Học Bác Hồ để lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (kỳ cuối)

Thành An (Thực hiện) Thứ tư, ngày 19/05/2021 13:00 PM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết, theo Bác Hồ, bầu ra ĐBQH để gánh vác việc chung cho dân, phục vụ nhân dân và đề nghị cử tri không bầu cho những người muốn vào Quốc hội làm quan cách mạng.
Bình luận 0

Trả lời phỏng vấn PV Báo Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, sinh thời, Bác Hồ rất trọng nhân tài, tuy nhiên Người không chỉ đi tìm nhân tài mà còn có những chính sách cụ thể để trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, trong công tác bầu cử, Bác Hồ kêu gọi nhân dân kiên quyết không bầu cho những người có dấu hiệu vào Quốc hội để làm quan cách mạng.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành An).

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành An).

Trọng nhân tài là tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ

Thưa ông, Bác Hồ từng viết trong tuần báo Cứu quốc số 130 ngày 31/12/1945 rằng: "Tổng tuyển cử là dịp toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà…". Vậy ông có thể cho biết quan điểm, tiêu chí của Người trong chọn người tài là như thế nào?

Bác Hồ viết trên báo Cứu Quốc rất nhiều bài nhưng có hai bài rất nổi tiếng trong năm 1945 và 1946 là "Nhân tài và kiến quốc" và "Tìm người tài đức". 

Tư tưởng cơ bản của Bác là: Cách mạng là những sự việc của nhân dân, dựa vào sức mạnh của toàn dân. Mà dân chúng thì rất đông đảo, có nhiều tầng lớp khác nhau, chúng ta phải dựa vào sức người, dựa và những đóng góp về trí tuệ, năng lực, trách nhiệm gánh vác đất nước của nhân dân… Cho nên chủ trương tìm người tài của Bác là vậy.

Hơn nữa, cha ông ta xưa nay cũng đã xác định "hiền tài là nguyên khí của quốc gia", đất nước muốn phát triển thì phải có nhân tài, nối tiếp truyền thống đó của dân tộc, Bác Hồ hết sức quan tâm đến nhân tài.

Ngay trong khi lập Chính phủ lâm thời, Bác Hồ cũng đã lựa chọn rất nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước. Đây phần lớn là những người tài và họ rất tin cậy Bác Hồ, sẵn sàng đi theo Người để xây dựng nhà nước. 

Trong bầu cử Quốc hội cũng thế, rất nhiều người có tài đức đã tham gia ứng cử Quốc hội và được trúng cử, trong đó có những người vừa tham gia Quốc hội vừa tham gia Chính phủ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Văn Tố…

Thông cáo “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên trang nhất của Báo Cứu Quốc số ra ngày 20/11/1946

Thông cáo “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên trang nhất của Báo Cứu Quốc số ra ngày 20/11/1946.

Tư tưởng tìm người tài đức của Người còn thể hiện trong văn bản tháng 12/1945 khi Bác ký sắc lệnh thành lập "Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết" quốc gia trong đó tham gia đều là những nhà trí thức nổi tiếng như Phan Anh, Cù Huy Cận, Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Đạo Thúy….

Qua đây, chúng ta có thể thấy, trọng nhân tài là tư tưởng xuyên suốt của Bác Hồ. Tuy nhiên, không phải Bác chỉ đi tìm nhân tài mà Bác còn có những chính sách cụ thể để trọng dụng nhân tài.

Bác luôn luôn nhắc Chính phủ rằng: Khi phát hiện ra được nhân tài thì phải có những chính sách đặc biệt để trọng dụng và phát huy tối đa sự cống hiến của nhân tài đối với đất nước, nhất là phải chủ động để đào tạo nhân tài, mà muốn thế thì phải coi trọng nền giáo dục…

Vậy quan điểm chọn người tài của Người hiện nay vẫn còn nguyên giá trị đối với việc chọn người tài trở thành ĐBQH?

Đúng vậy! Trong bầu cử Quốc hội chúng ta phải chọn những người tài… Tư tưởng trọng dụng nhân tài của mình, Bác Hồ luôn chú ý điều này. 

Rất nhiều tác phẩm và cuộc nói chuyện Bác Hồ rất quan tâm và luôn yêu cầu phải trọng dụng nhân tài, trọng dụng cán bộ, đồng thời phải có những chính sách phù hợp.

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước 76 năm nay, đặc biệt là trong quá trình bầu cử mới, có thể nói, đến nay Đảng ta hết sức coi trọng việc phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài.

Đảng có rất nhiều Nghị quyết quan trọng về xây dựng đội ngũ trí thức gắn liền với chiến lược phát triển đào tạo. 

Đơn cử như trong năm 1996, tại Hội nghị T.Ư II khóa VIII có hai Nghị quyết quan trọng xác định vai trò của chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Mà muốn phát triển được 2 chiến lược này thì phải có đội ngũ trí thức để phục vụ.

Chúng ta coi đây là chiến lược phát triển đất nước hàng đầu… từ đó đến nay chúng ta luôn coi trọng chiến lược khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo, đồng thời có được đội ngũ trí thức có tài trên đông đảo các lĩnh vực, trong đó ứng dụng tốt khoa học công nghệ để xây dựng đất nước.

Sau này chúng ta có nghị quyết T.Ư 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng sự nghiệp CNH-HĐH đất nước… 

Chúng ta cũng đã nêu ra những định nghĩa hết sức cơ bản rằng thế nào là đội ngũ trí thức và củng cố cho tốt khối liên minh giữa công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức để phát triển đất nước.

Hiện nay chúng ta có được một lực lượng trí thức rất hùng hậu trên tất cả các lĩnh vực… điều đó nói lên rằng việc Đảng ta rất trọng nhân tài, trọng trí thức. Đây là việc học tập và phát triển tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung vào một vấn đề rất là lớn để thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững. 

Đặc biệt, tại Đại hội XIII của Đảng vừa rồi có đề cập đến đột phá xây dựng đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, bao gồm các nhà khoa học, lĩnh vực nghề nghiệp có trình độ cao. Đại hội XIII cũng nhấn mạnh đến đội ngũ lãnh đạo, quản lý của đất nước…

Nếu chúng ta làm tốt cái này thì sẽ thúc đẩy được kinh tế phát triển, năng suất phát triển, từ đó hội nhập quốc tế tốt hơn… Đây cũng chính là tư tưởng xuyên suốt của đổi mới trong xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài.

ĐBQH là phải có tài, có đức, có trách nhiệm với đất nước và cử tri của mình

Vy thưa ông, ngày nay ĐBQH học gì từ Bác để xứng đáng với người đại biểu dân c?

- Về trách nhiệm của ĐBQH, tôi phải nhấn mạnh cuộc tiếp xúc cử tri ngày 5/1/1946, Bác có buổi ra mắt cử tri Hà Nội, vì lúc đó bác ứng cử ĐBQH ở Hà Nội (khu học xá – Đại học Bách Khoa).

Trong buổi ra mắt, Bác có nói: Ngay mai là ngày bầu cử, toàn dân ta thực hiện quyền dân chủ rộng rãi chưa từng có để bầu ra những đại biểu xứng đáng của mình để gánh vác đất nước trong sự nghiệp kháng chiến.

Theo Bác, bầu ra ĐBQH để gánh vác việc chung cho dân, phục vụ nhân dân chứ không phải bầu ra thành quan để cai trị dân. Bác nói thế, yêu cầu rất cao để chọn ra ĐBQH là phải có tài, có đức có trách nhiệm với đất nước và cử tri của mình, đồng thời Bác cũng xác định trách nhiệm của cử tri là phải lựa chọn những người xứng đáng để vào cơ quan quyền lực của nhà nước.

"Theo Bác, bầu ra ĐBQH để gánh vác việc chung cho dân, phục vụ nhân dân chứ không phải bầu ra thành quan để cai trị dân. Bác nói thế, yêu cầu rất cao để chọn ra ĐBQH là phải có tài, có đức có trách nhiệm với đất nước và cử tri của mình, đồng thời Bác cũng xác định trách nhiệm của cử tri là phải lựa chọn những người xứng đáng để vào cơ quan quyền lực của nhà nước", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.

Đó là điều tự hào và ghi nhận chuyển biến quan trọng của đất nước trong Cách mạng tháng Tám và xây dựng nhà nước. Từ đó, mỗi người phải tự tay cầm lá phiếu của mình đi bỏ phiếu để bầu ra những đại biểu của mình.

Đối với những người ứng cử, Bác cũng nói rất rõ "cũng có thể vì số lượng đại biểu có hạn thôi mà số người ứng cử thì nhiều cho nên chắc chắn sẽ có người trúng cử và có người không trúng cử".

Đối với những người trúng cử thì phải đem hết sức mình ra để phụng sự, phục vụ tổ quốc, bảo vệ nền độc lập của tổ quốc, đồng thời mang lại lợi ích cho nhân dân và luôn luôn phải đặt lợi ích của công lên trên lợi ích riêng của mỗi con người.

Còn đối với những người không trúng cử, cũng đừng vì thế mà buồn, nản chí mà sẽ cố gắng làm việc và góp sức của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ đó, chúng ta cũng cần suy nghĩ cho cuộc bầu cử hiện nay rằng không nên quá nặng nề về việc trúng cử hay không trúng cử. Dù được bầu hay không thì cũng đều mang hết tinh thần, trách nhiệm để xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Còn một ý nữa trong lời kêu gọi của Bác nêu, những người muốn làm quan cách mạng, thông qua bầu cử để ngoi lên làm quan cách mạng thì ta không nên bầu mà phải bầu những người thực sự vì dân, vì nước.

Tôi vẫn nhớ như in, Bác nhấn mạnh khi lưu ý cử tri đi bầu rằng: "Đề nghị bà con cử tri, nếu thấy ai có ý đồ tham gia Quốc hội để trở thành quan cách mạng thì dứt khoát không bầu".

Theo Bác, bầu ra ĐBQH để gánh vác việc chung cho dân, phục vụ nhân dân chứ không phải bầu ra thành quan để cai trị dân. 

Bác nói thế, yêu cầu rất cao để chọn ra ĐBQH là phải có tài, có đức có trách nhiệm với đất nước và cử tri của mình, đồng thời Bác cũng xác định trách nhiệm của cử tri là phải lựa chọn những người xứng đáng để vào cơ quan quyền lực của nhà nước.

Có thể nói, cảnh báo của Bác đối với những cán bộ mang tư tưởng phong kiến ấy, đến nay vẫn còn nguyên giá trị dù chúng ta đã có hơn 75 năm xây dựng nhà nước "của dân, do dân và vì dân".

Từ ý đó của Bác, chúng ta suy nghĩ về bầu cử ĐBQH các khoá từ I đến XV. Mỗi lần bầu cử ĐBQH là mỗi cuộc sinh hoạt chính trị có ý nghĩa, phản ánh quyền làm chủ của dân, đồng thời cũng xác định trách nhiệm của ĐBQH trong mỗi thời kỳ lịch sử đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Các kỳ Quốc hội khoá II, III, IV trước đây là trong thời kỳ kháng chiến. Từ Quốc hội khoá VI trở lại đây là đất nước đã độc lập, thống nhất, thì mỗi thời kỳ có nhiệm vụ chính trị của đất nước đặt ra khác nhau, trách nhiệm của ĐBQH phải đáp ứng những đòi hỏi đó.

Đồng thời, chúng ta cũng phải lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, có cả đức và tài vào Quốc hội thì mới đóng góp được cho cơ quan quyền lực nhà nước.

Đức là đức hi sinh, phẩm hạnh, tinh thần vì dân vì nước, chí công vô tư, dĩ công vi thượng, coi việc đất nước, dân tộc đặt trên lợi ích cá nhân nhưng đồng thời cũng phải chú ý cái tài.

Tôi cũng nghĩ rằng, ĐBQH là người nghị sĩ, là những người thay mặt dân thì phải có trình độ, học vấn rất cao, có năng lực tổ chức hoạt động nhà nước, kiến thức pháp luật, quản lí nhà nước…

Tất nhiên, nó vẫn có cơ cấu vùng miền, tôn giáo, giai cấp trong xã hội…, thế nhưng phương châm của Đảng đề ra là "không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn", cho nên tiêu chuẩn của ĐBQH ngày càng phải cao lên và phải hoàn thành được trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước.

Đề cao trách nhiệm công dân, chọn những người xứng đáng nhất

Chúng ta cũng phải chú ý nâng cao trách nhiệm của công dân, cử tri ngày càng tốt hơn, quan tâm đến những đợt bầu cử như là những lần sinh hoạt chính trị, đồng thời, trách nhiệm công dân phải được đề cao để chọn ra những người xứng đáng nhất.

Những biểu hiện như bầu hộ, bầu thay, không suy nghĩ kỹ để chọn ra những người tài, hay có suy nghĩ bầu ai cũng được, thậm chí có người ý thức chính trị kém, họ chẳng bầu ai, bầu không đúng quy chế… 

Những cái đó đều thuộc ý thức, trách nhiệm của công dân, hoặc bị tác động bởi những yếu tố tiêu cực đến từ thế lực thù địch, chúng lôi kéo quần chúng phá hoại bầu cử. 

Tất cả những cái đó, chúng ta phải ngăn chặn, phê phán đồng thời nâng cao được giác ngộ chính trị của cử tri thì nhất định chúng ta sẽ chọn được những người xứng đáng trong cuộc bầu cử theo đúng tinh thần mà Bác Hồ đã nói từ cuộc bầu cử đầu tiên.

Thưa ông, chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 23/5, thời điểm toàn dân đi bầu cử để lựa chọn ra những người đại diện cho cử tri, nói lên tiếng nói của cử tri với Quốc hội. Ông kỳ vọng điều gì trong ngày bầu cử tới đây?

- Với sự chuẩn bị chu đáo, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị khoá XII về lãnh đạo bầu cử Quốc hội khoá XV, đồng thời với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia và với sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ chính trị từ những đồng chí lãnh đạo hàng đầu của đất nước như: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và với tinh thần, khí thế thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tinh thần trách nhiệm công dân, trách nhiệm của những người ứng cử tham gia ĐBQH khóa XV, tôi tin chúng ta sẽ tổ chức thành công cuộc bầu cử vào ngày 23/5 tới đây.

Mặc dù, lúc này là thời điểm đang rất khó khăn vì vừa phải tổ chức bầu cử tốt vừa phải phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên đòi hỏi trách nhiệm rất nặng nề của Hội đồng bầu cử quốc gia cho đến Ủy ban bầu cử các cấp, đặc biệt là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên tham gia tích cực để tạo sự thành công của cuộc bầu cử cũng như trách nhiệm công dân… 

Song, tôi tin là với sự ủng hộ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thành công tốt đẹp vì những lần bầu cử trước đây, chúng ta đã vượt qua được khó khăn thách thức để đi đến thành công.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem