Một lần ra với biển!

Thứ hai, ngày 26/05/2014 12:16 PM (GMT+7)
Người miền núi bao giờ cũng ham biển. Bàn chân bao lâu nay phải lựa đá, níu cây mà len bàn chân, uống giọt nước tích tụ trong ống nứa, nay khi về với mênh mông cát vàng, dập dềnh sóng vỗ thì còn gì ham bằng.
Bình luận 0
Nhưng thế chưa đủ, còn phải là về với nơi những hạt nước đã tìm về với biển mẹ để nhắn nhủ những hạt muối tinh trắng xóa rằng hãy ngược lên non mặn mà thêm cho những bữa cơm rừng.

Chiều xuống, cũng là lúc chúng tôi đến được với biển. Điều tưởng như quá bình thường với người miền biển lại thành cơ duyên hệ trọng với những cư dân đồng rừng xa ngái. Đã bao lần bão nổi dưới này, rồi lở núi, sạt đường trên ấy, giờ mới thấy biển tận mắt. Không phải là màu xanh thẫm của mực nước mà thiên sắc trời ban.

Bữa cơm đầu tiên với những người dân biển cũng là dịp để hiểu thấu lòng ra chủ. Người vùng biển sống nhờ biển, tưởng chẳng mất công nuôi nấng, tưới tắm nhưng mất vì biển cũng nhiều. Bữa cơm mặn mòi vị cá, thấp thoáng những cọng rau thưa như tầm bóp, rau muối nằm ven các triền đê biển, ven đường làng.
Hoa muống biển trên Bãi biển Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. (Ảnh minh hoạ)
Hoa muống biển trên Bãi biển Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. (Ảnh minh hoạ)

Rau ẩn mình mà cố lớn lên trong cái tiêu táp của muối mặn, chắt lấy từng hàm lượng nước ngọt ít ỏi mà giữ lấy màu xanh cùng cộng sinh với người đã mấy ngàn năm nay từ thuở ông bà mình xuôi xuống dưới này chinh phục biển.

Nước Việt có bờ biển dài, lại mang hình chữ S rất uyển chuyển và đẹp, tính ra theo chiều dài còn bằng hai, ba quốc gia nhỏ cộng lại. Đôi khi nghe thổ âm, phương ngữ còn chẳng tường tận về nhau.

Ấy vậy mà, vừa mới gặp mặt, đã thấy thân thương lạ như người anh em chỉ vừa mới xa vài ngày chứ đâu phải mấy trăm năm đàng trong, đàng ngoài. Gặp nhau là đôi đũa gắp xòa cho khách, đâu kể mâm cao cỗ đầy hay rau dưa, cá, cua đạm bạc. Li rượu trắng nâng lên chẳng kể sang hèn chúc may mắn sức khỏe, xá chi đang lận đận gian khó, cầu chi vinh hoa, phú quý.

Nhưng đang nâng lưng chén cơm (người miền rừng gọi là bát cơm gạo nương khô khốc) chợt nhớ đến lúc chiều, nhìn người đàn bà dưới nắng lật từng phiến đá kiếm cua biển lại thấy nghẹn lòng.

Cái nghề của chị cực quá ư? đâu có được là một nghề khi chẳng có gì hứa hẹn, biết có gì đợi chị dưới những hòn đá lật qua ngày này, ngày khác hay lại uổng công không. Nhưng đôi mắt chị mới thật đáng nhớ. Đôi mắt trũng sâu, thăm thẳm như lòng biển, như từng lớp, từng lớp thời gian như khi ta nhìn xuống giếng đá ong miền bán sơn địa.

Đôi mắt những người vợ nhìn về phía biển như có nguồn năng lượng thần kì, gửi một niềm hoài vọng vượt muôn trùng sóng gió đến với tấm lưng trần sạm nắng của những người chồng đang căng sức ra giành lấy miếng ăn từ sóng, gió của biển.
Người thân đứng trên bờ ngóng trông ra biển (Ảnh minh hoạ, nguồn ảnh: Dân trí)
Người thân đứng trên bờ ngóng trông ra biển (Ảnh minh hoạ, nguồn ảnh: Dân trí)

Hình ảnh chị như đóng đinh vào nền biển xanh thẳm, nơi cát dưới chân như sắt lại thành đá, thành rêu phong của một ngôi đền thiêng vô hình trong tâm hồn ta. Sự thủy chung, kiên gan để sống, để yêu và quyết giữ lấy đất đai, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Biển ở đây chẳng giống biên cương nơi cực Bắc. Nơi ấy là từng đỉnh núi cao, từng con đèo chênh vênh, từng cửa ải mấy mù bao phủ. Giữ đất có gian nan nhưng rạch ròi, có điểm tựa núi non, có tre trúc, có lửa, có sắt, đá giúp sức để kiên cường mấy ngàn năm lịch sử. Cương vực ở đây thì mong manh, không có địa thế hiểm yếu chở che mà chỉ có đôi mắt chừng chừng cảnh giác.

Biên giới là phía xa kia một chấm đảo trong biển mù khơi và còn xa hơn nữa là những quần đảo tiền tiêu mà cha ông ta từng kiên gan gìn giữ. Ngày đó, với những tàu thuyền nhỏ, những chiến binh Trường Sa, Hoàng Sa hẳn đã linh hội trong mình khí chất Việt để theo gió căng buồm ra giữ biển. Bao ngôi mộ gió, bao cuộc hi sinh thầm lặng giữ đảo để giữ gìn đất đai tiên tổ. Hồn vía của những anh linh đó đã trấn yểm để hôm nay có biển Đông bình lặng, nuôi lớn từng làng biển dọc miền đất nước.

Chúng tôi chỉ còn biết đi dọc những bãi cát, đi mãi mà chẳng muốn quay về. Đất nước mình đẹp vì rộng dài những sắc màu văn hóa. Đất nước với những cảnh đời khác nhau, nơi đã ấm no, nơi còn chưa hết vất vả, lo toan nhưng ở đâu con người cũng hiền hòa, yêu đất mẹ và tự hào về Tổ quốc.

Sớm mai lại ngược dốc cao lên với rừng, lại cơm nắm chấm vị muối mặn mòi bám rừng giữ đất. Có một điều gì đó mạnh mẽ hơn trong mình như vừa được đoàn tụ với đại gia đình nước Việt. Ở đâu cũng vậy, dù biển hay rừng, nhón chân qua kẽ đá hay xoài tay khỏa mái chèo thì cũng là khi ta đang đi giữa mênh mông Tổ quốc.
Bùi Việt Phương (Bùi Việt Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem