Nâng vụ đông thành vụ chính ở miền Bắc: Có thể thu được 25.000 tỷ đồng

Thanh Xuân (thực hiện) Thứ sáu, ngày 30/10/2015 07:15 AM (GMT+7)
Vụ đông được coi là vụ sản xuất đem lại nhiều thu nhập cho nông dân, và Bộ NNPTNT cũng đã chủ trương đưa vụ đông lên thành vụ sản xuất chính trong năm nay. Phóng viên Dân Việt đã phỏng vấn ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, về việc chuẩn bị sản xuất vụ đông năm nay.
Bình luận 0

Bộ NNPTNT đã có chủ trương đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, vì sao có chủ trương này, thưa ông?

img

Nông dân huyện An Dương (Hải Phòng) chuẩn bị ruộng để trồng màu vụ đông xuân. Ảnh: Lê Hữu Thọ

- Vụ đông là một vụ sản xuất đặc thù và lợi thế của các tỉnh phía Bắc khi có từ 3 - 4 tháng mùa đông lạnh, với chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú đa dạng về chủng loại đối với cây trồng, nhất là nhóm rau màu.

Do đó, các tỉnh miền Bắc có thể gieo trồng cả nhóm rau nhiệt đới, cận nhiệt đới và nhóm rau cận ôn đới (nhóm ưa ấm, nhóm ưa lạnh và nhóm trung tính). Với nền nhiệt thấp, dịch hại trên cây trồng vụ đông có thể được xem là ít có nguy cơ nhất so với các vụ trong năm, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao, tích luỹ sinh khối thuận lợi tạo nên năng suất, chất lượng, hương vị cho nhiều loại rau xanh đặc trưng của miền Bắc nước ta.

Đặc biệt, thị trường tiêu thụ tiềm năng là rất lớn, vì khi chúng ta trồng được rau xanh, tươi thì phía Bắc bán cầu đang lạnh giá, thậm chí là tuyết phủ, các hiệp định thương mại tự do là cơ hội tốt cho rau, củ quả vụ đông của miền Bắc “Bắc tiến”.

Mặt khác, không ít vùng, nông dân có truyền thống và trình độ thâm canh cao, trong khi vụ đông chiếm đất chỉ trên dưới 3 tháng nhưng lại cho giá trị thu hoạch bằng 2 - 3 lần cả năm làm lúa; giá trị sản xuất mà vụ đông mang lại cho các tỉnh phía Bắc theo ước tính đạt 20.000 – 25.000 tỷ đồng mỗi năm...

Đó là những lý do chính mà Bộ NNPTNT đã và đang lựa chọn vụ đông trở thành vụ sản xuất chính ở các tỉnh phía Bắc.

Tuy vậy, theo đánh giá đến thời điểm này rất nhiều diện tích ruộng ở miền Bắc vẫn được cho “nghỉ” tới 4-5 tháng (tức ngay sau khi thu hoạch vụ mùa). Bộ đã chủ trương như vậy, tại sao sản xuất vụ đông vẫn chưa có nhiều chuyển biến?

"Vụ đông chiếm đất chỉ trên dưới 3 tháng nhưng lại cho giá trị thu hoạch bằng 2 - 3 lần cả năm làm lúa; giá trị sản xuất mà vụ đông mang lại cho các tỉnh phía Bắc theo ước tính đạt 20.000 – 25.000 tỷ đồng mỗi năm...”.
Ông Ma Quang Trung

- Đúng là những năm gần đây, vụ đông ở miền Bắc chững lại về diện tích, một số cây trồng sụt giảm đáng kể, với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng biến đổi khí hậu với những hiện tượng khí hậu cực đoan như: Bão muộn, mưa trái vụ, mưa lớn; sương muối, nóng bất thường, hạn...

Đặc biệt năm nay do ảnh hưởng của El Nilo được dự báo là mạnh nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, nên vụ đông sắp tới được dự báo tiếp tục là một vụ đông ấm, trong khi đó, nhiều hồ chứa nước dung tích đã giảm 30 – 50%. Nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt người dân tuân thủ lịch thời vụ và chuyển đổi sang cây trồng ngắn ngày, sử dụng ít nước thì sẽ rất khó khăn.

Ngay tuần tới đây, chúng tôi có tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo các địa phương đánh giá ngay diện tích hạn cũng như nguồn lực của địa phương và trung ương để từ đó Bộ tổng hợp và báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ.

Ngoài yếu tố thời tiết, sản xuất vụ đông còn đối mặt với nhiều khó khăn khác như thiếu lao động trẻ khoẻ, quy mô sản xuất vụ đông còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu thị trường, còn ít các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp; vấn đề chế biến, bảo quản sau thu hoạch sơ sài, chuỗi giá trị thấp. Mặc dù nhà nước có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp nhưng người dân tiếp cận chính sách còn khó và chưa có một chính sách đủ mạnh cho cây vụ đông...

Những năm gần đây, bà con nông dân rất lo lắng khi sản phẩm các cây trồng vụ đông không có đầu ra, hiện tượng nhổ bỏ su hào, bí ngô... hoặc các loại cây khác có bán, giá cũng rẻ như cho. Bên cạnh việc khuyến khích mở rộng diện tích vụ đông, Bộ NNPTNT sẽ có những đề xuất, giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn này?

- Theo thống kê của Cục Trồng trọt, sản phẩm vụ đông 2014 vẫn được tiêu thụ chủ yếu qua các kênh như người sản xuất sau khi thu hoạch, tự mang đi tiêu thụ tại các chợ hoặc bán buôn cả ruộng cho thương lái thấp hơn giá bán lẻ ở chợ tới 20 – 30%; tiêu thụ thông qua các bếp ăn tập thể, nhà trẻ, trường học...

Cũng có một số địa phương đã ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho doanh nghiệp như ở Thanh Hoá ký hợp đồng tiêu thụ ngô ngọt, đậu tương, cải bó xôi xuất khẩu với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Hà Nam có mô hình sản xuất cà chua bi mà người dân ký hợp đồng với Công ty TNHH Hội Vũ; Phú Thọ có mô hình dưa chuột Nhật, dưa chuột bao tử, ớt của người dân liên kết với Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C, Công ty TNHH Dũng Đạt...

Tuy nhiên, các mô hình này cũng mới chỉ dừng lại ở vài chục ha và hiện việc gắn kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chưa thực sự ổn định và bền vững. Do đó, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo các địa phương mở rộng các mô hình liên kết này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem