Ngày này, lại nhớ nạng giàn thun...

Minh Khuyên Thứ ba, ngày 22/12/2015 14:15 PM (GMT+7)
Ngày trước, khi đường sá chưa được thông thoáng, xóm làng nối nhau bằng những dòng sông, con rạch chằng chịt. Trẻ con miền quê ngày ngày theo người lớn ra đồng phụ giúp công việc đồng áng. Xong việc, năm bảy em tập trung lại để … chơi. Một trong những trò chơi gắn liền với tuổi thơ là chiếc nạng giàn thun.
Bình luận 0

Các em ra ngoài vườn kiếm cành chạc ổi, vú sữa, mù u, … có chảng ba, đốn về phơi khô rồi đẽo gọt làm chiếc nạng giàn thun. Khi chiếc chạc đã nhẵn và vừa tay cầm, các em dùng dây thun khoanh hoặc dây thun luồn quần buộc ở hai đầu nạng, mỗi dây dài khoảng 3 – 4 tấc. Chỗ 2 dây buộc lại thường được kèm thêm miếng da, nhựa để bọc “đạn”. Cũng có khi kiếm được sừng trâu hoặc khúc gỗ cứng, nhiều em trổ tài gọt giũa mấy ngày để có được món đồ chơi như ý.

img

Nạng giàn thun đồ chơi gắn liền với tuổi thơ năm xưa (ảnh: Minh Khuyên)

Đận để nạp “đạn” cho chiếc nạng giàn thun, chỉ cần lượm những cục đất cứng, tương đối tròn, nhỏ tầm đầu ngón tay là được. Nhưng muốn có “đạn” tốt, bắn dễ thì phải tốn thêm công. Các em ra bờ ao, hoặc lội xuống sông lặn móc đất sét. Chờ đất ráo các em vo thành những viên bi tròn vo cỡ đầu ngón tay người lớn. Bi sau khi đem phơi nắng cho thiệt khô rồi cất đi để dành.

Các em đem chiếc nạng giàn thun và đạn của mình ra rồi rủ nhau đi bắn chim, bắn rắn mối. Do sát sanh, nên thường bị cha mẹ, ông bà không cho, thế là các em chuyển sang thi bắn lá cây, bắn một mục tiêu đã chọn sẵn nào đó. Em nào bắn trúng mọi người chơi sẽ tán thưởng nhiệt liệt. Người chơi vì thế mà hân hoan lắm.

Trò chơi luyện cho các em tập ngắm chính xác. Muốn đạt được hiệu quả, đôi tay cũng phải dẻo và cương quyết bởi tay run thì … bắn trật!

img

Nạng giàn thun được các chiến sĩ dùng nhả đạn vào đồn giặc (ảnh tư liệu, sưu tầm trên Internet).

Ở truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của cố nhà văn Nguyễn Thi, nhân vật Việt cũng thường mang theo mình cái nạng giàn thun ấy.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều du kích địa phương đã dựa vào quy luật hoạt động của chiếc nạng giàn thun bắn chim thời thơ ấu để bắn lựu đạn vào đồn giặc. Lựa địa hình thuận tiện, người ta cắm chéo hai cây lớn để làm điểm tựa. Dây có độ đàn hồi lớn được sử dụng. Những trái lựu đạn buông ra từ tay các chiến sĩ bay vào quân giặc, khiến chúng bao phen khiếp vía, kinh hồn.

Thứ trò chơi trẻ con đã trở thành vũ khí giết giặc chống xâm lăng một cách tự nhiên như vậy!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem