Nền độc lập là một di sản vô giá

Nguyễn Mỹ Linh Thứ bảy, ngày 02/09/2023 08:11 AM (GMT+7)
Cuộc giải phóng giành độc lập dân tộc của Việt nam có lẽ là di sản lớn nhất của thế hệ đi trước dành cho Việt Nam ngày hôm nay. Có đổ máu, có gian nan, có sai lầm, tuy thế “ tư thế của một nước độc lập, thân phận của một người dân nước độc lập là điều vô giá".
Bình luận 0

Tôi sẽ không bao giờ hiểu được khái niệm về sự đoàn kết quốc tế một cách cụ thể cho đến khi thực sự gặp những người trong các hội đoàn hữu nghị với Việt nam tại Pháp. Họ không chỉ  là một, mà là nhiều người ở những lĩnh vực khác nhau. Công nhân, trí thức, chính trị gia, chuyên gia cao cấp trong các ngành nghề. Tình cảm yêu mến với Việt nam của họ được thử thách dài hơn cả mối quan hệ ngoại giao của hai nước, nó được xây dựng từ năm 1946, khi “ Hồ Chí Minh “ theo cách gọi của họ đến Pháp.

Năm nay đã 91 tuổi, bà Helene Luc là thượng nghị sĩ của Pháp, đồng thời cũng đã từng hoạt động trong nhiều phong trào để phản đối chiến tranh tại Việt nam. 15 tuổi bà xuống đường để phản đối chế độ thực dân tại Đông Dương, suốt giai đoạn 68 – 73 bà là thành viên ban tiếp đón và hỗ trợ sát cánh với phái đoàn Việt nam tại Hiệp định Paris “ để phản đối và chấm dứt cuộc chiến của Mỹ tại Việt nam “ còn bây giờ bà luôn nói bà là bạn với Việt nam để bảo vệ chủ quyền cho các vùng đảo.

Bà Helene chỉ là một trong số rất nhiều người mà ngày hôm nay, hễ có hoạt động gì liên quan đến Việt nam thì đều có mặt, kể cả những hoạt động mà đôi khi người Việt ngại đường xá xa xôi không tới.

Tôi hay quan sát họ, gần và xa. Tôi muốn được phân định xem phần nào là tình cảm yêu mến thực sự, phần nào là do mối quan hệ chính trị, ngoại giao. Quan sát, chuyện trò, lý giải đã là một phần của nghề nghiệp, nhưng nó cũng là cách để mình học thêm từ cuộc sống.

Bà Helene và nhiều “ những người bạn của Việt Nam “ khác, cộng sản hay không cộng sản, tôi thấy họ có những cách tiếp cận khác nhau về Việt Nam ngày hôm qua và hôm nay, nhưng có một điểm chung mà tôi nhận ra, một trong những lý do sâu thẳm khiến họ dành cho dân tộc Việt nam những tình cảm yêu mến, là họ xếp Việt Nam và Hồ Chí Minh với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc vào một điểm chung để chia sẻ thời gian và tâm sức.

Cũng phải nói rằng Pháp là xứ sở của những cuộc cách mạng. Dường như việc làm cách mạng và cải cách xã hội nó nằm trong suy nghĩ của mỗi người dân Pháp. Việc ủng hộ cuộc cách mạng ở Việt nam,  như một phần lẽ sống của những người tiến bộ Pháp, vì họ - cần phải làm thế, cho chính cái mong muốn được cải cách xã hội, vì sự công bằng trong bản thân. Tuy thế, Việt Nam và Hồ Chí Minh với họ - không chỉ là mối quan hệ chính trị ngoại giao, mà là điều gì đó khác hơn – như bà Hélene Luc lý giải – nó bắt nguồn từ đại hội Tours, rồi từ 1946.

Cuộc giải phóng giành độc lập dân tộc của Việt Nam có lẽ là di sản lớn nhất của thế hệ đi trước dành cho Việt nam ngày hôm nay. Có đổ máu, có gian nan, có sai lầm tuy thế “ tư thế của một nước độc lập, thân phận của một người dân nước độc lập là điều vô giá. Nhớ thế “

Khi tôi ở trong nước điều mà Hélene Luc chia sẻ này như một lẽ dĩ nhiên, nhưng khi ra nước ngoài sống và làm việc, việc mình là dân đến từ một nước độc lập, nó khác. Đôi khi đùa, tôi bảo bạn bè Pháp của tôi rằng nếu ngày xưa De Gaulle cởi mở, biết đâu tôi và họ vẫn có chung nhiều thứ. Bạn tôi cười, chế nhạo ngay  “ người Pháp cũng không thích trả tiền cho tàu há mồm đâu “ nghĩa là họ chả thiết tha gì nếu phải chia sẻ tiền thuế của họ cho một nước nghèo hơn, chưa phát triển.

Tôi sống không xa nhà con gái đỡ đầu của “ Bác Hồ “ bà Elisabeth Aubrac, con gái của Lucie và Raymond Aubrac - những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Pháp, một trong những người đứng đầu phong trào chiến đấu chống phát xít Đức ở thế chiến thứ 2. Họ cũng là những người đã mời “ Oncle Hồ “ về tá túc tại nhà vào năm 1946, để bớt tốn kém và dễ giao lưu gặp gỡ với những người tiến bộ và cộng sản khác ở Pháp, những người chọn đứng cạnh Việt nam ở giai đoạn của hội nghị Fontainebleau. Cũng chính tại căn nhà ở ngoại ô Paris ấy, Oncle Hồ đã được bế đón tay Elisabeth khi ấy mới lọt lòng từ bệnh viện về và trở thành bố đỡ đầu của bà.

Cho đến ngày hôm nay bà Elisabethe vẫn còn giữ những bức thiếp mà cha đỡ đầu của bà gửi tặng khi còn nhỏ, vào mỗi dịp Noel hay năm mới. Bà bảo dù không được gặp bố đỡ đầu của tôi khi lớn nhưng ông luôn là điều gì đó thiêng liêng mà tôi cất giữ và tự hào vì đã có. Chẳng có dịp quan trọng nào của Việt nam mà  Elisabeth vắng mặt, chồng của bà, giáo sư kinh tế Helfer thường xuyên về dạy ở Việt nam trong những năm trước và căn nhà của họ đã trở thành một địa chỉ ấm áp cho những học sinh đã có thời gian làm việc với ông.

Không vì có tình cảm với cha đỡ đầu Hồ Chí Minh, không vì thương quí Việt Nam thì chắc rằng điều này cũng không đến.

Hai năm trước, con trai một cai ngục Côn Đảo hiện đã hơn 90 tuổi và sống ở đảo Corse đã tặng lại cho Việt Nam một bức tượng đặc biệt, bức tượng Hồ Chí Minh được các tử tù Côn đảo lưu giữ bí mật . Bố ông - người cai ngục ngày ấy đã mang nó trở về Pháp sau khi cuộc chiến tranh của Pháp ở đông dương kết thúc, truyền lại cho ông , trong căn nhà mà bố ông đặt lên là biệt thự Côn Đảo. Việt Nam – sau tất cả những ký ức ám ảnh vẫn là một điều gì đó thân thương với gia đình người cai ngục. Tất nhiên không phải chỉ vì cảnh đẹp hay biển trong.

Không thể liệt kê ra hết những hội đoàn hữu nghị với Việt Nam trên khắp nước Pháp, nó được người Việt Nam khởi xướng cũng có mà người Pháp cũng có. Ngày hôm nay tỉ lệ những người lớn tuổi trong các hội đoàn này nhiều hơn, cùng là lẽ thường. Tuổi trẻ của họ là tuổi trẻ một thế hệ người Pháp gắn với những cuộc xuống đường phản đối chiến tranh tại Việt Nam, ngày hôm nay họ lại tiếp tục theo đuổi những giá trị mà họ đã theo đuổi từ nhiều năm - bảo tồn nền độc lập theo nhiều nghĩa của Việt Nam.

Ở Pháp hiện vẫn có nhiều nhà lịch sử quân sự và các sử gia Pháp tiếp tục nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, lý giải về những lý do mà họ thua trong cuộc chiến, phân tích về những chặng đường quyết định sự thắng lợi của dân tộc Việt Nam trong con đường giành độc lập, phải chăng cũng là một cách khẳng định rằng nền độc lập ấy xứng đáng để có.

Xứng đáng để trân trọng.

Soi vào họ, nhìn sự tận tâm và quí mến của họ dành cho đất nước ở xa họ hàng mười mấy ngàn km, sự hiểu về một nền độc lập và cuộc chiến đấu để có độc lập rộng lớn thêm nhiều.

Bà Hélene của tôi đã đúng : Việt Nam có một di sản vô giá mà Hồ Chí Minh và thế hệ đi trước đã tặng lại, đó là nền độc lập.

Độc lập vô giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem