Sau khi Báo NTNN đăng loạt bài về những bất cập của chính sách hạn mức, hạn điền hiện nay và những sửa đổi “chưa tương xứng” của Dự thảo Luật Đất đai, nhiều bạn đọc, nông dân, nhà quản lý... đã gửi các ý kiến chia sẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xoá bỏ hạn điền, hạn mức hoặc ít nhất phải tăng lên nữa để hỗ trợ tam nông phát triển.
Nên linh động trong giao đất
Theo tôi, việc tăng thêm "tuổi thọ" cho việc giao đất nông nghiệp sẽ giúp cho nông dân yên tâm đầu tư. Việc tăng hạn mức giao và nhận chuyển quyền sử dụng đất sẽ giúp người dân có cơ hội, điều kiện làm ăn lớn. Tuy nhiên, luật không nên cứng nhắc mà tùy vào điều kiện ở địa phương, tùy từng đối tượng mà chúng ta có thể giao thêm đất và thời hạn cho thuê đất.
|
Việc tăng hạn mức sẽ giúp người dân có cơ hội, điều kiện làm ăn lớn. (Ảnh minh họa tại Thạch Thất, Hà Nội). |
Ví dụ với một cá nhân, tổ chức có dự án lớn, tốt, khả thi, có khả năng giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều người, thì địa phương nên xem xét để linh động trong việc giao đất. Ngược lại, đối với một người không đủ các điều kiện thì giao đất quá nhiều sẽ có tác dụng ngược. Mấu chốt vấn đề này là luật cần quy thêm trách nhiệm cụ thể đối với cán bộ địa phương để đất đai không bị giao "nhầm", hay dễ dàng cố ý làm trái.
Bà Trần Thị Hương - chủ trang trại sinh thái Ngọc Lan, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Nên giao vĩnh viễn
Thực tế hiện nay sản xuất nông nghiệp, nhất là trang trại đang có nhiều vướng mắc do chính sách hạn mức, hạn điền gây ra. Nên kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp cho nông dân, thậm chí giao đất vĩnh viễn chứ không có thời hạn, nhằm phát triển mạnh về nông nghiệp hơn. Và đặc biệt, cần rút hẹp việc thu hồi đất nông nghiệp để chia lại cho các dự án. Nếu đã thu hồi đất của dân thì áp giá đền bù phải cao, cần đào tạo nghề cho người dân sau khi họ mất đất sản xuất để cuộc sống của họ được cải tiến và phát triển hơn nơi ở cũ.
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Nam
Sẽ làm khó sản xuất lớn
Theo tôi, không nên giới hạn mức cho thuê đất nông nghiệp như trong Luật Đất đai sửa đổi, vì quy định đó chắc chắn sẽ làm cho người dân khó phát triển sản xuất lớn. 3ha hay 5ha đều là nhỏ đối với những người làm ăn bài bản, quy mô lớn. Nếu đơn vị nào có điều kiện quản lý 3ha, 5ha thì dần dần, người ta cũng có nhu cầu và năng lực làm lớn hơn, sao lại hạn chế những người có trình độ quản lý và làm tốt.
Do đó, cần để người làm tự quyết xem họ cần bao nhiêu đất và họ có khả năng quản lý, sinh lời được trên diện tích đất bao nhiêu. Còn về thời hạn 50 năm, theo tôi, trên cương vị người đi thuê thì càng dài càng tốt, nhưng 20 năm, 30 năm cũng là một khoảng thời gian khá dài. Mọi đầu tư trên đó đều có thể khấu hao hết rồi, không sợ vì thời hạn ngắn quá mà người ta không thuê. Thế nhưng, đối với một số loại đất xấu, ít người muốn nhận có thể giao đến 70 năm, 99 năm...
Ông Nguyễn Hồng Hà - chủ trang trại chăn nuôi ở Văn Giang, Hưng Yên
Thời hạn ngắn không ai dám thuê
Theo quy định hiện tại, người dân muốn thuê đất của xã làm trang trại phải ký hợp đồng 5 năm một lần, còn huyện là 30 năm, nhưng từ lâu rồi huyện không mặn mà cấp phép hoặc cấp phép rất ít vì đầu tư trang trại hoặc đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận không cao.
Bản thân tôi chỉ thuê được 20ha từ năm 2003, nhưng với quy định như hiện tại tôi đang gặp nhiều khó khăn. Dù đã đầu tư hơn 20 tỷ vào trang trại, nhưng tôi vẫn muốn đầu tư tiếp để nuôi các vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn và đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, nhưng do chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại và thời hạn giao đất còn mập mờ, nên tôi không dám đầu tư tiếp.
Hầu hết các xã viên của HTX đang đầu tư kiểu chắp vá, tạm thời do không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn tới chăn nuôi không có quy hoạch…
Ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX dịch vụ Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Ông Trịnh Thế Khiết - ĐBQH, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội: Vẫn còn quy định “đóng”
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có nhiều nội dung, quy định phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp và quy luật phát triển. Cụ thể, Dự thảo Luật đã nới thời hạn giao đất từ 20 năm lên 50 năm. Với việc nới rộng hơn thời hạn giao đất, người dân mới yên tâm đầu tư về vốn, khoa học công nghệ, cơ giới hoá, hay nói cách khác sản xuất nông nghiệp mới đi vào chiều sâu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3ha đối với mỗi loại đất. Còn hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân là không quá 10ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng và không quá 30ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi...
Theo tôi, hạn mức giao đất, cho thuê đất, chuyển sử dụng đất nông nghiệp như trong dự thảo của Luật Đất đai sửa đổi vẫn theo hướng "đóng". Luật sửa đổi cần xây dựng theo hướng "mở" đối với hạn mức giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất, nghĩa là khả năng người dân làm được đến đâu thì giao đến đó, làm càng lớn càng tốt. Điều này quyết định đến việc đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ giới hoá, từ đó tạo bước đột phá về chất đối với sản xuất nông nghiệp.
Chúng ta phải hình dung về tương lai dài, lao động trong nông nghiệp, ở nông thôn sẽ rút bớt sang các khu vực kinh tế khác như công nghiệp, dịch vụ... thì việc đưa ra hạn mức giao đất, thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất sẽ hạn chế việc tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp lớn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa...
Phương Đông (ghi)
Nhóm PV- CTV (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.