Nga thành thuốc thử cho ảo tưởng của Anh

Thứ tư, ngày 28/03/2018 18:30 PM (GMT+7)
Giới phân tích Anh coi vụ Skripal là cơ hội để thể hiện vai trò lãnh đạo phương Tây khi Mỹ lơ là còn Đức và Pháp thì thiếu cương quyết.
Bình luận 0

Tham vọng toàn cầu

Một trong những tuyên bố của Thủ tướng Theresa May và Chính phủ Anh về Brexit là sau khi ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh sẽ có điều kiện để tự do phát triển tương xứng với tiềm năng của mình bằng cách chủ động mở rộng quan hệ với những nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Đây cũng chính là nội dung chủ đạo của chính sách đối ngoại hậu Brexit được Chính phủ Anh đưa ra với tên gọi “Nước Anh toàn cầu.”

Hiện chưa có văn kiện chính thức nào giải thích đầy đủ khái niệm "Nước Anh toàn cầu" nhưng có thể thấy đây là một ý tưởng mơ hồ và có phần ảo tưởng của London. Anh không chỉ đang phụ thuộc vào chính sách của Mỹ, Anh thậm chí đang phải "lấy lòng" một cường quốc đang lên như Trung Quốc.

img

Hồi tháng 7.2016, Thủ tướng Anh Theresa May thậm chí đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân với Nga

Theo tờ Financial Times, quan hệ giữa Anh với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ là phép thử lớn nhất đối với chiến lược “Nước Anh toàn cầu”.

Cũng giống như Nhật Bản, giới lãnh đạo chính trị và kinh tế của Trung Quốc được cho là không ủng hộ quyết định rời khỏi EU của Anh, vì Trung Quốc vẫn luôn xem Anh là một cửa ngõ tiện lợi để thâm nhập thị trường chung châu Âu nhiều tiềm năng.

Nếu Anh đứng ngoài thị trường chung và liên minh thuế quan của EU sau Brexit, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ xem xét lại chính sách đầu tư và thương mại vào Châu Âu của mình.

Hiện tại Anh là nước nhận đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) lớn nhất của Trung Quốc ở EU. Tuy nhiên, thực tế này nhiều khả năng sẽ sớm thay đổi trong trường hợp Trung Quốc nhận thấy sức “hấp dẫn” của Anh không còn như trước do việc tiếp cận thị trường EU từ Anh trở nên khó khăn hơn.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Oxford (Anh) Rana Mitter cho rằng Brexit “cứng” (việc Anh không còn tham gia vào thị trường chung và liên minh hải quan của EU) sẽ khiến Anh gặp bất lợi trong quá trình đàm phán một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với Trung Quốc, do không còn giữ được vị thế của một đối tác bình đẳng.

Năm 2016, xuất khẩu của Trung Quốc vào Anh trị giá 42,3 tỷ bảng Anh. Xuất khẩu của Anh vào Trung Quốc trị giá 16,8 tỷ bảng. Trung Quốc hiện là đối tác nhập khẩu lớn thứ tư và là đối tác xuất khẩu lớn thứ tám của Anh. Quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đã tăng mạnh từ năm 1999, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển.

img
Anh đã bất chấp cả đồng minh Mỹ để gia nhập AIIB

Chuyên gia Andrew Cottey, hiện đang làm việc tại Đại học College Cork (Ireland), cũng cho rằng Brexit có thể lấy mất của Anh những “quân bài tốt nhất” trong đàm phán thương mại với Trung Quốc sau khi nước này rời EU.

Theo ông, trừ khi Anh chấp nhận nhượng bộ, nếu không sẽ có rất ít khả năng Trung Quốc dành cho Anh một thỏa thuận thương mại tốt hơn những gì Trung Quốc có thể đưa ra mời chào EU, hay Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi đó, Anh sẽ phải chấp nhận trả giá nếu muốn nhượng bộ Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng áp lực đối với Bắc Kinh trong vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ.

Mỹ chắc chắn sẽ không hài lòng trước bất kỳ ý định nào của Anh muốn lợi dụng sự bất đồng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc để lôi kéo Trung Quốc về phía mình bằng những điều khoản thương mại thuận lợi hơn.

Chính quyền trước của Mỹ cũng đã tỏ thái độ về việc Anh tìm cách “ve vãn” Trung Quốc. Năm 2015, Chính quyền Barack Obama đã chỉ trích Anh “thường xuyên lấy lòng” Trung Quốc, sau khi London quay lưng lại với các đồng minh của mình và trở thành nước phương Tây đầu tiên tham gia sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc.

London cũng cần hết sức thận trọng với thái độ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Khi Thủ tưởng May tới thăm Bắc Kinh đầu năm nay, Tân Hoa Xã đã đăng một bài xã luận, trong đó chỉ trích Thủ tướng Anh vì đã trì hoãn thông qua dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point, một dự án năng lượng của Anh bằng đầu tư của Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc gọi hành động này của Thủ tướng Anh là minh chứng cho “bệnh sợ Trung Quốc” và cho rằng điều này “không chỉ có hại cho quan hệ Trung Quốc–Anh, mà còn bôi xấu hình ảnh về một ‘Nước Anh toàn cầu’ được Chính phủ Anh đưa ra”.

Lấy Nga làm thuốc thử?

Liên quan tới vụ Skripal, chính giới phân tích Anh cho rằng đây là cơ hội để nước này thể hiện vai trò lãnh đạo phương Tây khi Mỹ tỏ ra lơ là còn Đức và Pháp thì tỏ ra thiếu cương quyết.

Người Anh coi vụ Skripal là cuộc khủng hoảng chính sách ngoại giao lớn nhất kể từ tranh chấp Falkland với Argentina. Giới chức Anh không chỉ kêu gọi các đồng minh hiệp lực chống lại Nga về mặt ngoại giao mà còn đòi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần phải đáp trả.

Giới phân tích Anh cho rằng ưu tiên hàng đầu của London là ngăn chặn các cuộc tấn công khác nhằm vào nước Anh và công dân của mình, tích cực phối hợp với các quốc gia khác trong việc đảm bảo an ninh.

Bởi vậy, London phải có các biện pháp cứng rắn, cả công khai và bí mật. Các biện pháp công khai có thể kể đến như trừng phạt các nhân vật chính trị cùng các cá nhân và tổ chức hậu thuẫn ông Tổng thống Nga Putin, cũng như những người Nga đang sống tại Anh như không có chứng minh tài sản và nhân thân rõ ràng.

img

Binh sĩ Anh tham gia duyệt binh Ngày Chiến thắng 9.5.2010 trên Quảng trường Đỏ

Tiếp theo đó là Anh cần kêu gọi các đồng minh trong NATO và EU nhanh chóng có các phản ứng tập thể và đề ra các “ranh giới đỏ”; vận dụng các hiệp ước vũ khí quốc tế và hiến chương LHQ để "răn đe" Nga.

London cũng cần phải có những phòng bị trong trường hợp tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu. Cụ thể, Anh phải nâng cấp hệ thống cảnh báo, tình báo, nâng cấp năng lực phản ứng quân sự và dân sự, tập trung phát triển các loại vũ khí phi truyền thống, củng cố an ninh mạng, kỹ thuật số và các chiến dịch thông tin.

Bên cạnh công tác quốc phòng, Anh có vai trò lãnh đạo lớn trong việc giúp phương Tây, và nhất là NATO, phát triển một chiến lược toàn diện và có những phản ứng mang tính tập thể.

Giới phân tích Anh cũng đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng và tích cực đầu tư cho việc phát triển các quyền lực mềm. Giới hoạch định chiến lược đã nhắc đến “chiến tranh thông tin và văn hóa toàn diện”, bởi vậy, đây rất có thể sẽ trở thành một mặt trận quan trọng và có nhiều ảnh hưởng trong thời gian tới.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga được người Anh coi là cơ hội để Thủ tướng Anh Theresa May tỏ ra cứng rắn và cương quyết hơn, để Anh đảm nhận vị thế tiên phong tại châu Âu.

Giới phân tích Anh tin rằng dù việc cắt giảm ngân sách quân sự là sai lầm song Anh vẫn là cường quốc châu Âu hàng đầu của NATO và hầu hết các đồng minh châu Âu đều trông chờ vào Anh trong những thời khắc khó khăn…

img

Anh tự tin vào vai trò lãnh đạo phương Tây

Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các Vấn đề Quốc tế (Chatham House) cũng cho rằng vụ Skripal là phép thử đối với Anh. Theo đó, điều mà Nga muốn nói với Chính phủ Anh là họ cho rằng Anh yếu kém và không tôn trọng Anh.

Giới phân tích Anh cũng thừa nhận rằng trong những năm gần đây, nhiều Chính phủ Anh đã tỏ ra yếu kém trước Nga, thể hiện ở 4 điểm cụ thể:

Thứ nhất, việc điều tra đối với cái chết của cựu điệp viên Litvinenko hồi năm 2006 cho thấy Anh đã không quyết liệt làm đến cùng đối với Nga vì lo ngại làm ảnh hưởng đến những nỗ lực nhằm tái xây dựng mối quan hệ với Nga.

Thứ hai, Nga đã đánh giá Chiến lược An ninh và Quốc phòng (SDSR) năm 2010 của Anh như là sự "nhường ngôi" vai trò sức mạnh to lớn của Anh. Theo đó, sự giảm đáng kể năng lực chiến đấu và do thám hàng hải tại vùng Biển Bắc của Anh khiến năng lực của Anh bị coi là không còn đáng tin cậy nữa.

Báo cáo đánh giá SDSR năm 2015 sau đó đã bù đắp, chỉnh sửa lại nhiều chỗ yếu trong khả năng quốc phòng của Anh, nhưng hầu như đã không hề tính đến yếu tố Nga.

Thứ ba, Chính phủ của Thủ tướng David Cameron đã lựa chọn không tham gia "Tiến trình Minsk" giữa Nga - Ukraine mà để lại việc này cho Pháp và Đức. Anh giao tiếp nhiều và có hiệu quả với Nga, do vậy Ukraine trở thành kém ưu tiên hơn. Mặc dù những nỗ lực tư vấn quốc phòng của Anh cho Ukraine được nước này đánh giá cao, song Nga không còn coi Anh là nước tham gia có vai trò to lớn ở Ukraine.

Thứ tư, đó là Brexit khiến Nga đánh giá thấp vai trò của Anh.

Đông Triều (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem