Ngày thơ Việt Nam 2012: Êm ả nhưng thiếu đột phá

Thứ hai, ngày 06/02/2012 16:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hôm qua 14 tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam diễn ra trước Nguyên tiêu, vào Chủ nhật để công chúng được hưởng một không khí thơ ấm áp, thân thiện. Ngày thơ đã diễn ra một cách… nhẹ nhàng.
Bình luận 0

Trăm miền hội tụ

Văn Miếu (Hà Nội) ẩm ướt trong tiết mưa phùn nhưng rực rỡ màu sắc vẫn là nơi thu hút ngàn, vạn bước chân kéo về Ngày thơ Việt Nam lần thứ 10 càng chứng tỏ uy tín của một ngày hội mới đã trở thành truyền thống. Dịp Nguyên tiêu đến, người ta lại mong chờ một sinh hoạt lớn của thi ca đầu năm để tìm thơ hay, đốt nóng tình yêu thơ trong mình, ở rất nhiều cấp độ. Ngày thơ năm nay có thêm ý nghĩa với sự đồng hành của Liên hoan Thơ châu Á – Thái Bình Dương, tụ họp gần 100 nhà thơ, nhà văn từ nhiều nước trong khu vực.

img
Khách thơ chiêm ngưỡng tác phẩm của các nhà thơ nổi tiếng tại Ngày thơ Việt Nam.

Chào mừng ngày thơ, Ban tổ chức mời nhiều CLB thơ Đường, thơ ngành điện, thơ công nhân, thơ yêu thiên nhiên… tham dự, dựng lán trại, treo thơ trong Văn Miếu. Quanh hồ trước Khuê Văn các, bóng bay buộc lơ lửng những câu thơ hay của các tên tuổi: Quang Dũng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Trúc Thông, Ý Nhi…

Liền đó là các poster nhiều gương mặt nhà thơ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới. Cho đến nay, những gương mặt trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân chỉ còn nhà thơ Xuân Tâm. Công chúng và các văn nghệ sĩ đã dành một phút tưởng niệm những con người của “một thời đại trong thi ca” đã khuất.

Ở sân trước, vẫn là sân khấu được bài trí và sinh hoạt theo lối truyền thống như hàng năm. Sân sau mang chủ đề “Thơ trăm miền”, ngoài sân khấu chính giản dị, hai bên là dãy lều thơ của Hội VHNT của các tỉnh thành. Ở cả hai sân khấu, lần lượt các nhà thơ trong và ngoài nước lên đọc thơ với các phần dịch bản tiếng Anh, tiếng Việt.

Những mong đợi

Thưởng thức các bài thơ từ những đất nước xa xôi, nhiều người cảm thấy thú vị. Nhạc sĩ Quốc Lâm đến từ Hà Nội cho rằng: “Các bài thơ nước ngoài rất hay, không khó để cảm nhận. Nghe họ đọc tôi cảm thấy họ rung động với không khí thi ca ở nơi này”.

Nhạc sĩ cũng cho rằng, về âm thanh, để thật hay và nghe rõ thì phải lắp đặt thêm trang thiết bị, cũng như trong dạ hội thơ đêm 4.2, ánh sáng cho sân khấu vẫn chưa được tốt. Nhà văn trẻ Phạm Thuý Nga của Hải Phòng bộc bạch: “Tối qua em đến dạ hội thơ, rất xúc động, trống ngực đập thình thịch, em được gặp nhiều tên tuổi, nhiều người mới chỉ đọc qua mạng. Từ sáng các phần trình bày gần gũi và đi vào truyền thống, nhưng có lẽ đọc thơ cần “máu lửa” hơn nữa”.

Nhìn chung không khí ngày thơ năm nay thân mật, ấm áp và trân trọng, chỉ hơi thiếu một chút tưng bừng, sôi động .

Chủ tịch Hội VHNT TP.Việt Trì Điền Ngọc Phách cho biết, yêu và chăm chỉ sáng tác thơ, năm ngoái, năm kia ông đều đến đây. Nhưng nếu Ban tổ chức dành “đất đai” cho các CLB nhiều hơn thì càng hay hơn. Vì theo ông, ngoài sự chuyên sâu, chất lượng cao, cũng cần cổ xuý cho phong trào làm thơ, đọc thơ phát triển rộng khắp.

Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu khép lại nhẹ nhàng. Ở sân trước, các nhà thơ quốc tế được các em thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ sau khi cùng hát múa bài “Trái đất này là của chúng mình”. Chim bồ câu được thả, sau đó là bóng bay đưa những câu thơ hay lên trời. Ngày 5.2, các nhà thơ tham dự liên hoan về tham quan danh thắng chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Tại đây, núi Thầy, chùa Thầy trong tình cảm ấm áp của nhà chùa và những người dân làm thơ nơi này, cùng với những mâm cỗ chay tại chùa Long Đẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem