Nam”. Trong tất cả các bài viết dưới tiêu đề “Làng với người An Nam”, Nguyễn Văn Vĩnh đều tự xưng là “người nhà quê chúng tôi”, với 3 lý do: Cụ đích thực là người nhà quê, đã có thời gian dài làm chánh hương hội của một ngôi làng, và đã tường tận đời sống, thiết chế, bản chất, tức là những gì làm nên một ngôi làng Việt.

Nguyễn Văn Vĩnh phân tích tỉ mỉ thế nào là một cái làng, từ tín ngưỡng cho đến cơ cấu hành chính và những biện pháp chế tài kiểu lệ làng, nhưng lại là một thứ luật pháp uyển chuyển và có sức mạnh kỳ lạ. Cụ chỉ ra điểm yếu và sức mạnh của người Việt, từ thói mê tín dị đoan, tính sĩ diện… đến truyền thống trọng học sĩ và tình yêu sâu nặng, bền bỉ với đất đai, có chứa đựng cả lòng tự tôn trong đó.

Theo tôi, những người quan tâm đến nông thôn Việt Nam nên đọc cuốn sách này để hiểu thêm về nông thôn qua cái nhìn của cụ.

Xin cảm ơn ông!

Lê Tâm (thực hiện) (Lê Tâm (thực hiện) )
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem