Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã có cuộc đối thoại với người dân nuôi ngao ở xã Hải Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), để giải quyết việc người dân kéo lên trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa vào sáng cùng ngày đề nghị UBND làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp chế biến hải sản Hoàng Thắng (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) đổ trộm chất thải ra biển. Người dân cho rằng việc đổ chất thải trên là nguyên nhân khiến ngao chết hàng loạt hồi cuối tháng 12.2016.
Tại buổi đối thoại, người dân đề nghị UBND tỉnh phải công bố kết quả điều tra, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đổ trộm chất thải ra biển; đề nghị các ngân hàng kéo dài thời gian cho vay và tiếp tục cho vay để người dân có vốn đầu tư, sản xuất; hỗ trợ thiệt hại cho các hộ dân nuôi ngao…
Trả lời những kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Đình Xứng cho biết kết luận điều tra của cơ quan công an xác định Doanh nghiệp Hoàng Thắng đã thuê người đổ chất thải ra biển, bị người dân bắt quả tang ngày 31.12.2016. Tuy nhiên, nguyên nhân ngao chết được các cơ quan chuyên môn xác định không phải do độc tố từ việc đổ chất thải mà do mật độ nuôi quá dày, gặp thời tiết bất thường gây nên.
Trên cơ sở đề nghị của người dân, UBND tỉnh sẽ kiến nghị với các ngân hàng có thể gia hạn và tiếp tục cho bà con vay vốn sản xuất; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng căn cứ vào các quy định, nghiên cứu tìm cách hỗ trợ các hộ có ngao chết; giám sát chặt chẽ môi trường biển, thông báo cho người dân tiếp tục nuôi ngao vì môi trường đã ổn định…
Hàng trăm tấn ngao của người dân bãi triều Hải Lộc chết trắng bãi. Ảnh Hồng Đức
Anh Phạm Văn Ba (38 tuổi, thôn Lộc Tiên, xã Hải Lộc) nêu ý kiến: "Tôi không đồng tình với kết luận ngao chết vì mật độ nuôi dày mà các cơ quan chức năng công bố bởi ngao chết lần này rất bất thường, chết theo từng khu vực, các hộ nuôi cạnh nhau nhưng hộ nào gần khu vực đổ thải thì chết sạch, còn nhà nào ở xa thì mật độ chết ít.
Tôi đề nghị UBND tỉnh thành lập một ban và nhân dân thành lập 1 ban cùng dám sát để lấy mẫu gửi đi kiểm tra lại. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát lại các cơ sở chế biến hải sản xem quy trình xả thải đã đảm bảo an toàn cho môi trường hay chưa?”.
Cùng quan điểm với anh Ba, bà Nguyễn Thị Lộc (thôn Tân Lập, xã Hải Lộc), ý kiến: “Chúng tôi không đồng tình với kết luận ngao chết do mật độ dày, tôi mong các cơ quan chức năng kiểm tra lại nguyên nhân ngao chết. Đồng thời làm rõ môi trường biển đã sạch và an toàn cho con ngao chưa để bà con nhân dân chúng tôi tiếp tục thả giống vụ tiếp theo”.
Trước đó như Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã phản ánh, vào cuối tháng 12.2016, ngao tại vùng biển các xã Hải Lộc, Minh Lộc (Hậu Lộc), huyện Nga Sơn và Hoằng Hóa chết hàng loạt khiến người dân lao đao.
Đến ngày 31.12.2016, người dân bắt quả tang ông Hoàng Văn Thành đang đánh thuyền ra biển đổ trộm chất thải từ quá trình chế biến hải sản cho Doanh nghiệp Hoàng Thắng, người dân cho rằng chính việc đổ chất thải thường xuyên khiến môi trường nước bị ô nhiễm làm ngao chết. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.