Ngang nhiên vào khu bảo tồn, đốn hạ gỗ quý

Thứ ba, ngày 15/02/2011 17:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong những ngày qua, một nhóm người đã ngang nhiên vào Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) đốn hạ gỗ quý.
Bình luận 0

Qua mặt cơ quan chức năng?

Giữa tháng 2-2011, tại hiện trường, PV NTNN ghi nhận một khoảnh rừng rộng hơn 1.000m2 đã bị đốn hạ gần như sạch sẽ. Xung quanh ngổn ngang cây lớn, cây nhỏ chất thành đống, chờ đem đi tiêu thụ…

Vị trí rừng cây bị đốn nằm ngay trục đường chính dẫn vào khu hành chính của Khu bảo tồn. Một nhóm khoảng 4 người, có cả phụ nữ, đang hì hục chặt, đốn… Một nguồn tin tin cậy của NTNN từ Khu bảo tồn cho biết, theo dự kiến sẽ có khoảng 100 cây lớn trên 10 năm tuổi sẽ bị đốn hạ trong đợt này…

img
Nhiều cây trên 19 năm tuổi bị chặt phá.

Cũng theo nguồn tin của NTNN, số cây bị đốn hạ sẽ được bán cho một người gọi là “thầu Mười Hai” ở TX.Ngã Bảy (Hậu Giang). Trong khi đó, một nguồn tin cũng cho biết, trước đó Ban giám đốc Khu bảo tồn có trình công văn xin khai thác một số cây gỗ loại lớn để “đóng bàn ghế” cho mục đích hoạt động của trụ sở hành chính (?) và đã được Sở NN&PTNT Hậu Giang phê duyệt.

Như vậy, đây có thể là động tác nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng của một nhóm cán bộ quản lý Khu bảo tồn này để tiến hành việc khai thác rừng.

Ngay thời điểm chúng tôi ghi hình hiện trường vụ việc, một nhóm 3 người đứng ra cản đầu xe và không cho chúng tôi chụp hình. Một người to cao, cởi trần lớn tiếng nạt nộ:

-“Mấy ông là ai? Vô đây muốn chụp hình là chụp hả?...”. Chúng tôi trả lời: “Chúng tôi là nhà báo đang tác nghiệp…”, thì anh ta tiếp tục dang tay ngăn cản và gằn giọng:

-“Không được chụp ở đây…”.

Xử lý chậm chạp…

Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có giá trị đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái đất ngập nước ngọt ở ĐBSCL và duy trì lượng nước ngọt đủ lớn để chống xâm mặn cho các tỉnh Tây và Nam sông Hậu.

Xin nhắc lại, liên tiếp từ năm 2008 đến nay, năm nào ở Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng cũng diễn ra nạn phá rừng và khai thác rừng trái phép. Có những vụ số lượng đốn hạ trên diện tích hàng trăm ha, thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Trong khi đó, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (từ năm 1999), đây là khu rừng đặc dụng nằm trong hệ thống rừng đặc dụng cần bảo tồn ở Việt Nam. Về phía tỉnh Hậu Giang, mặc dù tiếp nhận nhiều thông tin tố cáo, thông tin chứng cứ của báo chí phản ánh… nhưng vẫn chỉ giải quyết rất hình thức.

Trong đó, đáng nói nhất là quyết định xử phạt hành chính Ban giám đốc Khu bảo tồn hơn 90 triệu đồng về hành vi khai thác trái phép… nhưng đã hơn 2 năm nay Ban giám đốc này vẫn không thực hiện!

Đáng buồn là dù được phân loại “rừng đặc dụng cấp quốc gia” (do tỉnh quản lý - PV), nhưng từ năm 2003 đến nay, Khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng vẫn trong tình trạng bị Bộ NN&PTNT và các cơ quan chức năng Trung ương… bỏ rơi(!).

Theo thống kê chưa đầy đủ từ cơ quan kiểm lâm, từ năm 1999 đến nay, hơn 50% diện tích rừng đã giảm trữ lượng và hơn 30% khác cũng trở thành “rừng nghèo” vì nạn khai thác bừa bãi, bất chấp pháp luật. Cùng với đó là một lượng lớn các hộ di dân đã kéo vào khu vực này khai hoang, phá đất, trồng trọt và sinh sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem