Nga cảnh báo "bơm" vũ khí cho Ukraine là đe dọa an ninh châu Âu

Lê Phương (Reuters; RT) Thứ sáu, ngày 29/04/2022 10:34 AM (GMT+7)
Hôm 28/4, Điện Kremlin cảnh báo rằng những hành động của Anh có thể đe dọa đến an ninh châu Âu. Cùng ngày, giám đốc tình báo Nga cáo buộc Mỹ và Ba Lan đang cố giành thêm ảnh hưởng ở Ukraine.
Bình luận 0

Điện Kremlin cáo buộc Anh 'đe dọa' an ninh châu Âu

Nga cảnh báo "bơm" vũ khí cho Ukraine là đe dọa an ninh châu Âu - Ảnh 1.

Người phát ngôn ngữ Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo những hành động của Anh có thể gây ảnh hưởng đến an ninh châu Âu. Ảnh: Getty

Hôm 28/4, người phát ngôn ngữ Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Anh rằng với việc "bơm" vũ khí cho Ukraine, London đang phá hoại an ninh châu Âu. Trả lời phóng viên qua điện thoại, ông nói: "Xu hướng cung cấp vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạng nặng vào Ukraine cũng như các nước khác chắc chắn sẽ đe dọa an ninh và gây bất ổn trên toàn lục địa châu Âu".

Nhận xét được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss thúc giục các quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine "vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay", đồng thời củng cố khả năng phòng thủ của Moldova và Georgia.

Hôm 27/4, trong bài phát biểu hàng năm về chính sách đối ngoại, bà Truss tuyên bố "những cơ chế được thiết kế để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng đã không giúp được Ukraine", ngoài ra "những cấu trúc kinh tế và an ninh được phát triển sau Chiến tranh thế giới thứ hai và Chiến tranh lạnh" đã bị "bẻ cong".

Bà gợi ý điều này sẽ đòi hỏi một "cách tiếp cận mới" nhằm mục đích tạo ra "các liên minh toàn cầu mạnh mẽ hơn". Ngoại trưởng kêu gọi "các quốc gia tự do" hãy "quyết đoán và tự tin hơn", bên cạnh đó xây dựng chiến lược của riêng mình để phục vụ cho mục tiêu chung.

Bà Truss nhấn mạnh "cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến của tất cả", và chiến thắng của Kiev sẽ tỏ rõ "sức mạnh chiến lược" của Anh và các đồng minh. Bà tiếp tục kêu gọi cung cấp "vũ khí hạng nặng, xe tăng, máy bay" cho Ukraine, đồng thời nói thêm rằng "chúng ta cần phải làm tất cả những điều này".

"Ngoài ra, phương Tây phải đảm bảo rằng cùng với Ukraine, các nước Tây Balkan và Moldova, Georgia có khả năng phục hồi, duy trì chủ quyền và tự do của họ", bà Truss nói.

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Anh, NATO nên tiếp nhận Phần Lan và Thụy Điển "càng sớm càng tốt".

Đáp lại các cảnh báo trước đây của Nga, bà Truss đã mô tả Anh là một "đất nước chấp nhận rủi ro", "luôn đứng ra chống lại những kẻ bắt nạt" và "luôn can đảm, chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống".

 Cho đến giờ nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn né tránh lên tiếng về việc cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine vì lo ngại động thái này có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ khi Nga bị chọc giận. Song theo Ngoại trưởng Anh, nếu phương Tây không hành động, hậu quả còn tệ hơn thế.

Trước đây, Moscow từng nhiều lần lên tiếng phản đối việc NATO giao vũ khí cho Ukraine. Nga khẳng định rằng động thái này chỉ cản trở triển vọng hòa bình giữa hai bên. Điện Kremlin cũng nói rõ bất kỳ chuyến giao hàng khí tài quân sự nào vào Ukraine cũng sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp của Moscow.

Giám đốc gián điệp Nga cảnh báo Mỹ, Ba Lan âm mưu chia cắt Ukraine

Giám đốc gián điệp Nga cáo buộc Mỹ, Ba Lan âm mưu chia cắt Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) tham dự một cuộc họp báo chung với Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda, Tổng thống Latvia Egils Levits và Tổng thống Estonia Alar Karis (không có trong ảnh), tại Kiev, Ukraine ngày 13/4/2022. Ảnh: Reuters

Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Nga (SVR), trích dẫn thông tin tình báo chưa được công bố, cáo buộc Mỹ và Ba Lan đang âm mưu khôi phục quyền kiểm soát của Warsaw đối với một phần phía tây Ukraine.

"Theo thông tin tình báo mà Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga nhận được, Washington và Warsaw đang thực hiện các kế hoạch thiết lập quyền kiểm soát quân sự và chính trị chặt chẽ của Ba Lan đối với một số tài sản lịch sử của nước này ở Ukraine", ông Naryshkin nói trong một tuyên bố được SVR trích dẫn.

Ba Lan bác bỏ tuyên bố và nói rằng đó là thông tin sai lệch do Moscow phát tán.

Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của Cơ quan an ninh nội địa Ba Lan cho biết: "Vài năm nay, Nga luôn dựng lên rằng Ba Lan có kế hoạch tấn công miền tây Ukraine. Mục đích tuyên truyền của Moscow là thúc đẩy sự ngờ vực giữa Ukraine và Ba Lan, phá hoại hợp tác PL-UA".

Ba Lan từng cai trị một số vùng lãnh thổ, hiện là một phần của Ukraine, vào những thời điểm khác nhau trong quá khứ, gần đây nhất là giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Miền Tây Ukraine, bao gồm cả thành phố Lviv, đã được nhập vào Liên Xô vào cuối Thế chiến thứ hai.

SVR cho biết Mỹ đang thảo luận với Ba Lan về một kế hoạch mà theo đó, các lực lượng "gìn giữ hòa bình" của Ba Lan không có sự ủy nhiệm của NATO sẽ tiến vào các khu vực phía tây Ukraine.

SVR không công bố bằng chứng và Reuters không thể xác minh cáo buộc này.

Ba Lan là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất trong cuộc xung đột với Nga, Warsaw cung cấp vũ khí qua biên giới và tiếp nhận khoảng 3 triệu người tị nạn Ukraine.

Hôm 28/4, một nhà lập pháp cấp cao của Nga, Thượng nghị sĩ Andrei Klimov, Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang, cũng tỏ ra đồng ý kiến với Naryshkin, nói rằng Ba Lan đang có kế hoạch thiết lập quyền kiểm soát đối với một phần lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cho tuyên bố.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem