Tết Nguyên đán, ở Nam Bộ hầu như các gia đình người Việt Nam đều trưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Mâm ngũ quả Tết có một ý nghĩa đặc biệt, trong đó không thể thiếu cặp dưa hấu và các loại quả khác như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Nói theo người miền Nam là cầu – dừa [vừa] – đủ – xài [xoài] – là điều mong ước của mọi nhà trong năm mới. Với sắc màu rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng với ý nghĩ sâu xa, cặp dưa hấu đỏ làm cho ngày Tết thêm sinh động thiêng liêng.
Chợ dưa hấu trưng tết.
Khi gió chướng về, ngoài đồng gió hiu hiu trong tiết trời hanh hanh lạnh, trên các đồng ruộng rẫy ở Gò Công (Tiền Giang), Cần Đước (Long An), Vũng Thơm và Đại Tâm (Sóc Trăng) xanh rờn màu xanh dưa hấu. Dưa hấu trưng Tết nơi này nổi tiếng từ lâu, được nhiều người Nam Bộ biết đến là “Ngọt thanh như đường cát, mát chẳng kém đường phèn”.
Vào dịp Tết đến xuân về người mua dưa hấu trưng chọn rất kỹ từ màu sắc. Quả dưa phải sáng và tròn đều, trái cân đối không lớn và nhỏ quá. Còn người buôn bán dưa hấu để trưng Tết hầu hết cũng phải lặn lội về tận các ruộng, rẫy trồng dưa, chọn đồng, chọn dưa, đặt cọc trước với giá luôn đắt hơn loại thường. Rồi tự họ chăm sóc dưa trước cả tuần và không tưới nước nhiều. Gần đến ngày thu hoạch, họ bảo quản công phu để dưa hấu Tết luôn luôn đẹp.
Phải tính chừng đoạn đường vận chuyển, dưa hấu phải lót rất nhiều rơm xung quanh và chăm sóc còn hơn vận chuyển trứng, tránh sự trầy xước. Xe chở dưa phải chạy chậm, đi vào ban đêm hoặc trời râm mát… Tất cả đều phải công phu, cẩn trọng.
Trồng dưa hấu trưng Tết cực hơn trồng dưa thương phẩm, nhưng bù lại giá luôn đắt hơn loại thường gấp 2 – 3 lần, có năm trời mưa muộn, sương muối nhiều dưa trưng Tết thất mùa, cặp dưa hấu đẹp lên đến vài trăm ngàn đồng.
Dưa hấu trưng Tết được chọn rất kỹ từ màu sắc và tròn đều.
Quả dưa hấu ngoài việc trưng bày khi Tết đến xuân về, người Nam Bộ còn dùng để đón lộc đầu năm. Theo quan niệm của người Nam Bộ xưa, đến ngày mùng ba Tết đem quả dưa hấu bổ nếu đỏ hồng thì năm đó được nhiều may mắn, làm ăn phát tài phát lộc. Cặp dưa hấu đỏ ngày Tết ở Nam Bộ là phong tục tập quán lâu đời của người dân đất phương Nam. Vì người dân Nam Bộ quan niệm rằng: “Tết đến trong gia đình không có cặp dưa hấu đỏ thì bất thành Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc”.
Hương vị dưa hấu đỏ trưng Tết là phong tục tập quán lâu đời của người dân đất phương Nam.
Trồng dưa hấu Tết cũng là dịp nhiều nhà nông ở nơi này có cơ hội tăng thu nhập cải thiện đời sống và chuẩn bị mừng xuân đón Tết cổ truyền dân tộc. Ngày nay, cuộc sống hiện đại cộng với sự giao lưu phong tục làm cho mâm ngũ quả có thể nhiều hơn, cách sắp xếp tự do hơn, có trang trí thêm hoa lá…nhưng vẫn không thể thiếu cặp dưa hấu đỏ, biểu hiện của ngày Tết dân tộc.
Trong ba ngày Tết đến xuân về trên bàn thờ tổ tiên có cặp dưa hấu đỏ làm cho quang cảnh ngày Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ, thể hiện sinh động ý nghĩa triết học, thẫm mỹ trong những ngày Tết cũng như ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình mang theo khi bước vào năm mới Giáp Ngọ 2014.
Phương Nghi (Phương Nghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.