Ngày mùa

Thứ hai, ngày 09/12/2013 06:33 AM (GMT+7)
Cánh đồng tám làng quê tôi vàng ruộm một màu của lúa chín. Buổi sáng khi mặt trời vừa hé đã thấy bà con nông dân với quang gánh liềm hái tất tưởi ra đồng.
Bình luận 0
Ngày “mở đồng” - ngày gặt đầu tiên của vụ mùa sau những tháng ngày cày bừa, cấy hái. Dân làng tôi thuần nông, ngoài mỗi hộ mấy sào ruộng khoán, chẳng có nghề phụ gì cả, gặt hái xong xuôi, thóc phơi khô cất kỹ vào chum vào bồ, bà con chạy chợ kiếm thêm đồng rau dưa, mắm muối. Ngày “mở đồng” thật là rộn rã, nhà nào cũng hai ba lao động ra ruộng gặt lúa. Đầu làng, cuối xóm tiếng gọi nhau í ới, nhà nhà được chính quyền thôn thông báo từ hôm trước nên ai cũng chuẩn bị chu đáo cho ngày gặt hái đầu tiên.
img

Quê tôi vào mùa như thế, đứng trên bờ đê ngắm nhìn đồng lúa vàng tươi đã thấy mùi của no ấm. Từ cánh đồng tám làng từng làn gió thổi về mang theo hương lúa chín làm ngây ngất lòng người. Ai đã từng ở nông thôn ngửi thấy mùi lúa chín quen thuộc là cảm thấy yên lòng, vì no ấm sẽ đến với mọi nhà.

Còn ai ở thị thành xa lắc, nếu có về nông thôn nghe mùi hương lúa chín, chậm rãi thưởng thức, hít một hơi thở dài mới thấy hết được mùi thơm đặc trưng của lúa, trong đó có sự tích tụ ngọt ngào của thiên nhiên vào từng hạt lúa, sự nồng nàn của ánh nắng mặt trời, ngai ngái của bùn đất ruộng đồng, sự thơm tho của dòng sữa chắt lên từ đất, sự ngầy ngậy của hạt gạo sau lần vỏ trấu, rồi mới cảm nhận hết được sự khoan khoái của gió đồng hoà lẫn với mùi no ấm. Để rồi, lúa níu chân người ở lại với thôn quê, tận hưởng bát cơm thơm gạo mới, ăn với mắm tép, canh cua, cà pháo.

Ngày mùa, nón trắng trên đồng nhấp nhô, tay liềm tay hái của các mẹ, các chị, các em thoăn thoắt gặt lúa. Những bó lúa được chuyển vào bờ, rồi những chuyến xe thồ, những đôi quang gánh nặng chĩu đưa lúa vàng từ ruộng về các gia đình trong thôn. Đồng làng tôi không có những con đường to để cho công nông chở lúa, chỉ có những con đường nhỏ đủ cho xe thồ và đôi chân người gánh lúa.

Giữa ngày, đường làng rậm rịch bước chân người nặng nề gánh lúa, đẩy xe. Đến trưa, ở sân từng nhà đều có những đống lúa to đùng. Chiều đến, một số nhà thuê máy tuốt lúa, số nhà khác bố con, anh em xúm xít dùng néo đập lúa ì ạch cho đến tận khuya. Từng hạt lúa bung ra khỏi bông tạo thành những đống lúa vàng tươi, đến sáng người ta trải lúa rộng ra sân hong nắng. Nếu trời không mưa, hai ba ngày sau lúa khô, từng nhà tận dụng sức gió trời hoặc quạt máy rê lúa, loại đi những hạt lép, xúc vào bồ, bỏ vào chum, đóng tải xếp vào nhà và dành một phần đóng thuế cho Nhà nước. Không khí ngày mùa bận rộn làm cho cuộc sống no ấm hiện hữu trong từng đôi mắt của người dân quê.

Ngày mùa, tôi thích nhất là mùi thơm của rơm, một mùi thơm ngai ngái, ngầy ngậy, ngoạt ngào, thơm đến nao lòng. Cả làng ở đâu cũng mùi lúa chín, rơm thơm. Lời của một ca khúc đã nói “Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm”, đó là những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc không thể nào quên của tôi và rất nhiều người khác nữa về quê hương của mình. Tuổi thơ của tôi rất thích ngày mùa, được ăn cơm no, được theo mẹ ra đồng gặt lúa, lùa bắt những con châu chấu xâu thành xiên mang về rang vàng nhấm nháp.

Tôi thích nhất những đêm trăng sáng được ngả mình trên những đống rơm ở góc sân ngửa mặt lên trời đếm từng ngôi sao xa xôi, được hít thở và nghe mùi rơm thơm, được thả hồn vào những ước mơ. Cũng có khi ngủ thiếp đi, khuya về sương xuống, khí lạnh thấm sâu qua lần áo mỏng mới tỉnh giấc, lập cập chạy vào nhà leo lên giường khi chân tay vẫn còn lấm láp, rồi tiếp tục ngủ mơ về một giảng đường đại học, trong tiếng thở nhọc nhằn của vất vả ngày mùa.

Đã lâu rồi, quê tôi không còn phải lo đến cái ăn cái mặc nữa, song ngày mùa vẫn rất tấp nập, vui tươi. Ngày nay, mỗi một mùa gặt chỉ diễn ra trong khoảng một vài tuần, bà con nông dân đã có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại nên mùa gặt diễn ra nhàn nhã và nhanh chóng. Hết mùa, những lao động chính ở quê có điều kiện bung ra thành phố kiếm tiền, có người đi xuất khẩu lao động mang về ngoại tệ xây dựng quê hương.

Dẫu rằng, hạt lúa củ khoai là rất quý trong mỗi gia đình, nhưng hình như người dân quê tôi ít chú trọng đến việc đồng áng nữa, mà tập trung vào những công việc khác để nhanh chóng làm giàu. Điều đó là phù hợp với thời kỳ kinh tế thị trường. Đổi thay trên quê hương ngày càng rõ nét, đường thôn rộng rãi, nhà cửa khang trang, no ấm vui tươi đã đến với mọi nhà. Nhưng từ trong tâm khảm của mình, tôi vẫn thấy luyến tiếc một điều gì đó, cứ mường tượng thử xem nếu một làng quê thuần nông mà lại mất đi truyền thống làm ruộng và cấy lúa nước, để không còn những ngày mùa nhộn nhịp nữa thì sẽ sao đây?
LV (Theo LV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem