Mường Ham - từ huyền thoại đến cuộc sống ngày mới

Cảnh Thắng Chủ nhật, ngày 02/01/2022 13:00 PM (GMT+7)
Những ngày cuối năm, khi những cánh đồng Mường Ham (xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) bắt đầu bước vào vụ mùa mới, bà con người Thái nơi đây đang hối hả ra đồng làm đất, làm mương dẫn nước. Mường Ham mang một huyền thoại về khai bản, lập mường nơi núi rừng miền tây xứ Nghệ.
Bình luận 0

Huyền thoại khai bản, lập mường

Khi chúng tôi có mặt tại nhà già làng Vi Đức Xuyết ở bản Mường Ham thì cũng là lúc mặt trời bắt đầu xuống núi. Già dù đã qua cái tuổi "thất thập ᴄổ lai hy", nhưng còn minh mẫn và hoạt bát lắm. Bên chén rượu nồng còn thơm mùi nếp mới, già Xuyết chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về sự tích khai bản, lập mường của cha ông.

"Bây giờ không còn ai nhớ năm nào, sử sách cũng không còn ai ghi lại, chỉ ước chừng đã trải qua hàng trăm năm, hàng chục đời cha ông sinh sống kể từ khi Tạo Nọi được đưa về vùng đất này lánh nạn rồi cùng chùng tay giúp dân khai phá, xây dựng bản mường như ngày hôm nay. Nhưng, đã là người con của Mường Ham thì phải luôn ghi nhớ và trân trọng công đức của Tạo Nọi cũng như các bậc tiền nhân đã giúp chúng ta có cuộc sống no ấm để trường tồn cùng non sông đất nước".

Mường Ham - từ huyền thoại đến cuộc sống ngày mới - Ảnh 1.

Cổng làng bản Mường Ham, xã Châu Cường (Qùy Hợp). Ảnh: Cảnh Thắng

Theo cụ Vi Đức Xuyết, vào cuối thế kỷ XIX, vùng Mường Tôn (thuộc xã Châu Kim, huyện Quế Phong) là trung tâm hành chính của các mường và là nơi thực hiện các nghi lễ tâm linh để cầu an, cầu phúc cho nhân dân "9 bản, 10 mường".

Theo giới học giả, căn cứ lịch trình thiên di của người Thái vào đất Nghệ An và các nguồn sử liệu dân tộc học, truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua các câu chuyện về quá trình tạo bản, lập mường thì vùng Mường Tôn đã có gần 700 năm lịch sử. Nơi đây gắn liền với quá trình khai phá của cộng đồng dân cư người Thái để lập thành "9 bản, 10 mường" (Mường Tôn, Mường Ham, Mường Quáng, Mường Chừn, Mường Pắn, Mường Puộc, Mường Ha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón, Mường Chòng), trước khi xảy ra những cuộc chiến tranh loạn lạc.

Cụ Xuyết kể: Trong những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, một vị quý tộc người dân tộc Thái thuộc dòng họ Lo Căm, là một Tạo Mường đã sắp đặt kế hoạch cho người cận vệ trung thành đưa cậu con trai duy nhất của mình từ Mường Tôn (xã Châu Kim, huyện Quế Phong) xuống vùng rừng núi Mường Ham (xã Châu Cường ngày nay) để trú ẩn.

Mường Ham - từ huyền thoại đến cuộc sống ngày mới - Ảnh 2.

Để đề phòng bị truy đuổi và tàn sát, người cận vệ trung thành đã giấu Tạo Nọi (con trai Tạo Mường) trong một hang đá lớn thuộc thung lũng Túng Nhau. Tạo Nọi được chăm sóc chu đáo và bảo vệ cẩn mật, chờ ngày hết loạn lạc, phân tranh sẽ trở về đoàn tụ với gia đình. Ban ngày người cận vệ cùng gia đình mình tiến hành khai hoang, phát rẫy, làm phai dẫn nước về ruộng, thuần dưỡng thú rừng, ban đêm ông bí mật vào hang đá cũng ăn ngủ và dạy học cho "thiếu chủ" với mong muốn xây dựng cuộc sống nơi vùng đất mới.

Hơn 15 năm sau, khi thông tin vùng đất Mường Tôn đã hết loạn lạc, Tạo Mường đã mất, người cận vệ trung thành đưa Tạo Nọi từ hang Túng Nhau ra hòa nhập với cuộc sống mới. Nhận thấy vùng Túng Nhau có địa thế thổ nhưỡng không thuận lợi, ông cùng Tạo Nọi quyết định không trở về quê hương mà đi khai phá vùng đất mới.

Đi mãi, đi mãi, họ đến một vùng bằng phẳng, cảnh sắc hài hòa, thiên nhiên tươi đẹp, lại có dòng Nậm Huống trong mát. Tạo Nọi quyết định cùng người cận vệ trung thành chọn vùng đất này cắm đất, dựng nhà, tiếp tục mở rộng khai hoang để người từ khắp nơi tìm về đây sinh sống, cùng khai bản, lập mường.

Vùng đất mà Tạo Nọi dừng chân cắm đất, dựng nhà ngày xưa, được con cháu gọi là Mường Hám, về sau gọi chệch âm là Mường Ham. Hay tin nơi đất rộng và khá bằng phẳng, khe suối dào dạt, thuận lợi cho việc cấy cày sản xuất, người Thái khắp mọi nơi kéo nhau về cùng khai phá, sinh sống. Tạo Nọi lúc bấy giờ đã trở thành một vị thủ lĩnh, vận động, tập hợp và chỉ huy các dòng họ cùng nhau làm ăn, sinh sống và xây dựng cuộc sống mới cho bản mường...

Mường Ham - từ huyền thoại đến cuộc sống ngày mới - Ảnh 3.

Bà con bản Mường Ham vào mùa gặt. Ảnh: Cảnh Thắng

Mường Ham đang vào xuân, mùi lúa mới thoang thoảng trong những căn nhà sàn nép dưới chân núi. Những người phụ nữ bản Mường Ham đang ngày đêm dệt vải, đợi Xuân về để mặc áo mới truyền thống, đăm mình trong những niềm vui ngày hội xuân của bản làng.

Cư dân tìm về ngày một đông, Mường Ham ngày càng được mở rộng, trở thành mường lớn nhất trong vùng. Bà con người Thái ở Quỳ Hợp quen gọi là Mường Tôn, tức mường gốc của cả vùng Khủn Tinh xưa. Về sau, triều đình nhà Nguyễn gọi Mường Ham là Thuần Hàm Tổng (bao gồm các xã Châu Cường, Châu Quang và một phần Châu Lý, huyện Quỳ Hợp ngày nay) và trở thành trung tâm hành chính của một vùng rộng lớn.

Đến cuộc sống mới ngày nay

Khi Tạo Nọi qua đời, người dân Mường Ham lập đền thờ và tổ chức lễ hội vào dịp đầu xuân, khi vạn vật, cỏ cây được ủ mình trong không khí vui tươi, ấm áp. Qua những bước đi thăng trầm của dòng thời gian, có lúc đền thờ bị xuống cấp, lễ hội bị đứt đoạn nhưng thế hệ cháu con vẫn luôn ghi nhớ và hướng về công đức của tổ tiên. Nay đền thờ đã được phục dựng, lễ hội cũng đã được khôi phục, người Mường Ham càng thêm yêu quý và tự hào về truyền thống quê hương...

Bản Mường Ham ngày nay thuộc vùng trung tâm xã Châu Cường, hiện có khoảng 143 hộ. Nguồn thu nhập chính của bà con người Thái ở đây chủ yếu là làm ruộng, trồng hoa màu, rừng nguyên liệu và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thu nhập bình quân hiện ở mức gần 30 triệu đồng/người/năm, đời sống ngày càng được nâng cao, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn được bà con chú trọng.

Được biết, Mường Ham là 1 trong 3 bản được UBND xã chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới, được đầu tư kinh phí xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi, dân sinh. Nhờ đó, hầu hết các tuyến đường nội bản đã được bê tông hóa, kênh mương nội đồng được xây dựng kiên cố, bà con đang tích cực cải tạo vườn hoang, vườn tạp, đẩy mạnh sản xuất, tạo mỹ quan làng bản.

Ông Sầm Phúc Thảo – Chủ tịch xã Châu Cường và cũng là con cháu của dân bản Mường Ham cho hay: "Dù cuộc sống của bà con bản Mường Ham có nhiều đổi thay, người dân trong bản dù siêng năng cần cù, thiên nhiên ưu đãi nhưng càng ngày diện tích canh tác càng ít đi, nên còn đó một số hộ rất khó khăn. Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đang nỗ lực hỗ trợ, dự kiến trong năm 2022 bản Mường Ham là một trong những bản về địch nông thôn mới của xã". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem