Sau vụ mùa tất bật, xóm đan lục bình thuộc HTX Thanh Tú lại rộn ràng hơn bao giờ. Nhiều xã viên tranh thủ nắng lên cắt lục bình để kịp phơi khô, đan sản phẩm giao cho HTX. Chị Nguyễn Ngọc Dung cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây thu nhập khá hơn không phải lo đầu ra như trước. Nhờ nghề đan giỏ, tôi có thu nhập khoảng 50.000 đồng/ngày.
Chị Lê Thị Ngọc Thu - Chủ nhiệm HTX (giữa) hướng dẫn cho chị em đan giỏ.
HTX Thanh Tú được thành lập cách đây 4 năm, nhưng trước đó đã có thâm niên trên 10 năm. Lúc đầu, chỉ có trên 60 lao động tại chỗ và thu nhập không thường xuyên do đầu ra sản phẩm không có, nhưng bây giờ các xã viên sẽ được cung cấp dây đan và hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Hộ nào không đan được có thể bán lục bình khô cho HTX. Trung bình, một người làm giỏi có thể kiếm được từ 70.000-80.000 đồng một ngày, một người tay nghề bình thường cũng có thể kiếm được từ khoảng 50.000 đồng/ngày. Chị Lê Thị Ngọc Thu- Chủ nhiệm HTX cho biết, khi vào hợp tác xã, sẽ được dạy nghề miễn phí trong vòng 40-60 ngày.
Chị Trần Thị Mỹ Triều- xã viên HTX chia sẻ: Không chỉ được dạy nghề, các xã viên còn được vay vốn mua nguyên liệu, đầu tư thêm chăn nuôi, trồng trọt và còn được Ban chủ nhiệm HTX thăm hỏi, động viên tinh thần khi ốm đau hay dịp lễ, tết. Riêng nhà chị thuộc diện khó khăn, nhờ vay được 10 triệu đồng nên cũng có đồng vốn xoay xở để mua dây đan và phân, thuốc cho mấy công ruộng.
Các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như giỏ xách các loại, hàng đan dây cối được HTX thu mua bán cho một số cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh gia công, xuất sang Nhật, Ý... Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, HTX còn phát triển nghề đan này sang các xã, huyện lân cận. Riêng huyện Vị Thủy hiện đã có trên 350 lao động thường xuyên tham gia vào nghề này.
Ông Cao Thành Nhượng- Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Vị Thủy cho biết, về phía huyện tạo mọi điều kiện về vốn cho HTX phát triển. Đặc biệt, HTX có khoảng 5 người có đủ trình độ đứng lớp truyền nghề nên khi huyện có mở các lớp về đan lát đều giao cho HTX hướng dẫn. Tỷ lệ học viên có việc làm và gắn bó với nghề khoảng 80%, cao hơn hẳn so với các ngành, nghề khác.
Theo đánh giá, việc sơ chế lục bình làm nguyên liệu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ không mới ở các tỉnh ĐBSCL, nhưng điểm mới ở HTX này là giúp xã viên phát triển các dịch vụ liên hoàn những “chuỗi” sản xuất liên quan tới lục bình.
Trần Thanh (Trần Thanh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.