Mỹ cắt viện trợ sẽ 'hủy diệt' binh sĩ Ukraine trên chiến trường
Mỹ cắt viện trợ sẽ 'hủy diệt' binh sĩ Ukraine trên chiến trường
Minh Nhật (theo CNN)
Thứ ba, ngày 03/10/2023 21:13 PM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng quân đội Ukraine sẽ sớm thiếu đạn dược và thiết bị cần thiết nếu phe cứng rắn của Đảng Cộng hòa thành công trong việc ngăn chặn viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Kiv. Điều này sẽ làm suy yếu các hoạt động trên bộ và giảm khả năng phòng thủ của Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã nhiều lần khẳng định Mỹ sẽ ủng hộ Kiev "miễn là cần thiết" và Washington đã cam kết viện trợ an ninh hơn 43 tỷ USD cho nước này kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022. Khoản này chiếm hơn một nửa tổng số viện trợ Ukraine nhận được từ các nhà tài trợ phương Tây của họ.
Nhưng sự phản đối của Đảng Cộng hòa đã khiến Quốc hội Mỹ loại bỏ nguồn tài trợ mới cho Ukraine khỏi một dự luật thỏa hiệp gần đây nhằm tránh việc chính phủ Mỹ đóng cửa.
Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế bình luận "sẽ rất tàn khốc đối với người Ukraine” nếu viện trợ của Mỹ bị dừng lại.
“Quân đội Ukraine sẽ suy yếu và cuối cùng có thể sụp đổ kể cả khi họ chỉ cố duy trì thế phòng thủ”, ông Cancian nhấn mạnh.
Mỹ đã cung cấp một kho vũ khí khổng lồ để giúp Kiev chiến đấu giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ, từ đạn dược, vũ khí nhỏ và đạn pháo cho đến các phương tiện, bệ phóng tên lửa tinh vi, xe tăng và thiết bị rà phá bom mìn.
“Các quân đội đang xung đột cần một dòng vũ khí, vật tư và đạn dược ổn định, liên tục để thay thế những gì đã bị phá hủy và sử dụng hết”, ông Cancian nói thêm.
Nếu viện trợ của Mỹ bị cắt hoàn toàn thì tác động sẽ không xảy ra ngay lập tức, vì các gói viện trợ trước đó vẫn đang được thực hiện.
“Có lẽ phải mất vài tuần trước khi chúng ta thấy được hậu quả trên chiến trường”, ông Cancian nhấn mạnh.
Ngoài tiền tuyến, việc chấm dứt viện trợ của Mỹ sẽ để lại những khoảng trống trong hệ thống phòng không của Ukraine, vốn được tạo thành từ các hệ thống phòng không từ nhiều quốc gia, bao phủ các độ cao khác nhau và phải liên tục được tiếp tế đạn dược.
Những hệ thống phòng thủ này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các thành phố, cơ sở hạ tầng của Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa thường xuyên của Nga.
James Black, trợ lý giám đốc nhóm nghiên cứu quốc phòng và an ninh tại RAND Europe bình luận: “Bạn thực sự không thể… thay thế hệ thống này bằng hệ thống khác nếu chúng hoạt động theo những cách hơi khác nhau và đối phó với các mối đe dọa khác nhau. Nếu bạn loại bỏ thành phần của Mỹ trong các hệ thống đó, thì bạn nhất thiết sẽ làm giảm hiệu quả của toàn bộ hệ thống tích hợp".
Hàng chục quốc gia - đặc biệt là ở châu Âu - đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, và mặc dù họ có thể tăng cường hỗ trợ nếu Mỹ ngừng làm việc này, song việc giải quyết những khoảng trống mà Washington để lại sẽ là một thách thức lớn về lâu dài.
Hiện chưa rõ đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện sẽ làm gì tiếp theo.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy - thành viên của đảng Cộng hòa đứng đằng sau việc loại bỏ hỗ trợ cho Kiev khỏi dự luật nhằm ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ Mỹ - cho biết, ông sẽ "đảm bảo rằng vũ khí được cung cấp cho Ukraine".
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa cũng lưu ý rằng Ukraine sẽ chỉ nhận được sự giúp đỡ nếu Washington cũng thực hiện nhiều biện pháp hơn để đảm bảo an ninh chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp ở biên giới Mỹ-Mexico.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.