Tác phẩm Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân từng được xếp vào một trong "tứ đại danh tác" của văn học Trung Quốc. Và một trong những nhân vật trung tâm của bộ tiểu thuyết ấy chính là Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không.
Đối với những người hâm mộ tác phẩm "Tây Du Ký",vị sư phụ đầu tiên của Tôn Ngộ Không chính là Bồ Đề tổ sư.
Tôn Ngộ Không (lúc này tự xưng là Mỹ Hầu Vương) đã vượt qua mênh mông biển lớn, sông dài, lang bạt mười mấy năm trời ở Nam Thiệm Bộ Châu, cuối cùng cũng tìm được đến đạo quán của Bồ Đề tổ sư ở Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh.
Bồ Đề tổ sư đã thu nhận Hầu vương và đặt tên là Ngộ Không ("Không" là cảnh giới cao nhất để đạt đến viên mãn, đắc đạo, là hoàn toàn vô niệm. Chỉ khi đạt đến trạng thái "Không" này, người tu luyện mới có thể thực sự trở về với chân ngã và bản nguyên cao quý của chính mình), dạy cho các việc giảng kinh làm đạo, nói năng lễ phép đến quét sân cuốc vườn, tỉa lá vun hoa, gánh nước kiếm củi.
Đến khi tổ sư lần lượt kể ra mấy đạo thuật như các môn chữ thuật, lưu, tĩnh, động thì Ngộ Không lại lắc đầu quầy quậy, cứ nhất nhất đòi học bằng được phép sống lâu màu nhiệm, trường sinh.
Phát hiện được căn cơ của Tôn Ngộ Không, Bồ Đề tổ sư đã truyền dạy đạo pháp trường sinh cùng 72 phép biến hóa (Thất thập nhị huyền công - Địa Sát). Ngộ Không được trường sinh bất lão, có phép đổi hình, có thể bay lộn trên mây (Cân đẩu vân), lộn một vòng bay được 10 vạn 8 ngàn dặm.
Trong tiểu thuyết có đoạn Ngộ Không vì muốn khoe khoang tài năng nên đã hóa thành cây tùng trước lời đề nghị của bạn đồng học. Sau đó, Bồ Đề tổ sư đã đuổi Ngộ Không ra khỏi sư môn.
Sau khi bị đuổi, Ngộ Không về Hoa Quả Sơn làm vua và kết bái huynh đệ với yêu tinh khắp nơi. Tôn Ngộ Không còn đi xuống Đông hải lấy Như Ý Kim Cô Bổng (Định Hải Thần Châm) và một bộ khuê giáp. Sau đó Tôn Ngộ Không bị Hắc Bạch Vô Thường bắt xuống âm phủ, vì quá tức giận nên đã đại náo âm phủ, xóa hết sổ sinh tử của loài khỉ.
Thiên đình sợ Ngộ Không làm càn nên đã cử Thái Bạch Kim Tinh tới chiêu an làm Bật Mã Ôn. Khi biết được là một chức quan nhỏ, Ngộ Không bỏ xuống trần gian và xưng Tề Thiên Đại Thánh. Thiên đình sai Lý Thiên Vương cùng Na Tra và Cự Linh Thần đến bắt nhưng bị Tôn Ngộ Không đánh bại. Tôn Ngộ Không được Ngọc Hoàng mời lên thiên đình phong là Tề Thiên Đại Thánh, mục đích giao cho chức vụ cai quản vườn đào để dễ điều khiển Tôn Ngộ Không hơn. Tuy nhiên, Ngộ Không tính nào tật nấy, sau khi không được mời dự tiệc, đã ăn quả đào Trường Thọ và uống những viên thuốc trường sinh bất tử của Thái Thượng Lão Quân.
Thiên đình đành phải tìm cách khống chế Ngộ Không. Thế nhưng, Tứ Đại Thiên Vương và 10 vạn thiên binh thiên tướng cũng như Nhị Lang Thần cũng không làm gì được Tôn Ngộ Không. Thái Thượng Lão Quân dùng Kim Cang Trát đánh sau lưng Tôn Ngộ Không mới bắt được. Sau đó, thiên đình dùng mọi cách hành hình Ngộ Không đều không được. Thậm chí, họ còn khiến Tôn Ngộ Không nổi giận đại náo thiên cung.
Đến đường cùng, thiên đình đành phải xin Như Lai Phật Tổ tới giúp. Phật đánh cuộc với Ngộ Không rằng Ngộ Không sẽ không thể thoát khỏi lòng bàn tay của Phật được, nếu Phật thua thì xin dâng cả Thiên giới cho Ngộ Không. Ngộ Không tự tin nên đã đồng ý nhưng không ngờ lại thua và bị nhốt dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm.
Duyên kỳ ngộ của Tôn Ngộ Không
Qua đây có thể thấy, Ngộ Không tuy biết nhiều phép thuật vẫn chỉ đứng dưới trướng của Ngọc Hoàng và Như Lai Phật Tổ. Tuy nhiên, trong một topic tranh luận trên diễn đàn của Sina, nhiều ý kiến cho rằng trước khi Tôn Ngộ Không gặp Bồ Đề tổ sư, hắn đã từng gặp được một vị tiên nhân vô cùng cường đại. Nếu Ngộ Không tôn người này làm thầy thì thực lực mạnh hơn Như Lai Phật Tổ nhiều. Vậy vị thần tiên đó là ai?
Đó chính là người tiều phu mà Tôn Ngộ Không gặp trước khi trở thành đệ tử của Bồ Đề tổ sư. Trong Tây Du ký, Tôn Ngộ Không từng gặp người tiều phu này 3 lần. Lần đầu tiên chính là chỉ cho Tôn Ngộ Không đến núi Linh Đài Phương Thốn để gặp Bồ Đề Tổ Sư học phép thuật khi hắn bị lạc giữa núi.
Lần gặp thứ hai là lúc Tôn Ngộ Không đang trên đường đi lấy kinh. Khi bốn vị sư đồ lạc đường ở Bình Đỉnh Sơn, lúc này tiều phu đột nhiên xuất hiện, Tôn Ngộ Không hỏi đường, tiều phu chỉ đường sau đó biến mất.
Lần thứ 3, khi thầy trò Đường Tăng đến Hỏa Diệm Sơn, người tiều phu lại xuất hiện và chỉ đường cho Tôn Ngộ Không, nói rằng phía trước có núi Thúy Vân không xa, phía trên có một hang động. Ở đó có bà La Sát sở hữu quạt ba tiêu có thể dập tắt được lửa của núi Hỏa Diệm.
Người tiều phu này luôn xuất hiện khi Tôn Ngộ Không cần và dường như ngài chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn hắn mà thôi. Bởi người tiều phu thực chất không phải người thường mà ngài là Bàn Cổ - Vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ theo văn hóa dân gian Trung Hoa.
Theo Tam Ngũ Lịch Kỷ', thiên địa vạn vật hỗn độn giống như trong quả trứng gà, Bàn Cổ được sinh ra từ trong đó, một vạn tám ngàn tuổi, khai mở Thiên Địa, khí dương trong là Trời, khí âm đục là Đất. Có nghĩa là trước khi Trời Đất hình thành, khi vũ trụ vẫn là hỗn mang, Bàn Cổ được sinh ra.
Sau đó, vào một ngày kia, Bàn Cổ tay phải cầm rìu tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần. Thuở đó Trời Đất còn mờ mịt. Ngài ước cho phân biệt Trời Đất thì nhân vật mới hóa sinh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang, Thiên thanh, Địa minh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả.
Ngài liền chỉ Trời là Cha, chỉ Đất là Mẹ, muôn dân là con. Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên cũng gọi Ngài là Thái Thượng Đạo Quân. Ngài tự xưng là Thiên tử, tức là con Trời, cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi Ngài là Hỗn Độn thị. Tương truyền, Bàn Cổ có ba người con là Phục Hy, Nữ Oa, và Hoa Tư. Nữ Oa là vị thần đã tạo ra con người.
Từ đây, ta có thể thấy địa vị của Bàn Cổ còn vượt qua cả Tam giới. Sức mạnh của Bàn Cổ là tập hợp tinh hoa của mặt trời và mặt trăng giữa trời và đất, đương nhiên vượt qua cả Ngọc Hoàng và Như Lai Phật Tổ.
Đáng tiếc, Tôn Ngộ Không khi đó cảm nhận được người tiều phu nọ có khí chất khác thường nhưng do chưa có phép thuật nên không thể biết được đây chính là một hóa thân của Bàn Cổ. Nếu Ngộ Không sớm ngộ ra và bái người tiều phu nọ làm sư phụ thì có lẽ thực lực của hắn sẽ rất lớn. Thậm chí, Như Lai Phật Tổ cũng chưa chắc là đối thủ của Tôn Ngộ Không.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.