Mỹ nhân 6 lần làm hoàng hậu, rốt ruộc nàng có "bùa chú" gì?
Mỹ nhân 6 lần làm hoàng hậu, rốt ruộc nàng có "bùa chú" gì?
Tùy Ý/Theo SH
Thứ hai, ngày 17/05/2021 06:31 AM (GMT+7)
Dương Hiến Dung 5 lần làm hoàng hậu nhà Tây Tấn, 1 lần làm hoàng hậu nhà Tiền Triệu. Khi qua đời, nàng được truy phong làm Hiến Văn hoàng hậu, quả thực là vị hoàng hậu có cuộc đời truyền kỳ.
Tây Tấn những năm cuối, thiên hạ một lần nữa rơi vào đại loạn. Trước có Bát vương chi loạn, sau lại có Ngũ hồ loạn Hoa. Trong khoảng thời gian này, có một vị mỹ nhân truyền kỳ được dân gian khắc sâu ghi nhớ.
Nàng được xem là mỹ nhân quyến rũ nhất, 6 lần trở thành hoàng hậu, đồng thời cũng là vị hoàng hậu của cả hai triều đại khác nhau. Vậy, vị hoàng hậu này là ai? Nàng chính là Dương Hiến Dung, hoàng hậu độc nhất vô nhị trong lịch sử.
Theo sử chép, Dương Hiến Dung xuất thân trong một gia đình danh môn sĩ tộc, giàu có lại tài hoa. Phả hệ cho thấy, Dương Hiến Dung có họ hàng với Dương hoàng hậu Dương Diễm (vợ vua Tấn Vũ Đế).
Ông nội của nàng là Dương Cẩn, làm quan tới chức Thượng thư Hữu bốc xạ thời Tấn Vũ Đế, còn cha nàng là Dương Huyền Chi cũng làm đến chức Thượng thư lang.
Chìm nổi số phận mỹ nữ 6 lần làm hoàng hậu
Nổi tiếng xinh đẹp, thông tuệ, Dương Hiến Dung được gả cho Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung và trở thành hoàng hậu từ khi còn rất trẻ. Thế nhưng, trời xanh ghen ghét má hồng, Dương Hiến Dung tuy làm hoàng hậu nhưng thực quyền không có bởi vì Tư Mã Trung là kẻ chậm hiểu, trời sinh đã ngốc nghếch, bị quyền thần khống chế, lên làm hoàng đế cũng chỉ là con rối, để người khác giật dây.
Tuy vậy, kết hôn không bao lâu, Dương Hiến Dung vẫn có thai với Tư Mã Trung, sinh được một con gái là Thanh Hà công chúa.
Chẳng bao lâu sau Thành Đô Vương Tư Mã Dĩnh dẫn binh thảo phạt Dương Huyền Chi (cha của Dương Hiến Dung). Tháng Hai năm 304, Tư Mã Dĩnh nắm giữ triều chính, phế bỏ Dương hoàng hậu. Nàng mất ngôi lần đầu tiên.
Tháng Bảy cùng năm, Đông Hải vương Tư Mã Việt khởi binh, thảo phạt Tư Mã Dĩnh, khôi phục lại địa vị hoàng hậu cho Dương Hiến Dung.
Qua ít ngày, Trương Phương - tướng lĩnh của Tư Mã Ngung cầm quân đánh vào Lạc Dương, lần thứ hai phế bỏ Dương hoàng hậu. Nhưng sau đó, Dương Hiến Dung vẫn được phục vị.
Chỉ một thời gian ngắn sau, Tư Mã Ngung lần thứ ba phế bỏ vị trí hoàng hậu của Dương Hiến Dung. Thế nhưng nhờ tướng quân Chu Quyền, Dương hoàng hậu lại được về vị trí cũ.
Đáng tiếc, Chu Quyền rất nhanh đã bị Trương Phương đánh bại, vì vậy Dương Hiến Dung lần thứ tư bị phế, chỉ kém một chút là bị giết luôn.
Mãi đến năm 306, Dương Hiến Dung mới được Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung phục vị cho, lại trở thành Dương hoàng hậu lần thứ năm.
Năm 307, Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung qua đời, Dương hoàng hậu lo lắng mình không thể trở thành thái hậu, vì vậy nàng phái người liên kết với thái tử cũ là Thanh Hà vương Tư Mã Đàm vào cung định lập lên ngôi nhưng không thành công. Cuối cùng hoàng thái đệ Tư Mã Sí kế vị, tức Tấn Hoài Đế.
Do Dương Hiến Dung không phải là mẹ ruột của Tấn Hoài Đế nên chỉ được tôn làm Hiếu Huệ hoàng hậu, không được lập làm Hoàng Thái hậu, được sống ở cung Hoàng Huấn.
Thế nhưng lúc này vương triều Tây Tấn đã bấp bênh, Dương Hiến Dung cũng không thể an hưởng phú quý. Năm 311, dân Hung Nô công hãm Lạc Dương, không chỉ có Tấn Hoài Đế bị bắt mà Dương Hiến Dung cũng bị vạ lây.
May mắn thay, vì mê đắm nhan sắc của Dương Hiến Dung, đại tướng quân Hung Nô là Lưu Diệu đã không giết nàng mà lấy làm vợ. Sau đó, ngưỡng mộ trí tuệ và cách đối nhân xử thế của nàng, Lưu Diệu vô cùng sủng ái Dương Hiến Dung. Hai người còn có với nhau 3 người con trai.
Năm 318, Lưu Diệu phát động chính biến, thành lập chính quyền Tiền Triệu, sau đó không lâu công phá Trường An, lập Dương Hiến Dung làm hoàng hậu và Lưu Hi, con trai của hai người làm thái tử.
Có thể nói, ở thời Tây Tấn, Tấn Huệ Đế là hoàng đế bù nhìn, Dương Hiến Dung là hoàng hậu con rối. Đến thời Tiền Triệu, Dương Hiến Dung mới chính thức cảm nhận được cảm giác của một hoàng hậu.
Sử sách ghi chép, khi là hoàng hậu của Tiền Triệu, Dương Hiến Dung được sủng ái đến mức có thể can thiệp triều chính. Lưu Diệu cũng từng ghen tị với Tấn Huệ Đế, hỏi Dương hoàng hậu rằng: "Ta và gã Tư Mã Trung kia ai hơn ai?"
Dương hoàng hậu nghe vậy bèn đáp: "Hắn tại sao có thể so sánh cùng người? Bệ hạ chính là khai quốc hoàng đế, hắn là vong quốc hoàng đế. Vợ con hắn hắn không lo được, coi trong địa vị lại khiến vợ con chịu nhục. Lúc bị bắt lại, ta đã không muốn sống nữa, nào dám nghĩ tới có ngày hôm nay. Ta sinh ra chốn nhà cao cửa rộng, vốn nghĩ đàn ông thế gian này đều giống nhau. Mãi đến khi gặp được người, mới biết thiên hạ quả thực có đại trượng phu".
Lưu Diệu nghe xong vô cùng cảm động, lại càng dốc sức cưng chiều, yêu thương Dương hoàng hậu, bù đắp những mất mát, tổn thương cho nàng.
Năm 322, Dương Hiến Dung hoàng hậu qua đời bị bạo bệnh, khiến Lưu Diệu cực kỳ thương tâm, tổ chức một lễ tang xa hoa vô cùng để tưởng nhớ nàng.
Như vậy, Dương Hiến Dung 5 lần làm hoàng hậu nhà Tây Tấn, 1 lần làm hoàng hậu nhà Tiền Triệu. Khi qua đời, nàng được truy phong làm Hiến Văn hoàng hậu, quả thực là vị hoàng hậu có cuộc đời truyền kỳ.
Vốn tưởng rằng Lưu Diệu sẽ là bậc minh quân trường thọ, dẫn dắt đất nước đi lên. Đáng tiếc thế thời loạn lạc. 7 năm sau khi Dương hoàng hậu mất, vào năm 329, Lưu Diệu trúng kế Thạch Lặc, bị bắt giết, sớm đoàn tụ với hồng nhan tri kỷ của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.