“Nâng khống” giá trị 25 BĐS, Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây thiệt hại hơn 2.129 tỷ đồng

Quốc Hải Thứ hai, ngày 19/08/2019 12:43 PM (GMT+7)
Dù có tới 25 bất động sản (BĐS) được điều tra là có hành vi “nâng khống” giá trị, gây thiệt hại cho Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tới hơn 2.129 tỷ đồng, nhưng Cơ quan CSĐT Bộ Công an chỉ xem xét xử lý hành vi nâng khống giá trị của 4 BĐS với mức thiệt hại hơn 437,1 tỷ đồng…
Bình luận 0

img

Bà Hứa Thị Phấn tại phiên tòa xử ông Phạm Công Danh (Ảnh: IT)

Theo kết luận điều tra số 63/C03-P13 của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) về vụ án "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín" (nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam), từ ngày 28/7/2008 đến ngày 3/2/2012, Ngân hàng Đại Tín đã đầu tư mua 25 BĐS với tổng giá trị hơn 3.580,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi nhóm cổ đông Hứa Thị Phấn chuyển giao cho nhóm cổ đông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, VNCB đã thuê Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá miền Nam (SIVC) định giá lại giá thị trường của 25 BĐS trên thì giá thị trường tại thời điểm tháng 9/2014 chỉ có tổng giá trị  hơn 1.369,7 tỷ đồng. Nghĩa là CB đã thiệt hại hơn 2.129 tỷ đồng.

Cụ thể, trong số 25 BĐS này, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã xác định đều có hành vi nâng khống giá trị. Tuy nhiên, khi xử lý, chỉ có 4 BĐS bị đưa ra xem xét với mức gây thiệt hãi hơn 437,1 tỷ đồng. 

Theo giải thích của Cơ quan CSĐT, trong 25 BĐS này, có 11 BĐS Ngân hàng Đại Tín mua từ ngày 28/7/2008 đến ngày 3/2/2012, với tổng giá trị hơn 1.156 tỷ đồng. Ngân hàng Xây dựng thuê SIVC định giá  thời điểm tháng 9/2014 theo yêu cầu của NHNN là hơn 672,8 tỷ đồng, thấp hơn giá Ngân hàng Đại Tín mua hơn 483,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc mua bán này là nằm trong tỷ lệ mua sắm tài sản cố định của Ngân hàng Đại Tín, không vi phạm các quy định của NHNN nên Cơ quan CSĐT không xem xét xử lý. 

Bên cạnh đó, có 9 BĐS được Ngân hàng Đại Tín mua từ 17/4/2009 đến 17/8/2012, với tổng giá trị hơn 452,9 tỷ đồng. Ngân hàng Xây dựng thuê SIVC định giá thời điểm tháng 9/2014 theo yêu cầu của NHNN thì chỉ đạt giá trị hơn 182,7 tỷ đồng, thấp hơn giá trị mà Ngân hàng Đại Tín mua 188,4 tỷ đồng.

Tuy việc mua 9 BĐS này là mua bán ngay thẳng, không liên quan đến bà Hứa Thị Phấn nhưng việc mua bán này đã “vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định” được phép của ngân hàng, gây thiệt hại hơn 188,4 tỷ đồng, nên đã phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 20003.

Đáng nói, theo điểm e khoản 1 điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, hướng dẫn việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định: “Nếu sau thời điểm 0h00 phút ngày 1/1/2018 mới bị phát hiện thì không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội Cố ý làm làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định lại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 mà áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội danh tương ứng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử…” và Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 không quy định tội phạm tương ứng với hành vi trên… Nên cơ quan CSĐT Bộ Công an không xem xét xử lý với việc mua 9 BĐS trên.

Riêng BĐS tại số 689-691-692 đường Hà Hoàng Hồ, TP Mỹ Xuyên, tỉnh An Giang, Ngân hàng Đại Tín mua tháng 4/2009 với giá 18 tỷ đồng của Nguyễn Thị Thu Hằng (đứng tên giúp bà Phấn). Tuy thời điểm mua Ngân hàng Đại Tín đã vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định và có liên quan đến bà Phấn, nhưng kết luận định giá số 10/KL-TTHS ngày 19/1/2017 của Hội đồng định giá tỉnh An Giang xác định: Tuy giá thị trường thời điểm tháng 4/2009 chỉ là hơn 7,23 tỷ đồng, thấp hơn giá mua là 10,76 tỷ đồng, nhưng giá thị trường tại thời điểm tháng 11/2016 của BĐS trên là hơn 21,1 tỷ đồng, cao hơn giá Ngân hàng Đại Tín mua là hơn 3,1 tỷ đồng, nên Cơ quan CSĐT không xem xét xử lý việc mua này.

Riêng 4 BĐS bị xem xét xử lý (số 10 Lý Tự Trọng - Q.1; 409 Sư Vạn Hạnh - Q.10; 422B Nguyễn Thị Minh Khai - Q.3; 30 Quang Trung - Nha Trang (Khánh Hòa), đây là 4 BĐS mua khi đã “vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định” được phép, gây thiệt hại cho ngân hàng tới hơn 437,1 tỷ đồng.

Được biết, trong số 25 BĐS nói trên, có tới 15/25 BĐS Ngân hàng Đại Tín dưới thời bà Sáu Phấn đã đầu tư “vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định” được phép theo quy định tại Điều 140 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, với tổng giá trị hơn 2.424 tỷ đồng, đến nay chưa thể hạch toán vào tài sản cố định của ngân hàng.

Kết luận điều tra của cơ quan công an chỉ rõ, lợi dụng việc nắm giữ số cổ phần chi phối lên đến 84,92% và vai trò Cố vấn cao cấp HĐQT Trustbank, bà Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm đã lũng đoạn ngân hàng này và có hàng loạt các hành vi sai phạm, gây thiệt hại cho Trustbank tổng cộng hơn 1.338 tỷ đồng.

Những thiệt hại của Trustbank dưới thời bà Hứa Thị Phấn cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình hình kinh doanh của ngân hàng này rất xấu, bị liệt kê vào danh sách những ngân hàng yếu kém và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ, buộc Nhà nước phải mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng vào ngày 31/1/2015 để gánh toàn bộ lỗ lũy kế lên đến 27.000 tỷ đồng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem