Nghề lặn tìm nhím biển “tiến vua”

Bài, ảnh: Đức Cường Thứ năm, ngày 10/09/2015 12:15 PM (GMT+7)
Có giai thoại kể rằng, xưa kia vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho quan cai trị vùng đất Quảng Ngãi hàng năm phải tiến cống 12 cân mắm nhum. Ngư dân Sa Huỳnh đã lặn tìm nhum mang về bổ đôi lớp vỏ, nạo lấy thịt bên trong, muối thành mắm dâng lên vua. Giờ không còn cung tiến như thuở trước, nhưng lặn nhum vẫn là nghề thu hút nhiều ngư dân Sa Huỳnh.
Bình luận 0

Cũng theo bà con vùng biển Sa Huỳnh này, xưa còn lưu truyền giai thoại rằng, vua Bảo Đại mỗi lần kinh lý qua Sa Huỳnh thường cho đoàn xa giá dừng lại để quan địa phương dâng tiến vài cân mắm nhum rồi mới tiếp tục lên đường. Vì thế, mắm nhum còn được gọi là mắm tiến vua.

Nhum (còn gọi là nhím biển, cầu gai) thuộc loại nhuyễn thể, sống nơi ghềnh đá ven bờ biển nước ấm. Ở vùng biển Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi), nhum xuất hiện từ tháng Hai đến tháng Tám âm lịch với 4 loại: Nhum bắn gai, nhum bạc, nhum đen và nhum giang. Đây cũng là thời gian của nghề lặn nhum ở Sa Huỳnh.

Anh Nguyễn Chinh (xã Phổ Châu, Đức Phổ) vận đồ bảo hộ cùng bình dưỡng khí vào người rồi vội rời chiếc ghe nan lao xuống ngụp lặn trong làn nước biển. Theo nhiều ngư dân, anh Chinh là người lặn nhum chuyên nghiệp nhất ở vùng biển Sa Huỳnh khi trang bị cho mình chiếc ghe nan cùng với thiết bị lặn trên 12 triệu đồng. Anh lặn ngụp, vợ anh bổ đôi lớp vỏ nhum, gỡ lấy thịt.

img

Anh Chinh đang chuẩn bị rời ghe lặn xuống nước tìm bắt nhum.

Cả một ngày ròng rã, hai vợ chồng anh thu được khoảng 4kg thịt nhum, với giá thị trường gần 1 triệu đồng. “Nghề này cho thu nhập cao, nhưng chỉ dành cho trai tráng và người có sức khỏe mới chịu đựng nổi. Cả ngày cứ ngụp lặn dưới nước bám vào ghềnh đá tìm nhum nên cơ thể khá mỏi mệt. Nhiều lúc nước đục, bắt phải nhum bắn gai làm tê buốt cả cánh tay” – anh Chinh nói.

Trên bãi cát giữa trưa nắng, anh Phan Văn Định run cầm cập, làn da trở nên tím tái vì ngụp lặn lâu dưới làn nước. Anh kể, 7 giờ sáng, anh đã mang dụng cụ gồm kính lặn, móc sắt, chiếc rổ gắn phao ra biển lặn xuống bắt nhum bám vào ghềnh đá ven bờ. Khi phát hiện nhum, anh dùng móc sắt giật mạnh để nhum rơi khỏi đá và nhặt lấy rồi ngoi lên bỏ vào rổ nhựa gắn phao nổi bồng bềnh trên mặt nước. Đến trưa, anh thu được khoảng 1kg thịt nhum, bán được hơn 200 nghìn đồng.    Cả hai chị là vợ của anh Chinh, anh Định đều có đôi bàn tay sưng tấy do bị nước bẩn bào mòn da vì phải luôn tiếp xúc với nhum. Họ phải chịu đau buốt mỗi khi dùng dao bổ đôi lớp vỏ để lấy phần thịt bên trong. Họ khéo léo tách vỏ rồi dùng mảnh tre nhỏ vót mỏng khều lấy phần thịt màu vàng tựa gạch cua bên trong lớp vỏ lởm chởm gai nhọn. Chỉ cần sơ sẩy tí chút, thịt nhum sẽ lẫn với ruột và gân máu, khi chế biến món ăn rất tanh, muối mắm bị thâm đen, hư thối.

Tuy nhiên, công việc như các chị làm được xem là quyết định hương vị ngon – dở của loài nhuyễn thể và là đặc sản bậc nhất ở vùng biển này. “Đâu chỉ mấy ổng phải chịu khổ cực, phụ nữ tụi tui cũng chịu nhiều vất vả khi làm nhum đấy. Nhiều ông lặn giỏi đến mấy đi nữa, nhưng ở nhà không có người làm đành phải bỏ nghề” – chị Thúy, vợ anh Chinh chia sẻ.    Nhum do bà con ngư dân đánh bắt được ngoài làm mắm, còn được chế biến nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng: nấu cháo, xào, nướng, tráng với trứng, thịt nhum tươi vắt tí nước cốt chanh ăn kèm với rau thơm… Đặc biệt nhum ngâm rượu vốn được truyền tụng là quý hiếm.

Mắm nhum tiến vua thuở trước giờ theo chân Việt kiều và du khách đến nhiều nơi trên thế giới, góp phần bảo lưu một nghề lặn biển cho ngư dân Sa Huỳnh.

img

Một ngư dân ngoi lên mặt nước bỏ nhum vào rổ.

img

Thành quả của anh Định sau cả buổi lặn bắt nhum.

img

Bà Mai giới thiệu đặc sản mắm nhum Sa Huỳnh với du khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem