Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: "Tôi từng không được học đàn vì... nhà quá ồn"

Mộc Linh Thứ năm, ngày 21/01/2021 08:45 AM (GMT+7)
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã được tiếp xúc với cây đàn từ khi mới lọt lòng. Song ít ai biết, ban đầu, cha mẹ ông không hề có ý định dạy nhạc cho cậu con út của mình.
Bình luận 0

Nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đã có những tâm sự xúc động về tình cha con cũng như những kí ức đáng nhớ của gia đình ông trong buổi ra mắt sách "Đặng Đình Hưng - Một bến lạ" vào chiều tối 20/1 tại Hà Nội. Trong suốt buổi trò chuyện này, nét mặt ông luôn đầy xúc cảm và sự trầm tư. Đặng Thái Sơn nói, việc xuất bản là sách là điều ông đã ấp ủ từ lâu, nhưng bây giờ mới có thể làm cho bố.

Bố dạy tôi phải chân thật trong nghệ thuật

Khi tôi còn chưa lọt lòng, bố đã đặt tên cho tôi là Đặng Thái Sơn. Bất kì ai nghe cái tên này cũng sẽ liên tưởng ngay tới câu thơ: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Nhưng ở đây, cái tên này còn mang một ý nghĩa khác: chữ Thái trong tên tôi là từ họ mẹ. (Thái Thị Liên). Ông là người rất bình đẳng.

Khi tôi ra đời, gia đình tôi sống rất êm ả tại số nhà 28, Tống Duy Tân, thuê lại của một cụ ký. Nhà rất đông, 5 anh em, con anh, con em, con chúng ta, tôi là út. Trong nhà ai cũng học đàn, cũng bởi vậy khi đến tôi, bố mẹ tôi nói: "Ầm ĩ quá rồi, thôi con không tập nữa". Nhưng sự đời là vậy, khi bố mẹ nói không thì con lại "ứ ừ", tôi cứ lân la cạnh cây đàn của mẹ.

Đặng Thái Sơn: "Tôi từng không hiểu tại sao bố mẹ lại lấy nhau" - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn

Các cụ theo dõi, thấy tôi có vẻ quan tâm tới cây đàn trong nhà, ông bà bèn đè thằng bé ra xem nó có "lỗ tai" hay không, bởi muốn học đàn cần có năng khiếu. Năng khiếu chứ không phải đôi tay đâu, mọi người cứ bảo tay đẹp để đánh đàn nhưng thực ra tay nghệ sĩ piano không khác gì tay nông dân, phải dùng cơ bắp để đánh nên không đẹp. "Lỗ tai" mới là thứ quan trọng. Sau khi thử xong, tôi thấy các cụ cứ thì thầm nhỏ to với nhau. Một thời gian nữa thì tôi được học đàn.

Bố tôi bắt đầu kẻ những dòng nhạc đồ rê mi pha son lên giấy, dạy tôi từng nốt nhạc. Má đặt tay tôi lên phím đàn những nốt đầu tiên. Tôi bắt đầu với cây đàn như thế.

Thời gian sau đó, gia đình tôi phải đi sơ tán, tôi theo mẹ, bố tôi về quê. Lúc tôi gần với ông nhất có lẽ là khoảng đầu những năm 1970, khi trở về Hà Nội. Gia đình tôi có hai phòng, phòng lớn 22m2 tôi ở với má, phòng bố tôi chỉ được 4m2. Cụ ăn, ngủ, làm thơ và dịch đều ở đấy. Tôi hay nhìn sang phòng bố, đặc biệt là lúc ông ngâm thơ thăng hoa. Những người hay lui tới là bác Văn Cao, bác Hoàng Cầm, bác Đỗ Nhuận, chú Lê Yên... Tôi cảm giác bố tôi hợp với nhạc sĩ hơn, vì cái tôi của họ không đụng tới nhau nên không nảy sinh cãi vã.

Lúc đó cũng là khi tôi bước vào niên thiếu, bây giờ còn gọi là tuổi teen - lứa tuổi hình thành nhân cách. Bố tôi bắt đầu để ý, ông không chỉ chỉ cho tôi về cách sống mà còn về nghệ thuật. Cụ cứ đứng từ xa xem tôi đàn như thế nào, cân bằng ra sao, thẳng lưng như thế nào. Thằng bé cứ nghe theo những lời khuyên của bố, giờ điểm lại tôi nghĩ phải được tới chín mấy phần trăm. Chỉ có một điểm bố tôi uốn mãi không được, mà tôi rất ngại khi cụ nhắc tới, đó chính là cụ dạy tôi cách đi đứng sao cho đẹp.

Bố tôi cũng dạy tôi trong cuộc sống, trong nghệ thuật đều phải chân thật, không được quỵ lụy, không được khuất phục, phải luôn có niềm kiêu hãnh bên trong. Có lẽ chính niềm kiêu hãnh ngầm ấy đã giúp tôi chiến thắng cuộc thi Chopin vì trong cuộc thi ấy tôi hoàn toàn đơn thương độc mã.

Bố mẹ tôi đều có cá tính cực mạnh

Cuộc đời cũng như một bản nhạc vậy, có lúc êm ả, rồi bắt đầu lại đến cao trào, đây chính là phần của bi thương. Đó là giai đoạn giữa những năm 70, khi bố mẹ tôi chia tay. Tôi lúc đó bắt đầu sửa soạn sang Liên - Xô để học nhạc.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn: "Tôi từng không được học đàn vì... nhà quá ồn" - Ảnh 3.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn chơi bản nhạc của Bach để dành tặng cho người cha đã khuất. Ảnh: Viện Pháp Hà Nội

Lại nói chuyện về bố mẹ, nhiều khi tôi không hiểu tại sao hai người lại lấy nhau vì họ đều có cá tính cực mạnh, văn hóa thì khác biệt. Mẹ tôi thì phương Tây hơn, trong khi bố tôi lại theo truyền thống. Thế nhưng sau này ngẫm lại, tôi nghĩ có lẽ nó cũng bắt nguồn chính từ sự chân thật trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Cuộc chia tay khi ấy đã kéo theo sự suy sụp của cả bố và mẹ tôi.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng sinh năm 1924, mất năm 1990. Ông là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà thơ tài ba, từng được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gọi là "kỳ nhân" một thời. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của nhà thơ – họa sĩ Đặng Đình Hưng (1990-2020), cuốn sách "Đặng Đình Hưng – Một bến lạ" đã được ấn hành. Cuốn sách bao gồm 6 tác phẩm Thơ, trên 20 tác phẩm hội họa và những bài bình luận về Thơ và ký ức về cuộc đời cố tác giả của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình (Hoàng Cầm, Hoàng Hưng, Thuỵ Khuê, Đỗ Lai Thuý…).

Bố cần mẹ, mẹ cần bố. Những người sáng tác như bố tôi cần hậu phương vững chắc. Lúc hậu phương ấy mất đi, cụ sụp đổ. Cụ như một người vô gia cư, rồi tiến tới là rơi vào bệnh tật. Mẹ tôi thì cần cái đầu của bố tôi, vì cư xử xã hội với kỹ thuật giao tiếp của mẹ tôi gần như là "zero" vậy.

Nếu tin vào nhân - quả, định mệnh thì có lẽ câu chuyện dưới đây là một ví dụ. Thời điểm đen tối nhất của bố tôi là những năm 1980, khi cụ bị một cái u trong phổi. Ngày cụ nhập Bệnh viện Lao lại là ngày tôi ngồi thi chung kết cuộc thi Chopin bên Ba Lan. Giải Nhất cuộc thi Chopin và những vinh quang do nó mang lại đã cứu cả nhà. Bố tôi từ chỗ chỉ nằm chờ chết đã được chăm sóc với những điều kiện tốt nhất, được bác sĩ đầu ngành phẫu thuật. Bố tôi sống thêm được 10 năm, cuộc sống hậu vận cũng tương đối thoải mái. Mẹ tôi sau đó sang Liên - Xô hưởng tuổi già cùng con.

Cuối buổi trò chuyện, nhạc sĩ Đặng Thái Sơn khẳng định: "Tôi chỉ có một lựa chọn, đó là chọn làm con ngoan của bố". Ông chơi bản nhạc Adagio của Bach để dành tặng cho người cha của mình và đề nghị khán giả không vỗ tay khi ông chơi xong.

Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn
Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn sinh năm 1958, tại Hà Nội, cha ông là nhà thơ Đặng Đình Hưng và mẹ là nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên. Ông giành huy chương vàng - giải nhất cuộc thi quốc tế Frédéric Chopin tại Warszawa, Ba Lan năm 1980 và là người châu Á đầu tiên đoạt danh hiệu này.
Sau khi đoạn giải Chopin, Đặng Thái Sơn đã trình diễn tại hơn 40 nước của châu Âu, Á, Mỹ, Úc với hàng trăm dàn nhạc nổi tiếng thế giới. Ông đã được Chính phủ Việt Nam tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Huân chương Lao động hạng nhất; Bộ Văn hóa Ba Lan tặng huy chương vàng Công huân về văn hóa năm 2018. Hiện ông đang sinh sống tại Montreal, Canada.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem