Hàng chục năm bảo vệ rừng
Phóng viên Dân Việt nhận được đơn phản ánh của 6 hộ dân tại xóm 10, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An).
Theo đơn, năm 1997, thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng theo Nghị định 02 và 01 của Thủ tướng Chính phủ, những hộ này đã làm đơn tự nguyện nhận đất rừng thuộc xóm 10, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An với thời hạn 50 năm.
Ông Trần Nguyên Hòa cùng 5 hộ dân xóm 10, xã Lăng Thành (Yên Thành) "vác" đơn đi đòi quyền lợi nhưng đều không có kết quả. Ảnh: LT
Các hộ dân nhận đất rừng được thể hiện tại đơn xin nhận đất lâm nghiệp, có biên bản giao nhận đất lâm nghiệp thực địa, sơ đồ giao khoán đất rừng tại bản đồ 02 (1997) và khế ước giao đất.
Tổng diện tích là hơn 300ha. Giấy tờ thể hiện những hộ dân được nhận đất rừng gồm: hộ ông Trần Nguyên Lại, Đào Sơn, Nguyễn Đình Loan (mỗi hộ 36,45ha); ông Trần Nguyên Hòa (49,7ha); ông Trần Nguyên Hảo (131ha); Nguyễn Bá Nghĩa (43ha).
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Nguyên Hòa (hộ dân nhận đất rừng) nói: “Khi chúng tôi về nhận đất, nơi đây còn hẻo lánh, đường đi chưa có, hiểm trở. Khu vực này là rừng già, thường xuyên xuất hiện nhiều nhóm lâm tặc phá rừng. Bởi thế, không ai dám nhận chăm sóc, bảo vệ vì lo ngại tính mạng. Năm 1997, trước sự vận động của đoàn công tác kiểm lâm huyện Yên Thành cũng như nhận thấy khu rừng này đang bị đe dọa bởi lâm tặc nên 6 hộ dân chúng tôi đã làm đơn tự nguyên nhận chăm sóc và bảo vệ”.
Đơn thư 6 hộ dân xóm 10, xã Lăng Thành được gửi đến các cơ quan chức năng. Ảnh: LT
Sau khi hoàn thiện các giấy tờ thủ tục, được sự nhất trí của đoàn kiểm lâm, các hộ dân này đã tiến hành chia đất, phân vùng rồi tiến hành dựng lán trại. Lúc này, thu lợi từ các loại cây rừng ngắn, dài ngày hầu như chưa có. Thậm chí, các hộ dân sau đó đã phải bỏ chi phí và công sức để chăm sóc, bảo vệ rừng.
Công sức bỗng dưng "đổ sông, đổ bể"?
Ông Đoàn Sơn (hộ dân xóm 10) cho biết: "Năm 2001, khi các hộ dân đang làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng thì Tổng đội thanh niên xung phong 6 (TNXP6) tới chia lô, làm lán trại, lấy toàn bộ diện tích mà Nhà nước đã giao cho 6 hộ dân chúng tôi. Đơn vị này còn tự ý chặt phá rừng, trồng mới một số loại cây ngắn ngày như dứa, sắn, mía. Do vậy, các hộ dân đã vác đơn kêu cứu khắp nơi để đòi lại số đất này nhưng không được giải quyết”.
“Khi chúng tôi kiến nghị vấn đề này trong các cuộc họp, ông Trần Văn Giang - nguyên Chủ tịch UBND xã Lăng Thành lúc bấy giờ cùng cán bộ địa chính cho biết việc thu hồi diện tích hơn 300ha đất này nhằm hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, xã hội" - người dân phản ánh.
Người dân mong muốn sớm được cơ quan chức năng giải quyết sớm. Ảnh: LT
Theo người dân, cán bộ xã Lăng Thành có thông tin rằng, TNXP6 thuộc đoàn thanh niên xây dựng kinh tế có thời hạn 10 đến 12 năm là xong, yên tâm, hết thời hạn họ sẽ trả lại. Tuy nhiên, theo ông Sơn, đến năm 2013, Tổng đội TNXP6 hết thời hạn vẫn không trả lại đất cho 6 hộ dân mà bán lại cho một doanh nghiệp sữa.
"Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm giải quyết thấu đáo, trả lại quyền lợi chính đáng. Chúng tôi sẵn sàng trả lại đất nhưng phải là để phục vụ công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng, đằng này lại đi bán cho doanh nghiệp. Chúng tôi không phục vì tỉnh thu hồi đất vô cớ mà không có quyết định thu hồi đất" - ông Trần Nguyên Hòa nói.
“Phía xã nhận được đơn thư các hộ dân ở xóm 10 nhưng do sự việc vượt quá thẩm quyền nên chúng tôi không thể giải quyết được. Nguyên nhân tranh chấp nhùng nhằng kéo dài nhiều năm qua là do UBND tỉnh Nghệ An lấy đất cho Tổng đội TNXP 6 nhưng lại không có quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân trên” - ông Hoàng Danh Thọ - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.