Khốn khổ vì khói bụi, tiếng ồn
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng sông Lam do Công ty CP xi măng sông Lam làm chủ đầu tư được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 297/QĐ-BTNMT ngày 4.2.2016.
Đến cuối năm 2016, Nhà máy xi măng sông Lam chính thức đi vào hoạt động với công suất 6.000 tấn clinker/dây chuyền/ngày. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, người dân phản ánh, nhà máy xi măng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân trong vùng.
Chất thải của nhà máy xi măng sông Lam có màu đen, hơi đặc, ngửi có mùi tanh được đỏ thắng ra môi trường. Ảnh: Cảnh Thắng
Tại xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) có tới 8 hộ dân nơi đây năm cách nhà máy khoảng từ 50 đến 200m. “Từ khi nhà máy đi vào sản xuất, không đêm nào tôi ngủ ngon, tiếng máy nghiền đá suốt đêm, rất khó ngủ, người già như chúng tôi rất đau đầu”, ông Trần Văn Ân (SN 1946) một hộ dân nơi đây cho biết.
Trao đổi với Dân Việt, bà Lê Thị Nguyệt (SN 1954) bức xúc cho hay: “Nằm ngay cạnh nhà máy, suốt ngày bị “hành” bởi tiếng ồn, bụi bặm… chúng tôi muốn di dời nhưng vẫn chưa được, đáng ra 8 hộ dân chúng tôi sát nhà máy nhất phải được di dân tái định cư, nhưng chờ mãi chưa thấy động thái gì”.
Không những tiếng ồn và bụi bặm, trong những ngày mưa những hộ dân nơi đây phải chứng kiến nhiều khối bùn đất có màu đen chảy vào vườn vào nhà, họ có phản ánh đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn không được khắc phục.
8 hộ dân xóm Đô Sơn, xã Bài Sơn nằm sát vách Nhà máy xi măng Sông Lam kêu cứu vì ô nhiễm môi trường. Ảnh: Cảnh Thắng
“Sống ở đây thêm ngày nào sợ ngày đó, mưa thì bùn tràn vào vườn, nắng thì bụi bặm, ngủ thì ồn ào, muốn đi chỗ khác ở lắm nhưng chúng tôi đâu có kinh phí”, bà Lê Thị Duyên cho hay.
Được biết, các hộ dân nơi đây nằm trong diện bị ảnh hưởng nhưng lại không thuộc đối tượng để di dời. “Gần hai năm qua, nhà nứt hư hỏng, muốn sửa chữa nhưng chính quyền họ không cho, họ nói để nguyên hiện trạng để cho công ty còn tình phương án đền bù, thế là giờ nhà hư cũng phải chấp nhận. Sống như thế này khổ lắm”, ông Trần Văn Ân bức xúc cho hay.
Bùn đen đổ ra môi trường
Có mặt tại xóm Đô Sơn xã Bài Sơn, chúng tôi chứng kiến nhà máy xả thải một lượng lớn bùn đen ra môi trường, lấn sang diện tích rau màu của người dân.
Gần nhà máy có nhiều vệt nước chảy lênh láng, phía chân tường nhà máy có lớp chất thải màu đen, đặc quánh kéo dài từ phía nhà máy xuống nền đất sát nhà dân. Theo phản ánh của người dân, việc đó là thường xuyên đối với nhà máy này.
Ruộng lúa nhà chị Lê Thị Yến – xóm Đô Sơn bị bồi lấp bằng 1 lớp đất màu đen. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt ông Nguyễn Hữu Quang - Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết, với những phản ánh của người dân xã đã báo lên cấp trên, hiện tại tỉnh đang xem xét. Về việc tái định cư vì trước đây các hộ dân này không thuộc diện phải di dời nên chưa có phương án cụ thể. Tuy nhiên, hiện chính quyền đang đề xuất đưa các hộ dân này vào diện tái định cư trong thời gian sắp tới.
8 hộ dân nơi đây nằm sát với nhà máy xi măng sông Lam. Ảnh: Cảnh Thắng
Trong khi đó, ông Đậu Văn Chinh – Phó phòng TNMT huyện Đô Lương cho biết: “Về vấn đề ô nhiễm môi trường chúng tôi đã nhận được phản ánh của người dân từ lâu và có cơ sở. Phòng đã cùng với chính quyền địa phương lập biên bản sự việc, đồng thời đề nghị Công ty CP xi măng Sông Lam khắc phục những hạn chế trên. Đồng thời, huyện đã báo cáo lên cấp trên để có phương án xử lý”.
PV cũng đã đến nhà máy liên hệ làm việc nhưng nhận được câu trả lời từ cổng bảo vệ là lãnh đạo đi vắng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.