Nênh nổi phận lục bình

Chủ nhật, ngày 05/06/2011 16:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Lục bình nênh nổi giữa dòng/Khó nghèo mãn kiếp đừng mong phận nhàn", quên mất năm sinh nên tôi chẳng biết giờ bao nhiêu tuổi. Tôi chỉ nhớ câu nhận xét mà một người khách qua đường đã vận cho mình từ thuở thiếu thời.
Bình luận 0

Lớn lên bên mép sông La, ký ức về vùng quê Đức Thọ (Hà Tĩnh) của tôi là những tháng ngày triền miên đói rét, mùa nước nổi nhìn lục bình trôi chạt bờ mà lòng quặn thắt. Nhà có ba chị em, mẹ bị mù bẩm sinh, cha quanh năm đau yếu, là con gái lớn, tôi tự nhận cho mình tất cả mọi trách nhiệm. Thế rồi năm ấy, chỉ trong vòng 4 tháng cả cha và mẹ lần lượt qua đời, bỏ lại mấy chị em bơ vơ giữa căn nhà rách nát.

Mới 7 tuổi, tôi trở thành chỗ dựa, là nơi duy nhất để hai đứa em dại bấu víu. Họ hàng, xóm giềng đều nghèo, dù có thương cũng chẳng giúp được là bao. Chị em tôi mò cua bắt ốc, mót lúa, mót khoai đắp đổi qua ngày. Hai em của tôi dần lớn lên, có cuộc sống riêng, sinh con đẻ cái, yên bề gia thất.

Đến lúc phải lo cho bản thân, tôi gật đầu khăn gói theo người đàn ông đã quan tâm mình từ lâu, những mong cuộc đời sẽ sang trang mới, có được hạnh phúc đơn sơ, nào ngờ...

Sau đêm tân hôn, tôi mới biết rằng trước mình, người chồng đã có tới 3 bà vợ nhưng chưa có con trai nối dõi. Thay vì oán trách chồng, tôi luôn cố gắng để làm trọn cái đạo "vợ hiền, dâu thảo". Nhưng đời vốn oái oăm, lấy nhau 5 năm trời tôi vẫn không sinh được con. Chồng tôi dần chán chường, lạnh nhạt tôi. Nhà chồng cũng ruồng rẫy, nhiếc mắng, tìm mọi cách khiến tôi phải ra đi.

Cái ngày họ đón một phụ nữ mới về làm con dâu thứ 5, tôi trở thành kẻ "tay trắng". Tôi rời ngôi nhà mà một thời ngỡ là mái ấm, bỏ lại sau lưng mọi gièm pha, hắt hủi. Đã đến tuổi chùn chân mỏi gối, nhưng không thể tìm đến nương nhờ trở thành gánh nặng cho gia đình các em, tôi quay về ngôi nhà cũ ven sông.

Rồi như duyên phận tiền định, thông qua một tổ chức từ thiện giới thiệu, tôi được Trung tâm Dưỡng lão và hướng nghiệp Phật Tích ở Bắc Ninh đồng ý đón nhận. Gần hết cuộc đời gắn bó với quê nhà, sống vì những người mình yêu thương, vậy mà lúc tuổi đã xế chiều lại phải như cánh lục bình tha hương, tôi lên tàu ra Bắc mà lòng dạ rối bời. Dù điều kiện ở Trung tâm đầy đủ hơn rất nhiều so với cuộc sống trước đây nhưng mất cả tháng do nhớ nhà, nhớ quê cùng những người thân tôi không ăn, không ngủ được. Biết tin tôi không còn ở quê, các em, các cháu đã gọi điện ra để an ủi, động viên tôi.

Điều khiến tôi hạnh phúc nhất giờ đây là được trông nom, chăm sóc cho những số phận trẻ thơ có hoàn cảnh éo le đang sống tại Trung tâm, coi chúng như con, như cháu ruột thịt của mình. Tôi luôn tâm niệm rằng, dù số phận có khắc nghiệt đến đâu thì mình vẫn luôn may mắn. Chính tâm niệm ấy đã giúp tôi giữ được cân bằng trong tâm hồn để sống lạc quan, thanh thản trong những tháng ngày còn lại...

Bà Bùi Thị Tùng - Trung tâm Dưỡng lão và Hướng nghiệp phát triển Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem