Ngân hàng khắt khe, ta đi... vay tiền bà Chúa

Thứ bảy, ngày 23/02/2013 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi tình hình “nợ xấu” tăng lên, chuyện vay tiền ngân hàng trở nên cực kỳ khắt khe thì vẫn có một nơi cho bà con nhà mình vay tiền thoải mái: Đền Bà Chúa Kho!
Bình luận 0

Nhưng đến đây vay tiền thì thấy cũng còn thấy nhiêu khê hơn cả vay tiền của Ngân hàng Nhà nước.

Thảo những nét... gà bay!

Đầu năm vay tiền, cuối năm trả tiền, đã thành lệ, năm nào đền Bà Chúa Kho đất Kinh Bắc ở phường Vũ Ninh (TP. Bắc Ninh) cũng nhận đến cho mình nô nức những người đi vay nợ. Cả năm mới có một vụ làm ăn, già, trẻ, khoẻ yếu đều ra cửa đền làm việc, đều ra tiền, ra lộc cả. Vào cái thời mà bàn phím máy tính khiến con người ta nhiều khi viết chữ Quốc ngữ còn ngượng tay mà Vũ Ninh còn giữ lại được nhiều người biết chữ Nho, chữ Hán thì thật đáng nể (!?).

Bỏ qua khu vực ngoài đường 1 cũ, chỉ cần tính ở địa phận sát cổng đền, có tới gần trăm nơi viết sớ thuê - đều là dân địa phương cả đấy (người ngoài thì đừng hòng có chỗ). Năm ngoái, bà dì tôi đi xin lộc đền Bà Chúa Kho cầm ngay về một lá sớ. Hóa ra không biết chữ, mấy ông đồ Bà Chúa Kho lấy luôn bài thơ của Bác trong tập “Ngục trung nhật ký” ra chép vào.

img
Đền Bà Chúa Kho giờ này nườm nượp người đến vay tiền.

Các thầy viết sớ thuê ở đây thật muôn hình vạn trạng: Nằm, quỳ, bò, ngồi trong các gian hàng, các thầy viết sớ thuê rong cũng vô khối. Một vị đập nhẹ cái mũ cối vào lưng tôi: “Viết sớ không?” – “Giá!” – “Sớ viết sẵn chỉ cần điền tên thì 10.000 đồng - sớ, “viết tươi thì 25.000 đồng” - “Viết tươi lâu không” – “Một tẹo!”. Thầy trạc ngoài 40, mặc áo da có những cái khoá, móc xích to tướng ngồi xổm gần ngay cổng đền kê tờ giấy hồng đầy hoa văn lên chiếc cặp mang theo người thảo những nét chữ mà mỗi lần “khất bút” nó còn khiến người thầy lắc lư.

Khi tờ 50.000 đồng chui gọn vào túi thầy vì thầy bảo không có tiền lẻ thì câu chuyện cũng cởi mở hơn: “Thầy dân ở đây à?” – “Dân ở ngoài vào đây “nó” đánh tan xác” – “Thầy học cái món chữ loằng ngoằng này ở đâu?” - “Gia truyền!?” – “Dân mình ở đây nhiều người biết chữ cổ nhỉ?” – “Chữ nghĩa gì? Trước ở đây chỉ có mấy anh em nhà tớ với lại mấy cụ già làm món này thôi. Bọn chúng nó học mót rồi ra đây kiếm ăn, bọn ấy nhiều lúc còn phải hỏi tớ những chữ khó ấy chứ, chữ khó quá, chúng nó tương bậy, tương bạ vào sớ ngay, thất đức lắm! Làm nghề này, cái tâm mới là quan trọng! Này! Lần sau đi đông đến tớ viết sớ cho, nhiều người thì giá rẻ thôi! Tớ hay ngồi ở gốc cây đại to này này”.

Nói xong, ông đồ áo da hối hả sang can hai ông đồ khác đang chuẩn bị đánh nhau vì… giành khách.

Huyền thoại huyễn hoặc

“Vào đây con! Thằng này “ấn đường” sáng trưng thế này mà được Bà thương thì Vương Khải – Thạch Sùng còn kém xa! Để u sắp lễ cho! Gớm đầu năm ngoái u sắp lễ cho một thằng sinh viên thất nghiệp thế mà cuối năm nó đi ô tô đen bóng về tạ ơn Bà, cảm ơn u đấy!” - bà chủ cửa hàng sắp lễ thuê Hoàng Lợi (nằm trong khoảng 300 hàng bán lễ, sắp lễ nơi đây) xởi lởi. Tôi hỏi: “Lễ bao nhiêu?” - “Bình dân thôi! 50.000 đồng! Đưa u 200.000 đồng” - “Sao lại nhiều thế” - “Mỗi lễ 50.000 đồng, bình thường thì đặt ở 3 ban thờ là 150.000 đồng, con cũng phải cho thằng con nhà u 50.000 đồng để nó đội lễ hộ chứ, việc ấy con không quen, chưa đến chỗ Bà đã đổ hết rồi, mà có đến nơi cũng không có chỗ đặt mâm. Thằng con cô nó có số hầu Bà, hầu Ngài, nó đội cho là nhất”.

Cu cậu “làm tướng tiên phong” của tôi tên Hướng vốn cũng đã có giao tình từ trước. Nháy mắt, Hướng kéo tôi ra xa, chỉ vào mấy mâm lễ rơi đầy tàn hương, cậu thì thào: “Lễ quay vòng đấy anh ạ! Từ sáng đến giờ cái mâm này em đội ra đội vào hơn chục lần rồi. Mẹ con gì với cái con mụ này! Mụ ấy là dân ở đây! Bọn dân ở đây đội lễ thuê, nó mới được ăn cả 50.000 đồng, còn em làm thuê cho nó, nó chỉ cho 20.000 đồng thôi”.

Ông Lê Viết Nga - nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Bắc Ninh vẫn còn thắc mắc: “Cũng lạ! Tại sao người dân lại về vay tiền ở đền Bà Chúa Kho nhiều đến thế! Không có tài liệu sử nào chứng minh là có một Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh cả? Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đang nghiêng theo giả thiết: Đền thờ tại Vũ Ninh là thờ bà Chúa nghề gốm (quê gốm Thổ Hà) đặt trên núi Kho: Gọi là núi Kho vì vùng ấy hay lũ lụt, mỗi lần lũ lụt, người dân đều mang của cải cất giấu trên ngọn núi này!”.

Nghe đến những huyền thoại được người Vũ Ninh sáng tác (chắc chỉ trong thời gian gần đây và ghi trên cuốn lịch sử của đền hẳn hoi) về truyền thuyết bà Chúa giúp nhà Lý đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt, ông Nga cho biết: “Vị trí đền thờ ở đâu? Có phải là sát bờ sông, trên phòng tuyến Như Nguyệt và cách quân địch chỉ một con sông không? Không cần nói đến danh tướng kiệt xuất như Lý Thường Kiệt mà bất cứ người lính bình thường nhất cũng đều biết là chìa cái dạ dày của mình (tức kho lương) ra trước mặt địch quân là một đại hoạ”.

Theo kiến thức quân sự thời cổ, kho lương bao giờ cũng phải nằm cách chiến tuyến ít nhất 3 xá (mỗi xá 15 dặm (Trung Quốc) là 7,5 km, tức là phải cách chiến tuyến hơn 20km).

Huyền thoại hay sự huyễn hoặc! Không cần biết, ngọn lửa ở nơi hóa vàng đền Bà Chúa Kho cứ ngụn ngùn suốt từ trước tết đến giờ đủ biết dân ta còn tin Bà lắm. Và những người dân ở Vũ Ninh vẫn tiếp tục được ăn lộc của Bà. Mà đây là lộc thật!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem