Theo ông Nguyễn Xuân Dũng - Chủ tịch Hội ND xã Hiếu Liêm, với diện tích tự nhiên lớn, nguồn thức ăn dồi dào, lại được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vốn, mấy năm gần đây, ND đã phát triển chăn nuôi hươu, nai và đang hình thành làng chăn nuôi hươu, nai hàng hóa. Hiện tổng đàn hươu, nai của xã có 947 con.
|
Chị Phạm Thị Hoa (thứ 2 bên trái) giới thiệu cơ sở mộc của gia đình. |
Hình thành làng nghề
Gia đình ông Dương Đình Quyến ngụ ấp 2, đông con lại ít đất sản xuất. Năm 2009, ông được Ngân hàng CSXH cho vay 10 triệu đồng mua một con nai giống. Nai đẻ lứa đầu tiên, sau 4 tháng nuôi, ông bán được 20 triệu đồng. Hiện nai mẹ đang mang bầu lứa thứ hai. Trong buổi sinh hoạt Chi hội ND cuối năm 2011, ông Quyến hứa cuối năm 2012 sẽ rút khỏi danh sách hộ nghèo.
Đến thăm gia đình vợ chồng chị Phạm Thị Hoa, chúng tôi được chứng kiến tác dụng của đồng vốn vay ưu đãi đối với những hộ khao khát xóa nghèo từ nuôi hươu, nai. Quê huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), năm 1990 vợ chồng chị vào xã Hiếu Liêm sống bằng nghề làm mướn.
Năm 2006, vợ chồng chị nuôi mướn nai cho một chủ nai trong xã theo phương thức ăn chia tỷ lệ 4/6 (khi bán nai hoặc sản phẩm của nai, chủ nai được 6 phần, người nuôi thuê được 4 phần). Năm 2007, Ngân hàng CSXH cho vợ chồng chị vay 10 triệu đồng, chị mua một chú nai tơ, sau gần 4 năm, chuồng nai của vợ chồng chị phát triển 7 con, trong đó có 1 con nuôi mướn.
Đứng bên chuồng nai, anh Bảy - chồng chị Hoa cho biết: “Vợ chồng tôi dành 2.000m2 đất trồng sắn chuyên trồng cỏ nuôi nai, mỗi ngày cắt gần 100kg cỏ để giảm chi phí “đầu vào”. Mỗi nai con 4 tháng tuổi, tôi bán được 20 triệu đồng, Nhờ nai gia đình tôi xóa nghèo xong rồi”.
Cách nay 3 năm, hộ ông Nguyễn Tiến Chương ở ấp 3 được Ngân hàng CSXH nâng nguồn vốn vay lên 30 triệu đồng mua thêm nai giống nuôi chung với hươu theo quy mô trang trại. “Nhờ hươu, nai, gia đình tôi dần khá giả, nay tự nguyện nhường vốn cho bà con còn nghèo vay có cơ hội chăn nuôi như tôi” - anh Chương tâm sự.
Mở thêm nghề mới
Ông Trương Văn Thanh- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Cửu cho biết, trong 5 chương trình ủy thác qua các tổ chức quần chúng của Ngân hàng CSXH thực hiện ở xã Hiếu Liêm, tỷ lệ vốn vay chương trình sản xuất-kinh doanh vùng khó khăn tuy ít (1,511 tỷ đồng/122 hộ) nhưng hiệu quả không thua chăn nuôi hươu, nai.
Với dư nợ tín dụng 8,4 tỷ đồng cho 704 hộ xã Hiếu Liêm vay tại thời điểm đầu năm 2012 đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.
Ông Trương Văn Thanh
- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vĩnh Cửu
Cách đây 6 năm, vợ chồng anh Trịnh Bá Mão sống nhờ 1ha rẫy. Hết trồng mì, vợ chồng anh chuyển sang trồng bắp và đi làm mướn nhưng vẫn không khá nổi. Năm 2005, anh Mão sắm đồ nghề mở cơ sở mộc. Thấy vợ chồng anh Mão có ý chí phát triển nghề quy mô lớn, năm 2008 chị Phạm Thị Hải - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp 3 đề nghị Ngân hàng CSXH cho anh vay 30 triệu đồng hỗ trợ anh mua thêm máy móc, nguyên liệu.
Đầu năm 2012, cơ sở mộc của anh Mão vào loại bề thế nhất xã Hiếu Liêm. “Không chỉ đồ gia dụng thông thường, mà cả hàng cao cấp cô bác đặt chúng tôi sản xuất không kịp. Lúc cao điểm, cơ sở của tôi thu hút cả chục lao động có tay nghề”- anh Mão cho hay.
Khuynh Diệp
Vui lòng nhập nội dung bình luận.