Ngành tôm cũng cần... cánh đồng mẫu lớn

Thứ sáu, ngày 11/01/2013 07:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhiều chuyên gia cho rằng, để cứu vãn ngành tôm, cần thiết phải làm những cánh đồng tôm lớn như bên ngành lúa gạo.
Bình luận 0

Mất khả năng cạnh tranh

Năm 2012, người nuôi tôm trên cả nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng trên diện rộng khi có tới hơn 100.000ha nuôi tôm bị thiệt hại do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS). Bên cạnh đó, rào cản kháng sinh Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và mới đây là Hàn Quốc đã dẫn đến việc thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu tôm sạch để chế biến xuất khẩu. Giá tôm nguyên liệu trong nước theo đó cũng tăng cao bất thường.

img
Ảnh minh hoạ

Để có tôm xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) phải tốn rất nhiều chi phí cho công tác kiểm nghiệm. Hiện mỗi lô tôm VN xuất khẩu sang Nhật phải chịu đến 6 lần kiểm tra kháng sinh từ lúc tôm nguyên liệu còn ở dưới ao cho đến lúc thành phẩm đóng thùng qua tận Nhật Bản. Chi phí kiểm tra Ethoxyquin cho mỗi lô container tôm có lúc lên đến 10 triệu đồng. Đồng thời thời gian xuất khẩu, lưu kho để kiểm tra cũng tăng lên gấp đôi. Giá thành theo đó cũng "đội" lên gấp mấy lần.

Ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, cho biết giá tôm nguyên liệu trong nước đang cao hơn từ 30 - 40% so với tôm của Ấn Độ, Ecuador; cao hơn 15% so với Indonesia và 10% so với tôm Thái Lan. Tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam (VN) cũng đạt chỉ 30 - 40% trong khi ở Thái Lan là 70 - 80%.

Mặc dù các DN đã nỗ lực tìm mọi biện pháp giảm giá thành nhưng do tôm nguyên liệu chiếm tới 80% chi phí sản xuất nên giá thành con tôm vẫn bị đẩy lên cao. Hiện tôm VN đang bán cao hơn các nước đến 2 - 2,5 USD/kg, khiến sản phẩm tôm của VN mất hết khả năng cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Khát nguyên liệu sạch

Với tình hình đó, giải được bài toán nguyên liệu sạch, khống chế được dịch bệnh và kháng sinh Ethoxyquin để hạ giá thành đang là ưu tiên số 1 của cả ngành tôm trong năm mới 2013. Ông Trần Văn Lĩnh- Phó Chủ tịch VASEP- Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho rằng chưa bao giờ mà DN lại có nguyện vọng và mơ ước có được một vùng tôm nguyên liệu sạch, giá rẻ cho chế biến và xuất khẩu hơn lúc này.

"Mọi người đừng quên, trong con tôm nguyên liệu, chi phí cho thức ăn nuôi tôm đã chiếm đến 60% giá thành. Mà hiện các đơn vị cung cấp thức ăn cho tôm đều đang nằm trong tay các DN nước ngoài, mặc cho họ thao túng giá cả" - ông Lĩnh nêu thực trạng.

Bộ NNPTNT đề nghị các tỉnh tổng kiểm tra chất lượng các loại chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất tôm, nghiêm cấm kinh doanh các loại chế phẩm không đảm bảo chất lượng, đồng thời kiểm soát chặt chất lượng tôm giống. Trong năm nay, Bộ sẽ đẩy mạnh nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng cho những thị trường xuất khẩu khắt khe trên thế giới.

Ông Nguyễn Hữu Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Vietfoods góp thêm minh chứng: Giá tôm VN bán tại thị trường Nhật Bản hiện đang là 11,2 USD/kg, trong khi giá bán của Ấn Độ chỉ 8,6 USD/kg. Nguyên nhân vì thức ăn nuôi tôm ở Ấn Độ chủ yếu do các công ty trong nước sản xuất trong khi ở nước ta phần lớn do các công ty nước ngoài chi phối. Điều này dẫn tới mất khả năng kiểm soát giá thức ăn, đẩy giá thức ăn leo thang trong nhiều năm qua.

Từ đó các DN đề xuất giải pháp Nhà nước nên đứng ra làm người tổ chức những người nuôi nhỏ lẻ, những vùng nuôi tôm lại thành những cánh đồng tôm lớn như bên cây lúa, đứng bên cạnh là một DN xuất khẩu tôm lớn làm đầu đàn, góp lại thành công ty.

"Khi có được nhiều công ty theo mô hình đó, chúng ta sẽ có sức mạnh trong việc mua giống, thuê kỹ thuật, có sức mạnh đàm phán giá cả với các công ty bán thức ăn. Có làm như vậy chúng ta mới tổ chức được những vùng nguyên liệu sạch bệnh, bảo đảm cung ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất, góp phần duy trì sức cạnh tranh và giúp ngành tôm phát triển đi lên" - ông Lĩnh kiến nghị.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem