Cướp trâu, tịch thu sổ tiết kiệm để “trừ nợ”
Theo đơn kêu cứu gửi Báo Nông thôn Ngày nay/ điện tử Dân Việt của ông Hồ Văn Thái: Nội dung Bản án sơ thẩm số 10 ngày 27.2.2009 của TAND huyện Tân Kỳ và Bản án phúc thẩm số 65 ngày 28.5.2009 của TAND tỉnh Nghệ An, anh Hồ Văn Thắng (SN 1989), con của ông Hồ Văn Thái và bà Hoàng Thị Lợi trú tại xóm 3, xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ đã gây thương tích cho bà Đào Thị Hợi người cùng xóm nên bị tuyên án 18 tháng tù giam và bồi thường cho bà Đào Thị Hợi số tiền 14.319.000 đồng thiệt hại về sức khỏe.
Trong quá trình con ông Thái đang chấp hành hình phạt tù thì ngày 12.8.2009, ông Nguyễn Văn Thế (chồng bà Hợi) chặn giữa ruộng bắt con trâu của gia đình ông Thái đưa về nhà để “trừ nợ” thi hành án, buộc ông Thái phải báo lên Ban Công an và UBND xã Hương Sơn. Trong khi xã Hương Sơn xử lý chưa dứt điểm, trâu chưa được trả lại cho bị hại thì ngày 18.8.2009, tức là một ngày sau khi bà Hợi có đơn yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp đảm bảo thi hành án bằng cách tạm giữ con trâu, cơ quan THADS Tân Kỳ đã ra quyết định kê biên tài sản là con trâu (được định giá 15 triệu đồng). Đồng thời, tạm giữ luôn 2 cuốn sổ tiết kiệm mang tên ông Hồ Văn Thái có giá 50 triệu đồng.
Vợ chồng ông Hồ Văn Thái điêu đứng vì chính quyền và THA làm sai.
Việc làm trên đã đẩy gia đình một nông dân rơi vào cảnh khốn đốn vì vậy ông Hồ Văn Thái đã có đơn tố cáo cán bộ xã Hương Sơn cũng như cơ quan THADS Tân Kỳ.
Ngày 26.3.2010, Ủy ban kiểm tra huyện ủy Tân Kỳ đã có thông báo số 72 về kết luận giải quyết đơn tố cáo của công dân Hồ Văn Thái. Theo đó, đối với ông Trần Văn Ngọc-Phó công an xã Hương Sơn: “Sau khi sự việc ông Nguyễn Văn Thế bắt con trâu của gia đình ông Thái nhận được báo cáo sự việc nhưng ông Trần Văn Ngọc không trực tiếp giải quyết là thiếu tinh thần trách nhiệm còn ghi vào đơn đề nghị cục thi hành án và các cấp về giải quyết là trái nguyên tắc”.
Còn đối với ông Phan Xuân Tính-Trưởng công an xã: “Sau khi đi tập huấn về tiếp nhận và giải quyết vụ việc chưa cương quyết, còn xuôi chiều theo hướng giải quyết của phó công an xã, dẫn đến để thi hành án về lập biên bản kê biên con trâu làm sự việc trở nên phức tạp”.
Đối với ông Nguyễn Quang Cảnh-Phó Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn: “Đã ký vào biên bản hóa giá con trâu và còn bao che cho công an”.
Do đó Ủy ban kiểm tra huyện ủy Tân Kỳ yêu cầu UBND xã Hương Sơn khắc phục những tồn tại, khuyết điểm trong giải quyết vụ việc, đồng thời tổ chức kiểm điểm, xem xét thi hành kỷ luật đối với cá nhân liên quan”. Riêng đối với chấp hành viên Cục THADS Tân Kỳ: Phải tổ chức trả lại tài sản, tiền cho ông Hồ Văn Thái, khắc phục kịp thời các nội dung sai phạm của cơ quan thi hành án Tân Kỳ được Viện trưởng VKSND huyện Tân Kỳ chỉ rõ theo văn bản số 05/2009/KNTHA ngày 12.10.2009.
Hành trình 7 năm đi đòi quyền lợi chưa có hồi kết
Ông Nguyễn Văn Kha-Bí thư Đảng ủy xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ cho biết: “Sự việc lúc đầu rất nhỏ nhưng cán bộ địa phương thời điểm đó (2009) xử lý còn non nghiệp vụ nên đã xẩy ra kiện cáo kéo dài, đến nay vượt tầm của xã xử lý. Còn về phía gia đình ông Thái sau khi con trai ra tù lại bị tàn tật nên mặc cảm đi khỏi địa phương khiến đời sống gia đình ông Thái càng chật vật hơn”.
|
Trao đổi với PV, ông Thái cho biết: “Hành trình 7 năm qua tôi đã làm đơn gửi nhiều cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa có hồi kết. Mặc dù tại một số văn bản kết luận đã chỉ rõ như thông báo số 72 năm 2010, thông báo số 16 năm 2011 của Ủy Ban kiểm tra huyện ủy Tân Kỳ và báo cáo số 42 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về giải quyết khiếu nại của gia đình tôi chỉ rõ hàng vi bắt trâu của gia đình bà Hợi là vi phạm pháp luật còn chính quyền địa phương xã Hương Sơn xẩy ra nhiều sai phạm trong xử lý cũng như cách làm sơ suất về nghiệp vụ của Chi cục THADS huyện Tân Kỳ”.
Cuộc sống của gia đình ông Thái ngày càng khốn khó sau khi con trai bị tàn tật ra tù mặc cảm bản thân đã đi khỏi địa phương.
Nói về việc bồi thường thay cho con ông Thái cho biết: “Ngày 25.8.2009, vợ tôi là Hoàng Thị Lợi trực tiếp nộp 5 triệu đồng tiền THA tại Chi cục THADS Tân Kỳ và xin được thi hành từng đợt với số tiền còn lại do gia cảnh khó khăn nhưng không được chấp nhận. Nhưng sau đó con trâu của tôi bị gia đình bà Hợi bắt để “trừ nợ” và sau đó chấp hành viên kê biên con trâu THADS Tân Kỳ ra quyết định trả lại 2 cuốn sổ tiết kiệm cho gia đình tôi nhưng tôi không nhận”.
Lý giải về lý do không nhận lại 2 số tiết kiệm ông Thái cho rằng: “Chấp hành viên tạm giữ 2 cuốn sổ tiết kiệm và con trâu của tôi trong lúc trâu đang bị gia đình bị hại bắt giữ trái pháp luật, chưa được giải quyết trả lại cho gia đình tôi. Trong khi đó chấp hành viên đã làm thiệt hại lớn về kinh tế đối với gia đình tôi nhưng THADS Tân Kỳ chỉ xem việc kê biên này là “sơ suất nghiệp vụ” chỉ rút kinh nghiệm trong việc áp dụng biện pháp đảm bảo THA mà thôi”.
Trao đổi với PV ông Nguyễn Mai Long-Phó chi Cục trưởng Chi cục THADS Tân Kỳ cho biết: “Sự việc này xẩy ra năm 2009, nhưng tôi mới về đây làm việc năm 2015. Tuy nhiên vụ việc kiện cáo kéo dài nên tôi cũng nắm được, về vấn đề xử lý bắt con trâu của gia đình ông Thái thì cơ quan công an đã có kết luận. Còn về việc thu 2 sổ tiết kiệm của chấp hành viên THADS Tân Kỳ là sai, nên thời điểm đó cơ quan cũng đã họp kiểm điểm với hình thức khiển trách 2 chấp hành viên liên quan đến sự việc này”.
Cũng theo ông Nguyễn Mai Long: “Hiện nay Chi cục THADS Tân Kỳ vẫn động viên ông Thái nhận lại 2 sổ tiết kiệm và số tiền 5 triệu đồng tiền còn gửi lại ngân hàng. Còn ông Thái nhận định rằng cái này gây thiệt hại nghiêm trọng yêu cầu bồi thường, thì ông Thái phải khởi kiện theo thủ tục tố tụng yêu cầu Chi cục THADS Tân Kỳ bồi thường nếu phải bồi thường mà cán bộ làm sai nghỉ rồi thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.