Nam Định: Hàng chục tàu hút cát uy hiếp khu dự trữ sinh quyển Cồn Mờ

Hoàng Trình Chủ nhật, ngày 12/07/2020 12:53 PM (GMT+7)
Mỗi ngày, tại khu vực biển sát Cồn Mờ (Nam Định), Cồn Nổi (Ninh Bình) có hàng chục tàu hút cát công suất lớn hoạt động rầm rộ nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết.
Bình luận 0

Nam Định: Hàng chục tàu hút cát uy hiếp Cồn Mờ

Gia đình anh Vũ Văn Thỏa (xóm 6, xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) đã nhiều năm làm nghề đào ngao, vạng, dắt ở bãi Cồn Mờ. Anh Thỏa cho biết, trước đây các bãi bồi ở Cồn Mờ có rất nhiều ngao, vạng, vọp… Mỗi ngày, 2 vợ chồng anh làm có thể đào được hàng tạ ngao, vạng, dắt… thu nhập khoảng 500.000 đồng/người/ngày.

Nam Định: Hàng chục tàu hút cát uy hiếp Cồn Mờ - Ảnh 1.

Các tàu hút cát hoạt động ngày đêm sát Cồn Mờ, Nghĩa Hưng, Nam Định.

Theo anh Thỏa, khoảng hơn 1 năm trở lại đây, khu vực biển giữa Cồn Mờ (Nam Định) và Cồn Nổi (Ninh Bình) xuất hiện nhiều tàu hút cát công suất lớn hoạt động rầm rộ bất kể ngày đêm. Chỉ có ngày biển động, họ mới chịu dừng.

"Bãi bồi trước đây còn ra phía ngoài xa khoảng 1km, do các tàu hút cát hoạt động mạnh quá nên bãi mất dần. Ngao, vạng, dắt… cũng vì thế mà biến mất. Ở khu này, giờ người dân chỉ đi bắt được con dắt nhỏ để bán làm thức ăn cho tôm hùm. Còn ngao to, vạng to thì rất hiếm khi bắt được.

Bà con thấy tàu hút cát hoạt động mạnh quá thì cũng báo chính quyền, nhưng chẳng ai xử lý, rồi đâu lại hoàn đó", anh Vũ Văn Thỏa nói.

Nam Định: Hàng chục tàu hút cát uy hiếp Cồn Mờ - Ảnh 2.

Người dân đi bắt dắt ở Cồn Mờ mỗi ngày kiếm được 200-300 nghìn đồng/người.

Chị Nguyễn Thị Hồng, người đã nhiều năm mưu sinh bằng nghề trồng dưa hấu ở Cồn Mờ, cho biết: "Cồn Mờ từ bao đời nay đã là nơi sinh nhai của rất nhiều người dân các xã Nam Điền, Nghĩa Hải. Nếu cứ hút cát ồ ạt không có kiểm soát như thế này thì chẳng mấy chốc mà hết cả Cồn Mờ".

"Người thì đào ngao, bắt dắt, người thì trồng dưa, trồng rau, phía trong còn có hàng trăm hộ dân nuôi trồng thủy sản. Người dân có cuộc sống khấm khá lên nhiều cũng từ việc canh tác ở Cồn Mờ này. Cồn còn là nơi tránh sóng của tàu bè ra vào cửa sông Đáy", chị Hồng nói.

Một ngày đầu tháng 7/2020, PV Dân Việt có mặt tại khu vực Cồn Mờ. Chạy xe máy khoảng 5km dọc theo cồn cát nổi lên đến cuối Cồn Mờ, PV Dân Việt thấy phía xa có khoảng 10 tàu hút cát công suất lớn đang hoạt động.

Anh Vũ Văn Thỏa chỉ tay ra phía các tàu bảo: "Ngày nào cũng thế này các anh ạ, ngày biển lặng thì còn đông hơn nữa. Họ cứ hút thế chẳng biết đến khi nào thì mất cả Cồn Mờ. Ngay bên cạnh là Cồn Nổi của Ninh Bình nhưng họ đã xây kè bê tông rất chắc chắn".

Nam Định: Hàng chục tàu hút cát uy hiếp Cồn Mờ - Ảnh 3.

Anh Vũ Văn Thỏa, cho biết do hút cát nên ở Cồn Mờ còn rất ít ngao, vạng, dắt…

PV Dân Việt đã liên lạc với ông Trần Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ông Mạnh xác nhận, khu vực Cồn Mờ do xã Nghĩa Hải quản lý. Các tàu hút cát đã hoạt động ở gần đó từ khá lâu, tuy nhiên đây là các tàu của tỉnh Ninh Bình, không phải của tỉnh Nam Định.

"Họ đang làm dự án nạo hút luồng sông Đáy. Việc này đã làm ảnh hưởng đến Cồn Mờ. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã có ý kiến nhưng rất khó xử lý vì khu vực này nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh", ông Mạnh thông tin.

PV Dân Việt tiếp tục liên lạc với Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, ông Đỗ Hùng Sơn cho biết, ông vừa về nghỉ hưu theo chế độ khoảng 1 tuần. Ngoài ra, nguyên Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn khẳng định, không có bất kỳ tàu hút cát nào hoạt động gần khu vực Cồn Nổi từ trước đến nay(?).

Nam Định: Hàng chục tàu hút cát uy hiếp Cồn Mờ - Ảnh 4.

Cồn Mờ thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng là một khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO công nhận tại Việt Nam cho các vùng đất phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Cồn Mờ thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Châu thổ sông Hồng. Đây là một khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam cho các vùng đất phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, nằm ở cửa sông Đáy, sông Hồng và sông Thái Bình.

Theo các chuyên gia về bảo tồn sinh học, đây là vùng có ý nghĩa sống còn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Đông Dương, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với các loài chim nước di cư đến và đi qua từ Đông Bắc Á và Siberia đến châu Đại Dương. 

Do đó, việc duy trì tính toàn vẹn và chất lượng sinh cảnh vùng đồng bằng Bắc Bộ được coi là một nghĩa vụ quốc tế. Theo tổ chức Friends of the Earth, bảo vệ những vùng đệm tự nhiên là cách giải quyết duy nhất để bảo vệ dân cư vùng ven biển chống lại sóng triều và các đe dọa khác trong tương lai.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem